Tính cách của trẻ 1-3 tuổi
• Hoạt náo và tò mò - trẻ phải sờ mó tận tay, đóng và mở, khám phá, chạy, leo trèo và quăng vứt
• Tìm hiểu bản thân - những gì trẻ thích và không thích, và thử ý chí của mình
• Học hỏi để thực hiện những bổn phận của chính mình - đi lại, nói chuyện, tự ăn uống và mặc áo quần và sử dụng nhà vệ sinh
• Học hỏi để sống cùng với những người khác - cách biểu lộ tình yêu, chia sẻ và được chia sẻ, và không làm tổn thương những người khác.
Trẻ không thể:
• Hiểu những lý do của bạn - trẻ không thể hiểu được mọi thứ từ quan điểm của bạn
• Ngồi yên, chờ đợi, chia sẻ hoặc kiểm soát cảm xúc của trẻ- những việc này cần thời gian và hỗ trợ để học hỏi
• Luôn luôn ngăn cản bản thân không làm gì đó mà bạn yêu cầu không được làm. Trẻ không có ý không vâng lời bạn. Trẻ đang ở trong giai đoạn học hỏi cách tự kiểm soát. Trẻ vẫn cần bạn nhắc nhở trẻ nhẹ nhàng và đảm bảo an toàn cho trẻ.
Trẻ có xu hướng:
• Nói ”Không” và cho thấy trẻ có quan điểm riêng của mình
• Biểu lộ sự mâu thuẫn và khó chịu, và thỉnh thoảng giận dữ
• Không sẵn sàng chia sẻ bởi vì trẻ chỉ đang tìm hiểu về bản thân. Đối với trẻ, mọi thứ là của trẻ
• Muốn tự bản thân đưa ra một số lựa chọn
• Cảm thấy khó khăn khi đối mặt với những sự thay đổi
• Muốn giống như cha mẹ, ví dụ: sử dụng son môi, sử dụng điện thoại và chìa khóa của cha mẹ.
Trẻ cần:
• Sự thông cảm, tình yêu, kiên nhẫn và sự động viên, khích lệ
• Thời gian để khám phá
• Được cho phép đưa ra những lựa chọn đơn giản
• Thử tự lập và đến bên bạn để cảm thấy thoải mái
• Sự hỗ trợ của bạn khi “vật lộn” với những cảm xúc và hành vi nhiều chiều
• Được đảm bảo an toàn - trẻ không hiểu về những mối nguy hiểm
Những vấn đề có thể làm trẻ căng thẳng:
Trẻ thích các hoạt động thường quy – điều này giúp trẻ cảm thấy an toàn và được bảo vệ. Những vấn đề làm trẻ căng thẳng có thể là:
• Sự xuất hiện em bé mới trong gia đình
• Bị ốm
• Chuyển nhà hoặc chuyển chỗ ngủ
• Cha mẹ ly thân, ví dụ: bắt đầu đến trung tâm chăm sóc trẻ, khi cha/mẹ nằm viện hoặc tan vỡ gia đình
• Cha mẹ tức giận, cãi cọ, khóc lóc hoặc khi có bạo lực gia đình
Trẻ thường không có những từ ngữ để nói lên cảm xúc của mình. Đôi khi trẻ biểu lộ căng thẳng ở cách trẻ cư xử, chẳng hạn như trẻ trở nên hư hỏng, không nghe lời, trở nên trầm tính hơn bình thường hoặc có những sự đau đớn trên cơ thể. Bạn cần nhìn nhận ra những dấu hiệu này của trẻ.
Sẽ hữu ích nếu bạn dành nhiều thời gian hơn ở bên trẻ và chăm sóc trẻ, hãy để cho trẻ được là những em bé trong những khoảng thời gian ngắn. Những hành vi sai quấy sẽ biến mất khi trẻ quen hơn với sự thay đổi này.
Cha mẹ có thể làm gì
Trẻ cần sự giúp đỡ của bạn để học hỏi. Đưa ra những lời khen ngợi và động viên trẻ sẽ hiệu quả nhất bởi vì trẻ muốn làm hài lòng bạn. Hình phạt, ép buộc trẻ cư xử hoặc trở nên tốt đẹp không giúp trẻ học hỏi và thực hành những hành vi mà bạn muốn. Hãy giúp trẻ tìm ra cách để thoát khỏi tâm trạng thất vọng, đôi khi trẻ có thể cảm thấy như trẻ đang học một điều gì đó mới mẻ.
• Đừng đặt trẻ vào cuộc chiến với những thứ mà trẻ cần phải có thời gian và thực hành nhiều mới hiểu được, ví dụ: Hướng dẫn trẻ đi vệ sinh, hướng dẫn trẻ ăn, phát triển những thói quen tốt cho giấc ngủ.
• Phớt lờ những việc không phải là vấn đề gì quá to tát chẳng hạn như trẻ bầy bừa, nhưng nhấn mạnh vào những việc quan trọng như thắt dây an toàn.
• Tạo ra những trò chơi thú vị, hài hước để trẻ có thể tập nói “Không”, ví dụ: “Bố đang ngủ ở trong nhà vệ sinh à?”
• Không đưa ra sự lựa chọn nếu chưa có sự lựa chọn nào. Nếu bạn phải đón trẻ từ trường học đừng hỏi trẻ liệu trẻ có muốn bạn đến đón.
• Nếu có việc gì đó trẻ không muốn làm, thử tạo ra một trò chơi. Bạn có thể nói “xem con có thể nhảy như một con kangaroo vào nhà tắm không nào”, hoặc để làm cho thời gian tắm rửa của trẻ thú vị hơn thì bong bóng xà phòng, đồ chơi hoặc một vài giọt màu cho vào trong bồn nước có thể làm trẻ cảm thấy thú vị.
• Chuyển hướng tập trung của trẻ thay vì ra lệnh cho trẻ, ví dụ: “Mình đi ra khỏi tòa nhà đi” thay vì “ Hãy dừng việc đó lại”. Làm mẫu những gì bạn muốn trẻ thực hiện.
• Đưa ra những sự lựa chọn đơn giản,ví dụ: “con muốn mặc áo màu xanh hay áo màu đỏ ngày hôm nay?”.
• Tích cực và đưa ra những lựa chọn thay thế hơn là nói “không” mọi lúc. Thay vì “Con đừng đóng sầm cửa lại” bạn có thể nói “Mẹ biết con có thể đóng cửa nhẹ nhàng, hãy xem con làm nào”. Sau đó cho trẻ sự khen ngợi khi áp dụng một kĩ năng mới.
• Hãy nói cho trẻ biết bạn muốn gì ở trẻ bằng những từ ngữ đơn giản. Thay vì nói “mẹ sẽ không lắng nghe con nếu như con khóc nhè- điều đó làm mẹ rất tức giận” bạn có thể nói “Làm ơn nói cho mẹ biết con muốn gì mà không khóc nhè nhé”.
• Không yêu cầu trẻ giải thích những gì trẻ đã làm bởi vì trẻ không hiểu lý do.
• Áp dụng “thời gian trông chừng” để kiểm soát hành vi của trẻ. Để trẻ thoát khỏi những rắc rối và hãy ở bên trẻ một lúc. Trẻ cần sự giúp đỡ của bạn để bình tĩnh lại. Một khi trẻ bình tĩnh lại bạn có thể giúp trẻ hiểu những gì bạn mong đợi ở trẻ.
• Trẻ em quá nhỏ để suy nghĩ về những hành vi của mình. Vì vậy cách ly trẻ (giống như hình phạt cách ly) có vẻ như không hiệu quả như những gì cha mẹ mong đợi. Làm như vậy có thể làm tăng nỗi sợ hãi chia ly của trẻ.
• Đừng đe dọa sẽ rời bỏ trẻ một mình vì làm như vậy sẽ làm trẻ rất hoảng sợ. Nếu bạn ra ngoài mua sắm và trẻ trở nên khó chịu và từ chối đi cùng với bạn- hãy bế trẻ và mang trẻ đi cùng. Hãy kiên quyết nhưng ân cần cho trẻ biết bạn đang làm việc bạn cần làm.
Giao tiếp với trẻ như thế nào
Cách bạn nói chuyện với trẻ có tác động lớn đến mối quan hệ của bạn với trẻ. Cách bạn lắng nghe cũng quan trong như cách bạn nói.
• Chú ý đến ngữ điệu trong giọng nói của bạn - trẻ nhỏ rất dễ bị hoảng sợ.
• Cho trẻ thời gian để nói mà không gián đoạn trẻ. Cúi xuống cùng tầm mắt với trẻ để nhìn trẻ- điều này cho thấy bạn đang rất thích thú.
• Cùng tham gia nhiều hoạt động mỗi ngày. Thậm chí là việc cất dọn đồ chơi cùng trẻ cũng là cách tốt để bạn và trẻ nói chuyện và ở bên nhau.
• Dành thời gian để tìm hiểu những điều đặc biệt trong cuộc sống hằng ngày của trẻ. Những việc đơn giản như quan sát trẻ làm một việc gì đó có thể làm trẻ cảm thấy đặc biệt.
Giúp trẻ hiểu về những cảm xúc
• Bạn hãy trở thành một hình mẫu lý tưởng cho trẻ - cách bạn kiểm soát những cảm xúc của bạn giúp trẻ học hỏi được cách kiểm soát những cảm xúc của trẻ.
• Gọi tên những cảm xúc để trẻ hiểu rằng trẻ có thể nói về những cảm xúc đó và học cách kiểm soát cảm xúc. Bạn có thể nói “ Mẹ nghĩ con đang cảm thấy buồn vì bố phải đi làm”, “Mẹ có thể thấy con đang rất giận dữ”.
• Hãy tách rời những cảm xúc ra khỏi hành vi. Bạn có thể nói “mẹ biết con đang tức giận nhưng thật không đúng khi con đánh người khác. Khi con tức giận vì điều gì đó, con có thể nói với mẹ”.
• Đọc truyện và chỉ cho trẻ thấy có nhiều cảm xúc khác nhau, ví dụ: tức giận, hạnh phúc, buồn bã, sợ hãi.
• Giúp trẻ hiểu được sự khác nhau giữa cảm xúc của trẻ và cảm xúc của những người khác. Cần nhiều năm để trẻ hiểu được điều này nhưng bạn có thể bắt đầu khi trẻ còn rất nhỏ.
Giúp trẻ khi trẻ giận giữ
Hầu hết trẻ đều có những cơn giận dữ- đây là một phần bình thường của quá trình phát triển và trở nên tự lập của trẻ. Một cơn giận dữ là một dấu hiệu cho thấy trẻ đang choáng ngợp bởi những cảm xúc và cần sự giúp đỡ của bạn để bình tĩnh lại. Hãy để trẻ biết bạn hiểu những cảm xúc của trẻ khi trẻ biểu lộ những cảm xúc đó ra ngoài. Khi trẻ bình tĩnh lại, bạn hãy nói với trẻ là bạn yêu trẻ trước khi bạn giúp trẻ học hỏi từ những việc đã xảy ra.
Giúp trẻ đương đầu với những nỗi sợ hãi
Thế giới này có thể rất đáng sợ trong mắt trẻ bởi vì có nhiều thứ trẻ không hiểu được. Trẻ không hiểu rằng:
• Bạn sẽ trở lại sớm - trẻ không hiểu biết về thời gian
• Trẻ không thể bị ngã xuống theo lỗ thoát nước ở bồn tắm hay bị xả cùng với nước ở bồn cầu - trẻ không hiểu về kích cỡ và không gian.
• Trẻ không thể mất các bộ phận trên cơ thể mình nếu những bộ phận này bị thương - trẻ không hiểu cơ thể trẻ là bao gồm tất cả những bộ phận này.
• Những con quái vật trong giấc mơ của trẻ sẽ không thể đuổi kịp trẻ - trẻ không phân biệt được sự thật và giấc mơ.
Những giải pháp để trẻ thoát khỏi sợ hãi
• Khi trẻ sợ vết cắt và những vết bầm tím – hãy dán băng vết thương lên chỗ đau và vết thương cho trẻ kể cả khi không cần thiết. Đầu tiên, bạn hãy thử hôn lên vết thương của trẻ - đôi khi đó là tất cả những gì cần thiết.
• Sợ ngã xuống lỗ thoát nước ở bồn tắm - hãy để trẻ sử dụng bồn tắm cho trẻ nhỏ một thời gian, hoặc ít nhất là bạn không để trẻ nhìn thấy bạn mở lỗ thoát nước ra để trẻ khỏi sợ. Hãy để trẻ sử dụng bô vệ sinh thay vì bồn cầu hoặc để trẻ xả nước bồn cầu với sự giúp đỡ của bạn.
• Sợ những cơn ác mộng - Nếu trẻ gặp phải một cơn ác mộng, hãy nói với trẻ “đó chỉ là một giấc mơ thôi, giấc mơ đó sẽ biến mất và con sẽ an toàn”. Ôm ấp và an ủi trẻ cho đến khi trẻ ổn định lại.
• Sợ hãi những con quái vật- nói với trẻ quái vật không tồn tại. Bạn đừng bao giờ tìm kiếm quái vật ở trong phòng bởi vì trẻ có thể nghĩ bạn tin những con quái vật đang ở đó.
• Nỗi sợ chia cách - ở bên trẻ cho đến khi trẻ cảm thấy an toàn hơn. Hãy chắc chắn trẻ có “đồ chơi ưa thích” ở cùng với trẻ.
• Nỗi sợ bóng tối - ở bên trẻ một lúc để trấn an trẻ. Có thể sử dụng bóng đèn ngủ. Giữ thói quen khi đi ngủ, ví dụ: trao cho trẻ những nụ hôn chúc ngủ ngon hoặc kể cho trẻ nghe những câu chuyện.
Hãy để trẻ biết bạn hiểu những nỗi sợ hãi của trẻ và bạn không nghĩ là trẻ ngớ ngẩn hoặc trẻ con. Đừng ép buộc trẻ đối mặt với những nỗi sợ hãi - điều đó có thể làm cho mọt thứ tồi tệ hơn.
Trẻ thường thoát khỏi những nỗi sợ hãi với nhiều sự thông cảm và hỗ trợ. Nếu những nỗi sợ hãi thực sự đang quấy rầy cuộc sống của trẻ, hãy chia sẻ và hỏi ý kiến của chuyên gia chăm sóc trẻ em.
Hướng dẫn trẻ ăn và đi vệ sinh
Trẻ đang học hỏi về thực phẩm và thường muốn kiểm soát những gì trẻ ăn. Cha mẹ quyết định cung cấp những thực phẩm lành mạnh cho trẻ và trẻ quyết định sẽ ăn gì và ăn bao nhiêu.
Một số trẻ có thể biếng ăn. Thử trang trí những món ăn mới với những món ăn thân quen với trẻ, đừng bắt buộc trẻ. Trẻ sẽ thử những món ăn mới vào đúng thời điểm.
Khi hướng dẫn trẻ đi vệ sinh, bạn cần làm cho trẻ cảm thấy thoải mái nhất có thể. Bạn đừng vội vàng và hãy chắc chắn rằng trẻ sẵn sàng học hỏi. Nếu có áp lực, trẻ bị căng thẳng và gặp những sự cố khi đi vệ sinh, hoặc cố nín khi trẻ thực sự muốn đi. Hãy dành cho trẻ nhiều sự động viên, khuyến khích với từng bước tiến nhỏ mà trẻ có thể kiểm soát được. Trấn an trẻ nếu có sự cố xảy ra, ví dụ “Không sao đâu con, đôi khi có sự cố xảy ra”. Nếu gặp khó khăn, bạn hãy chờ đợi một tháng hoặc lâu hơn trước khi thử lại.
Đảm bảo an toàn cho trẻ
Trẻ thường bị thương trong những tai nạn mà có thể ngăn chặn được chẳng hạn như ngã, tai nạn giao thông, đuối nước, bỏng, ngộ độc hoặc vật nuôi tấn công. Dạy trẻ về những mối nguy hiểm là quan trọng nhưng chưa đủ để giữ an toàn cho trẻ. Trẻ quá nhỏ để thực sự hiểu, ngay cả khi trẻ có thể nói một thứ gì đó là nguy hiểm.
Cách tốt nhất để đảm bảo an toàn cho trẻ là luôn luôn giám sát trẻ. Hãy chắc chắn rằng nhà và sân của bạn luôn an toàn.