Chứng trào ngược dạ dày thực quản (GER) là gì?
Trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng xảy ra khi thức ăn trong dạ dày trào ngược lên thực quản - đoạn ống cơ mang thức ăn và nước uống từ miệng đến dạ dày.
Chứng trào ngược dạ dày thực quản hay còn gọi là chứng trào ngược axit (acid reflux hoặc acid regurgitation) do trong dịch tiêu hóa dạ dày có chứa axit. Trẻ sơ sinh mắc chứng trào ngược dạ dày nôn trớ ra dung dịch thường là từ nước bọt và axit trong dạ dày. GER là một chứng thường thấy ở trẻ sơ sinh dưới 2 tuổi. Trong 3 tháng đầu đời thì có khoảng một nửa em bé sơ sinh bị nôn trớ hoặc trào ngược, tình trạng này xảy ra nhiều lần trong một ngày. Đa số trẻ sơ sinh khỏe mạnh chỉ gặp phải một số triệu chứng nhất định hoặc không bị bất cứ triệu chứng nào và các em sẽ hết nôn trớ vào giữa khoảng thời gian 12 tháng tuổi và 14 tháng tuổi.
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là gì?
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là chứng trào ngược dạ dày thực quản nhưng nghiêm trọng hơn, kéo dài lâu hơn và mãn tính. Theo một số nghiên cứu thì nhân viên chăm sóc sức khỏe có thể thường coi nhẹ bệnh GERD hoặc nhầm lẫn giữa bệnh GERD và chứng GER. Nếu một em bé sơ sinh mắc chứng trào ngược dạ dày và rồi chuyển sang bệnh trào ngược dạ dày thì bé sẽ biểu hiện thêm các triệu chứng khác chẳng hạn như nôn mửa và ăn kém, tình trạng này có thể gây ảnh hưởng bất lợi đến sức khỏe tổng thể cũng như tính khí của bé. Những em bé sơ sinh biểu hiện các triệu chứng nghiêm trọng hoặc bị chứng trào ngược dạ dày kéo dài trong khoảng thời gian trên 12 đến 14 tháng thì trên thực tế bé có thể đã bị bệnh trào ngược dạ dày và cha mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ khoa nhi-vị bác sĩ này được đào tạo chuyên biệt để điều trị các chứng bệnh ở trẻ em.
Những nguyên nhân nào gây nên chứng trào ngược dạ dày thực quản và bệnh trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ sơ sinh?
Khi cơ thắt thực quản dưới- các cơ này hoạt động như một chiếc van giữa thực quản và dạ dày- chưa phát triển hoàn toàn ở các bé sơ sinh thì chứng trào ngược dạ dày có thể xảy ra. Trong khi cơ vòng vẫn đang phát triển, nên nó có thể đẩy lượng thức ăn chứa trong dạ dày quay trở lại dẫn đến trào ngược. Một khi các cơ vòng phát triển đầy đủ hơn thì tình trạng trào ngược sẽ chấm dứt.
Mặt khác, bệnh trào ngược dạ dày thực quản phần lớn thường xảy ra do cơ vòng trở nên yếu đi hoặc bị giãn ra khi không cần thiết, gây ra tình trạng thức ăn trong dạ dày tràn vào thực quản.
Ảnh minh họa: Khi cơ thắt thực quản dưới- các cơ này hoạt động như một chiếc van giữa thực quản và dạ dày- chưa phát triển hoàn toàn ở các bé sơ sinh, tình trạng trào ngược dạ dày có thể xảy ra.
Các triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ sơ sinh là gì?
Các bé sơ sinh mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản bị nôn trớ và tái diễn đều đặn một số hoặc tất cả các triệu chứng sau:
- Cáu kỉnh, đặc biệt là sau khi ăn
- Khom lưng- thường trong hoặc ngay lập tức sau khi ăn
- Tăng cân chậm hoặc giảm cân
- Phát triển chậm và kém hấp thu
Các loại rối loạn khác có thể gây ra những triệu chứng này do đó nhân viên chăm sóc sức khỏe cần phải xác nhận chẩn đoán trẻ có bị mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản hay không.
Những người chăm sóc nên gọi cho bác sĩ khoa nhi ngay lập tức nếu bé:
- Nôn ra lượng lớn, đặc biệt là kéo dài dai dẳng tình trạng nôn mửa thành vòi, mạnh ở các bé dưới 2 tháng tuổi
- Nôn ra dịch có màu xanh hoặc màu vàng, trông như bã cà phê, hoặc có chứa máu
- Khó thở sau khi nôn hoặc nôn trớ
- Thường xuyên từ chối ăn, dẫn đến tăng cân chậm hoặc giảm cân
- Khóc quá chừng và rất cáu kỉnh
- Biểu hiện những dấu hiệu bị mất nước, chẳng hạn như tã khô hoặc không chảy nước mắt khi khóc
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ sơ sinh được chẩn đoán như thế nào?
Nếu một em bé sơ sinh chào đời khỏe mạnh, phát triển tốt và có vẻ như bị trào ngược dạ dày thì bé thường không cần thiết phải xét nghiệm cũng như điều trị. Ngay cả khi bác sĩ khoa nhi nghi ngờ em bé mắc bệnh trào ngược dạ dày thì thông thường chỉ cần thay đổi đơn giản trong cách cho ăn cũng có thể làm thuyên giảm các triệu chứng.
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu tiến hành các xét nghiệm để giúp xác định liệu các triệu chứng biểu hiện ở bé có liên quan đến bệnh trào ngược dạ dày hay không hay là do một vấn đề sức khỏe khác và cần dùng đến thuốc men để điều trị. Bác sĩ có thể gợi ý cho em bé bị nghi ngờ mắc bệnh trào ngược dạ dày đến gặp bác sĩ nhi chuyên khoa dạ dày-ruột để chẩn đoán và điều trị, vị bác sĩ này được đào tạo chuyên biệt điều trị các bệnh liên quan đến tiêu hóa ở trẻ em.
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ sơ sinh được điều trị như thế nào?
Biện pháp điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản phụ thuộc vào các triệu chứng mà đứa trẻ sơ sinh biểu hiện cũng như độ tuổi của bé và có thể bao gồm một hoặc những biện pháp sau: thay đổi cách cho ăn, dùng thuốc men hoặc phẫu thuật.
Thay đổi cách cho ăn
Bước đầu điều trị, bác sĩ có thể gợi ý một số sự thay đổi trong cách cho bé ăn. Những người chăm sóc bé có thể
- Thêm một muỗng canh bột ngũ cốc gạo cho mỗi 2 ao-xơ (khoảng 57 g) sữa bột vào bình; nếu dung dịch pha quá đặc thì có thể thay đổi kích thước núm vú hoặc cắt một hình chữ “x” nhỏ ở trên núm vú
- Thêm bột ngũ cốc gạo vào sữa vắt từ bầu ngực mẹ để cho bé bú
- Vỗ cho em bé hết trớ sau khi uống 1 đến 2 ao-xơ (28-57g) sữa bột, hoặc vỗ cho trẻ sơ sinh hết trớ sau khi bú sữa mẹ ở mỗi bên vú
- Dựa theo hướng dẫn của bác sĩ nhi về hàm lượng sữa bột hoặc sữa mẹ cần thiết cho trẻ để tránh cho bé bú quá mức
- Bế thẳng người bé trong vòng 30 phút sau khi cho ăn
- Nếu bác sĩ nhi nghi ngờ bé nhạy cảm với protein sữa thì hãy cho bé thử dùng sữa công thức protein thủy phân trong vòng 2 đến 4 tuần- loại protein chứa trong loại sữa này có thể ngăn ngừa trẻ bị trớ cũng như để bé “dễ tiêu hóa”.
Thuốc men
Nếu sau khi thay đổi cách cho ăn trẻ sơ sinh vẫn tái diễn những triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản, bị khó ngủ hoặc gặp vấn đề trong ăn uống hay không phát triển đúng mức, thì bác sĩ có thể đề xuất cho bé dùng thuốc để làm giảm lượng axit có trong dạ dày. Bác sĩ thường kê đơn thuốc trên cơ sở thử nghiệm và sẽ chịu trách nhiệm giải thích bất cứ các biến chứng tiềm ẩn nào có thể xảy ra liên quan đến thuốc. Những người chăm sóc bé không nên cho bé uống bất cứ loại thuốc nào trừ khi được bác sĩ khuyên nên làm như vậy.
Ăn uống, chế độ ăn và dinh dưỡng
Nếu một em bé sơ sinh không phát triển đúng mức hoặc kém hấp thu do thay đổi ăn uống thì bác sĩ nhi có thể gợi ý nên dùng loại sữa bột có hàm lượng calo cao hơn hoặc cho bé ăn qua đường ống.