V.A là một đám tổ chức lympho nằm ở trần vòm họng (còn gọi là amiđan Luschka) và quanh loa vòi nhĩ (còn gọi là amiđan Gerlach), chúng cùng với amiđan khẩu cái (mà ta quen gọi là amiđan) và amiđan đáy lưỡi tạo thành một vòng bạch huyết quanh họng (vòng bạch huyết Wandayer).
V.A xuất hiện ở trẻ từ ngay sau khi sinh, hoạt động chức năng của nó bắt đầu từ lúc 5 - 6 tháng tuổi đến khoảng 4 tuổi thì suy giảm dần và kết thúc lúc trẻ 5 - 6 tuổi.
Chức năng của V.A chủ yếu là việc nhận biết và định dạng các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp, tiêu hoá, giúp cho hệ thống miễn dịch của cơ thể có đươc khuôn mẫu của kháng nguyên (tác nhân gây bệnh); làm cơ sở để sản xuất ra kháng thể chống lại các tác nhân này.
Tuy nhiên, chức năng này còn được thực hiện hiện song song bởi amiđan và tiếp nối bởi các mảng Payer ở ruột (sau khi V.A bắt đầu thoái triển).
Để đảm bảo việc thực hiện chức năng của mình, V.A được nằm ở ngay cửa ngõ của cơ thể. Nhưng cũng chính vì vị trí này mà bản thân V.A cũng thường xuyên bị tấn công bởi các tác nhân ngoại lai (vi khuẩn, virus) và nó thường xuyên bị viêm nhiễm, gây ảnh hưởng không ít đến hoạt động bình thường của các bé.
Triệu chứng của viêm V.A
Cách phòng bệnh
- Giữ vệ sinh mũi họng cho trẻ, nên thường xuyên nhỏ mũi cho trẻ bằng dung dịch nước muối sinh lý có tác dụng vệ sinh mũi họng tốt.
- Mùa đông cần cho trẻ mặc đủ ấm, đặc biệt cần giữ ấm cổ, giữ ấm bàn chân, không để trẻ đi chân trần.
- Cải thiện môi trường sống của trẻ, nhà ở thoáng đãng khô ráo về mùa hè, kín gió về mùa đông.
- Điều trị sớm và đúng cách mỗi khi trẻ bị viêm mũi họng cấp hay viêm V.A cấp.
|
Viêm V.A cấp: Thường xảy ra ở trẻ từ 6 - 7 tháng tuổi đến 4 tuổi nhưng cũng có khi gặp ở trẻ lớn hơn. Khởi bệnh khá đột ngột, trẻ bị sốt, 38 - 39oC, cũng có thể sốt cao hơn, kèm theo với sốt là chảy mũi, lúc đầu chảy mũi trong, loãng, những ngày sau thường chảy mũi nhầy, mũi mủ.
Trẻ cũng bị ngạt mũi, dấu hiệu này được thấy rõ hơn khi trẻ ngủ, vì ngạt mũi trẻ thường phải há miệng để thở khi ngủ và thường xuất hiện tiếng ngáy. Ở những trẻ còn đang trong giai đoạn bú mẹ, trẻ phải nhả vú mẹ ra để thở và tất nhiên là trẻ sẽ khóc.
Ho cũng là một triệu chứng luôn xẩy ra, ho thường xuất hiện muộn hơn, vào ngày thứ 2 hoặc thứ 3, ho có thể ít hoặc nhiều, ho khan hoặc có đờm tuỳ theo mức độ của bệnh, nếu có biến chứng viêm phế quản, ho sẽ trở nên trầm trọng hơn nhiều.
Ngoài ra có thể thấy trẻ mệt mỏi, biếng ăn, quấy khóc, hơi thở có mùi hôi khó chịu.
Những triệu chứng kể trên là triệu chứng của bệnh viêm V.A thông thường, nghĩa là viêm V.A không có biến chứng.
Viêm V.A mãn tính: Hai dấu hiệu chủ yếu là chảy mũi và ngạt mũi mãn tính, chảy mũi trong hoặc mũi nhày, cũng có thể là chảy mũi mủ (bội nhiễm) chảy mũi kéo dài. Rất ít khi trẻ không có mũi.
Ngạt mũi có nhiều mức độ, ít thì chỉ ngạt về đêm, nhiều thì ngạt suốt ngày, thậm chí tắc mũi hoàn toàn. Trẻ phải thở bằng miệng, trẻ thường ngáy to khi ngủ với những cơn ngừng thở khi ngủ (hội chứng sleep apnee) hết sức nguy hiểm.
Nếu viêm V.A mãn tính kéo dài, không được điều trị, trẻ bị thiếu oxy mãn tính có thể gây nên những biến đổi đặc trưng trên khuôn mặt của trẻ (bộ mặt V.A).
Các biến chứng của viêm V.A
Viêm phế quản là biến chứng thường gặp nhất của viêm V.A. Sau vài ngày sốt, chảy mũi và ho, trẻ sốt cao hơn, ho nhiều dữ dội, thở khò khè và nhanh, nếu nặng có thể có dấu hiệu khó thở, tím tái. Gặp trường hợp này, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để khám và chữa trị.
Viêm tai giữa cũng là một biến chứng thường gặp của V.A, thường có hai loại: Viêm tai giữa cấp mủ là biến chứng của viêm V.A cấp. Viêm tai giữa thanh dịch hoặc mủ nhầy là biến chứng của viêm V.A mãn tính, loại viêm tai này ít nguy hiểm hơn loại viêm tai giữa mủ.
Bệnh cảnh thường thấy của biến chứng viêm tai là: Trẻ đang bị một đợt viêm V.A cấp với các dấu hiệu sốt, chảy mũi, ho... bỗng xuất hiện đau tai, mức độ đau có thể vừa phải nhưng cũng có thể dữ dội, sốt tăng lên.
Trẻ quấy khóc, có thể kèm theo rối loạn tiêu hoá, đôi khi có cả nôn, nếu không được điều trị kịp thời, ngay ngày hôm sau sẽ thấy mủ chảy ra ở ống tai và lập tức trẻ hết đau tai, sốt cũng giảm, vì đó là màng nhĩ đã bị thủng và mủ từ tai giữa thoát qua lỗ thủng ra ống tai, không còn hiện tượng ứ mủ nữa nên hết đau và giảm sốt.
Ngoài hai biến chứng thường gặp này, viêm VA còn có một số biến chứng khác như viêm thanh quản hạ thanh môn, áp xe thành sau họng..., trong đó loại sau tuy ngày nay hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm, có thể gây tử vong.
Có nên nạo V.A cho trẻ?
Đây là câu hỏi được đặt ra thường xuyên đối với các thầy thuốc chuyên khoa tai - mũi - họng khi khám cho một trẻ bị viêm VA, cũng là câu hỏi thường trực trong đầu cha mẹ của bệnh nhi.
Các bậc cha mẹ thường nghe ai đó nói rằng, V.A cũng có chức năng và không nên nạo đi, ngay cả khi nó bị viêm nặng, rằng nạo V.A sẽ làm suy yếu hệ miễn dịch của trẻ...
Đây thực sự là những quan niệm hết sức sai lầm và thật là đáng tiếc. Trên thực tế, như đã nói ở trên, V.A chỉ có một chức năng giới hạn trong vòng bạch huyết Waldayer và không phải là cơ quan duy nhất thực hiện chức năng sản sinh hệ miễn dịch.
Mặt khác, khi V.A đã bị bệnh, viêm đi viêm lại nhiều lần thì nó cũng không còn khả năng để thực thi chức năng của mình nữa. Trái lại, một V.A bị quá phát sẽ làm bít tắc lỗ mũi sau, cản trở sự thở bằng mũi của trẻ, làm ứ đọng dịch và mủ ở mũi.
Những hiện tượng này gây ra rất nhiều hậu quả tai hại cho tre. Trẻ thường xuyên bị thiếu oxy não, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và trí tuệ và là tiền đề để gây ra các biến chứng đã kể trên.
Chưa hết, bản thân một V.A bị viêm nhiễm nhiều còn là nơi trú ngụ lý tưởng của vi khuẩn gây bệnh (foyer d’infection), để rồi từ đó gây ra các viêm nhiễm ở các khu vực lân cận như mũi, xoang, họng, tai giữa, phế quản...
Tất nhiên nói như thế không có nghĩa là mọi trường hợp viêm VA đều phải nạo V.A. Như đã nói ở trên, quá trình viêm V.A ở trẻ là một hiện tượng gần như tất yếu, vậy nếu như một năm trẻ bị viêm V.A cấp 3 hay 4 lần, với các triệu chứng thông thường như đã kể, diễn biến không quá một tuần và không có biến chứng thì không có lý do gì để nạo V.A cho trẻ cả. Cụ thể hơn, các chỉ định của nạo V.A bao gồm:
- Viêm V.A tái đi tái lại nhiều lần trong năm : nhiều hơn 5 lần/ 1năm.
- V.A bị quá phát gây bít tắc cửa mũi sau (phát hiện qua nội soi).
- Viêm V.A đã gây biến chứng như đã phân tích ở trên.
Nạo V.A là một thủ thuật khá đơn giản, có thể được thực hiện dưới gây mê hoăc gây tê tại chỗ. Thủ thuật chỉ diễn ra trong vòng vài phút và bệnh nhi có thể về nhà, sau đó chừng nửa giờ đồng hồ, trẻ sau khi được nạo V.A có thể ăn uống bình thường, không cần kiêng nói.
Tuy nhiên, khi thực hiện việc nạo V.A phải có sự chuẩn đoán, xét nghiệm và được thực hiện đúng quy trình bởi các nhà chuyên môn.
Điều trị viêm V.A
Viêm V.A không biến chứng sẽ được điều trị bằng:
- Thuốc hạ sốt: Chỉ thực sự cần thiết khi trẻ sốt trên 38,5 độ, thuốc thường dùng nhất là các chế phẩm chứa paracetamol.
- Các thuốc làm loãng đờm giảm ho như mucomyst, rhinathiol, xi-rô Ma Hạnh...;
- Các thuốc nhỏ mũi, thường dùng hai loại: Nước muối sinh lý hoặc muối biển, có tác dụng làm sạch mũi và argyrols 1% hoặc 2% có tác dụng sát khuẩn, làm khô.
- Ngoài ra, việc làm sạch mũi thường xuyên là rất quan trọng, ở trẻ lớn có thể làm sạch bằng cách thức đơn giản mà rất hiệu quả đó là xì mũi. Nhớ dạy trẻ xì từng bên mũi một. Ở trẻ nhỏ, chưa biết xì mũi, có thể phải dùng một quả bóng hút mũi mà hút cho trẻ, dụng cụ này hiện nay có bán sẵn trên thị trường.
- Việc dùng kháng sinh trong đa số các trường hợp là không cần thiết, loại thuốc này chỉ được chỉ định trong những trường hợp nặng, có biến chứng hoặc đe doạ biến chứng và phải do thầy thuốc chỉ định, cha mẹ không nên tự mua kháng sinh cho con dùng.
- Đối với các trường hợp đã có biến chứng như viêm phế quản, viêm tai giữa... nhất thiết phải đưa trẻ đến các thầy thuốc chuyên khoa có kinh nghiệm. |