Những điều bố mẹ nên làm để chuẩn bị tâm thế cho con vào lớp 1
Lớp 1 là một cột mốc vô cùng quan trọng với trẻ, đánh dấu thời điểm trẻ bắt đầu gặp nhiều bỡ ngỡ, lạ lẫm khi phải học tập nghiêm túc, có sách vở, bàn ghế, phấn bảng... Do đó, rất cần chuẩn bị tâm thế cho trẻ làm quen, tạo sự thích thú khi bước vào lớp 1.
Thường xuyên trò chuyện, lồng ghép giới thiệu cho trẻ biết vài thông tin sơ lược và tốt đẹp về trường tiểu học con sắp được học
Giai đoạn chuyển tiếp từ mầm non sang học lớp 1 là bước ngoặt, sự chuyển đổi qua một giai đoạn mới đối với trẻ. Trẻ bắt buộc phải thay đổi rất nhiều để thích nghi với môi trường, bạn bè và thầy cô mới, phải đến lớp đúng giờ, học đọc, học viết, học toán…
Do đó, để trẻ có bước khởi đầu tốt nhất ở cấp tiểu học, bố mẹ cần tạo cho trẻ một tâm thế tốt cho trẻ hiểu và thích thú hơn về một môi trường học tập mới, giúp trẻ có sự hứng thú khi sắp được vào lớp 1.
Bố mẹ nên tăng thời gian trò chuyện, giới thiệu cho trẻ biết một vài thông tin sơ lược và tốt đẹp về trường tiểu học mà con sắp được học. Chia sẻ với trẻ về những điều thú vị sắp được học ở lớp 1 như các giờ học vẽ, học hát… tạo cho trẻ sự tò mò, khát khao được đến trường.
Nếu có thời gian, bố mẹ có thể cân nhắc việc đưa trẻ đến trường tiểu học để trẻ làm quen với khuôn viên, cảnh quan, phòng học…
Rèn luyện sự tự tin cho trẻ
Bước vào lớp 1 là trẻ phải làm quen với môi trường mới, phải tự lập và chịu trách nhiệm với việc học của mình. Do đó, bố mẹ nên chú ý rèn luyện thêm cho con sự tự tin để giúp con dễ dàng hòa nhập với môi trường mới và học tập tốt hơn.
Để giúp con tự tin và có tinh thần trách nhiệm, có thể tham khảo các giải pháp sau:
- Cho con quyền lựa chọn và ra quyết định ở những việc trong khả năng.
- Khuyến khích con tự làm mọi việc trong khả năng, kết hợp khen ngợi khi con làm tốt.
- Khuyến khích con phụ giúp một số việc nhà như quét nhà, lau bàn ghế, thu dọn đồ chơi, giúp dọn bữa tối…
- Tham khảo ý kiến của con về những vấn đề xung quanh, cho con có cơ hội chia sẻ quan điểm, cảm xúc của mình
Chuẩn bị, hướng dẫn con dùng các đồ dùng học tập đúng cách là việc không thể thiếu
Hãy mua sắm cho trẻ đầy đủ mọi tư trang và dụng cụ học tập, từ quần áo, giày, mũ, cặp, sách, vở, bảng con, bút chì, bút vẽ, thước kẻ… Có thể cho trẻ tự chọn những đồ dùng mình yêu thích.
Tiếp đó, bố mẹ nên dành thời gian để hướng dẫn con cách sử dụng các đồ dùng học tập cho đúng cách. Đặc biệt là việc hướng dẫn trẻ cách cầm bút đúng.
Cách cầm viết đúng: Khi viết, trẻ cần cầm bút và điều khiển bút viết bằng ba ngón tay (ngón trỏ, ngón cái, ngón giữa) của bàn tay phải. Đầu ngón tay trỏ đặt ở phía trên, đầu ngón tay cái giữ bên trái, phía bên phải của đầu bút tựa vào cạnh đốt đầu ngón tay giữa.
Động tác viết cần có sự phối hợp cử động của cổ tay, khuỷu tay và cả cánh tay.
Lưu ý cần nhẹ nhàng giải thích và hướng dẫn khi con cầm bút sai, không được trách mắng hay dọa đánh vào tay, phạt trẻ sẽ khiến các trẻ gặp áp lực, sợ hãi trong việc cầm bút.