Làm thế nào để giúp con tránh xa thiết bị điện tử?
- Ai đã mang thiết bị điện tử đến cho con?
Không bỗng dưng mà trẻ con sinh ra đời tự biết cách mở TV, cầm điện thoại, chơi game, lướt mạng… Vậy ai đã mang thiết bị điện tử đến cho con? Có phải chính cha mẹ hoặc người chăm sóc đã làm điều này hay không? Bởi vì cách dễ nhất để khiến một đứa trẻ “ngoan ngoãn”, chịu ăn cơm, không nghịch phá… đó là cho con xem thứ gì đó trên màn hình, hoặc cho con mượn điện thoại. Vì vậy mà ngày nay, người ta dùng thuật ngữ “bảo mẫu công nghệ” nhằm chỉ việc người lớn sử dụng điện thoại, video clip để trợ giúp chăm con. Chúng ta thường bắt gặp những tình huống như sau:
- Cha mẹ đi làm về vừa mệt, lại phải nấu cơm, dọn dẹp, tắm rửa… trong khi con cứ quấy khóc, đòi chơi cùng. Cha mẹ đành mở cho con xem cái gì đó để có thời gian làm việc nhà.
- Cha mẹ hẹn bạn cà phê cuối tuần, đến quán con chạy nhảy tung tăng, đòi chơi cái này cái kia. Cha mẹ đành đưa điện thoại cho con mượn thì con mới chịu ngồi yên để người lớn nói chuyện.
- Bữa ăn cơm, con cứ trèo lên trèo xuống, không thì ngồi “ăn nhây” khiến cho bữa cơm kéo dài, mất thời gian. Cha mẹ đành cho con xem clip trên điện thoại, bởi khi con chăm chú nhìn màn hình thì việc đút con ăn mới được mau lẹ.
- Nhiều gia đình, cha mẹ đi làm ở nhà có ông bà hoặc thuê người giúp việc thì mọi người thường vừa làm việc, vừa chăm trẻ, vừa xem TV… dần dần con cũng nghiện TV như người lớn.
Tác hại của thiết bị điện tử đối với trẻ con?
Mặc dù có một số mặt tích cực như giúp trẻ kết nối với bạn bè, là phương tiện học tập, nâng cao kiến thức nếu sử dụng đúng mục đích. Tuy nhiên những tác hại của thiết bị điện tử đối với trẻ con là không nhỏ, cụ thể như:
- Gây ra các căn bệnh nguy hiểm về mắt, giảm thị lực, thậm chí ung thư mắt.
- Sử dụng thiết bị điện tử sai tư thế sẽ gây ra các bệnh nguy hiểm về xương, khớp.
- Trẻ chậm phát triển các giác quan, vận động và tư duy, giảm khả năng tập trung và học tập.
- Kỹ năng giao tiếp xã hội khó phát triển, năng lực giải quyết vấn đề sẽ bị hạn chế.
- Trẻ bị rối loạn giấc ngủ, bởi bức xạ từ điện thoại là nguyên nhân gây ra mất ngủ, mệt mỏi và áp lực.
- Gây căng thẳng thần kinh não, tạo nên cảm giác hồi hộp, lo âu là nguyên nhân của bệnh trầm cảm.
Khi ý thức về những mối nguy hại ở trên, cha mẹ cần nhanh chóng áp dụng những biện pháp nhằm giúp con tránh xa các thiết bị điện tử “càng lâu càng tốt”. Dưới 06 tuổi thì không nên cho con tiếp xúc với máy tính và điện thoại, từ 06 tuổi trở đi thì được sử dụng máy tính với mục tiêu học tập nhưng có kiểm soát. Trường hợp chúng ta đã “lỡ” cho con tiếp xúc quá sớm thì nên hạn chế, hoặc “cai nghiện triệt để” nếu con ngồi máy quá thường xuyên.
Muốn con tránh xa thiết bị điện tử cần làm gì?
Phụ huynh cần phải “cai nghiện” trước.
Muốn cho con tránh xa các thiết bị điện tử thì chính phụ huynh là người cần phải “cai nghiện” trước. Trong sinh hoạt hàng ngày, cha mẹ nên ý thức giảm dần thời gian sử dụng điện thoại, nhất là khi tiếp xúc với con. Hãy đưa ra quy định cụ thể vào giờ dành cho sinh hoạt gia đình như: giờ ăn cơm, giờ đọc sách, giờ kể chuyện… tuyệt đối không để các thiết bị điện tử làm phiền. Rõ ràng chúng ta không thể nghiêm cấm trẻ con nếu cha mẹ luôn kè kè điện thoại bên mình, chăm chú nhìn vào nó. Hơn nữa, giao tiếp bằng ánh mắt là một kỹ năng quan trọng cần rèn luyện cho trẻ, nếu cha mẹ vừa nhìn điện thoại vừa trả lời các câu hỏi của con, vô tình dạy con đó là cách thức để giao tiếp với người khác bên ngoài xã hội.
Đưa thiết bị điện tử vào danh sách điều cấm.
Bắt đầu từ lúc lọt lòng, bạn có thể tập cho con tránh xa các thiết bị điện tử bằng cách đưa thiết bị điện tử vào danh sách điều cấm. Gia đình tôi áp dụng quy tắc 80/20, bao gồm 80% đồ vật được chơi hay những việc con được làm và 20% đồ vật không được sờ và việc không được làm. Chúng tôi quy định điện thoại và máy tính là “tài sản” của Bố Mẹ, con không được đụng vào nếu chưa hỏi ý kiến, điều này còn giúp con biết tôn trọng và không động chạm vào đồ vật của người khác. Danh sách điều cấm còn có thiết bị điện, dao kéo, thủy tinh, bếp nấu ăn… là những thứ tuyệt đối không được sờ vào, cầm chơi.
Giải thích cho con tác hại và lý do cần sử dụng.
Khi con còn chưa biết nói, tôi đã giải thích cho con tác hại và lý do cần sử dụng, vì sao mà điện thoại và thiết bị điện tử lại bị cấm. Tôi nói rằng ánh sáng xanh phát ra từ màn hình có thể làm hại đôi mắt của con và ở tuổi của con thì không cần đụng vào điện thoại, máy tính làm gì. Bố Mẹ sử dụng bởi vì người lớn cần làm việc, đến khi nào con lớn lên đi học đi làm thì Bố Mẹ sẽ dạy cho con. Tất nhiên người lớn cứ nói theo kiểu “mưa dầm thấm đất”, rồi dần dần con sẽ hiểu. Có lẽ nhờ áp dụng cách này mà con rất có ý thức, “không thèm” đụng đến đồ dùng của Bố Mẹ. Thậm chí nếu con nhìn thấy Bố Mẹ mải mê làm việc liền buông câu “Bố đừng quan tâm đến điện thoại nữa, không tốt gì cả”, khi ấy mình tự biết mà điều chỉnh. Ngoài ra, việc trò chuyện với con từ bé xíu như thế còn được xem là phương pháp giáo dục sớm, mà tôi đã trình bày trong bài “Giáo dục sớm là hành trang giúp con vào đời thêm vững vàng”.
Sử dụng điện thoại, máy tính đúng nơi, đúng chỗ.
Người lớn còn vướng bận công việc, rồi bạn bè và các mối quan hệ xã giao, nên chúng ta không thể nào tránh được việc sử dụng điện thoại và máy tính ở nhà. Sau khi tiết chế thời gian sử dụng, đưa thiết bị điện tử vào danh sách điều cấm, giải thích các tác hại của ánh sáng màn hình thì chúng ta cần sử dụng điện thoại, máy tính đúng nơi, đúng chỗ. Nếu như có phòng riêng để cha mẹ làm việc là tiện nhất, hoặc đặt máy tính ở một nơi cố định trong nhà, không nên mang vác lung tung, sắp xếp làm việc khi không có con ở bên cạnh. Khi nào cần làm việc hoặc nói chuyện điện thoại thì chúng ta hãy “xin phép” con trước, rồi mới ngồi vào bàn làm việc ngay ngắn. Chẳng hạn tôi hay xin con như sau: “Con tự ngồi chơi một chút cho bố giải quyết công việc này một chút rồi Bố chơi với con nhé!”. Khi làm như vậy, chúng ta đang dạy con rằng, nếu sau này con muốn sử dụng cũng cần ý kiến của Bố Mẹ trước.
Loại bỏ thiết bị điện tử, màn hình trong nhà.
Việc loại bỏ thiết bị điện tử, màn hình trong nhà là một trong những thành công lớn của gia đình chúng tôi. Không phải là loại bỏ hoàn toàn bởi vì công việc Marketing của tôi vẫn cần điện thoại, laptop để làm việc nhưng trong nhà không trang bị TV, máy tính bảng. Điều này có nghĩa rằng, người lớn cần phải loại bỏ một thú vui, một phương tiện giải trí quen thuộc như xem tin tức thời sự, xem phim truyền hình, gameshow, ca nhạc, hài kịch… nghĩ tới thôi là thấy “bất khả thi” rồi. Tuy nhiên, rất nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng trẻ em dưới 02 tuổi hoàn toàn không nên tiếp xúc với màn hình, trẻ từ 02 – 05 tuổi không được xem quá 02 giờ mỗi ngày. Câu hỏi ở đây là, nếu ở nhà có trẻ con và có TV thì người lớn xem TV bao nhiêu giờ mỗi ngày? Và khi người lớn xem TV thì lúc đó con xem cái gì, có cấm con không xem chung được hay không? Tôi tự thấy rằng không thể cấm được con nếu Bố Mẹ cũng xem nên thôi dẹp luôn TV từ trước khi con sinh ra. Mặc dù vậy, tôi có lắp máy chiếu để phục vụ cho việc tìm hiểu, học tập của con, và máy chiếu là một câu chuyện khác.
Xây dựng thói quen giúp con “xem” hữu ích.
- Dành nhiều thời gian vui chơi cùng con
- Khuyến khích con vận động, vui chơi ngoài trời