Phần 2: Tạo môi trường học hỏi tích cực
Trẻ cần sự chú ý của cha mẹ. Nhưng không có nghĩa bạn phải vui chơi cùng với trẻ mọi lúc mọi nơi. Quan trọng hơn là bạn ở bên cạnh trẻ khi trẻ cần hoặc trò chuyện cùng chúng dù chỉ một thời gian ít ỏi.
Tạo ra môi trường học hỏi tích cực cũng giúp bạn cảm thấy tích cực về những việc con bạn đang làm. Hãy để ý đến trẻ khi chúng đang làm điều gì đó mà bạn mong đợi. Động viên, tỏ ra hứng thú với những gì trẻ đang làm. Làm như vậy sẽ khích lệ hành vi mà bạn mong đợi ở trẻ! Một cái xoa đầu nhẹ hoặc nói “cảm ơn con đã chơi ngoan trong khi mẹ đang nghe điện thoại nhé” là cách tuyệt vời để khích lệ hành vi này trong tương lai.
Những lời khuyên khác để tạo môi trường học hỏi tích cực bao gồm:
- Nói tế nhị. Cho thấy bạn tôn trọng trẻ và dạy trẻ cách ăn nói lịch sự với những người khác.
- Áp dụng phương pháp “giảng dạy ngẫu nhiên”. Có nghĩa là bạn dạy trẻ khi bạn có thể. Ví dụ, không chỉ đơn thuần đưa ra câu trả lời khi trẻ hỏi. Hãy thúc đẩy trẻ phân tích sâu hơn hoặc cho trẻ một gợi ý để tự chúng tìm ra câu trả lời. Trẻ sẽ học được nhiều hơn từ cách này.
- Chia sẻ kinh nghiệm của bạn. Trẻ cũng cần luyện tập kỹ năng lắng nghe. Kể cho trẻ nghe ngày của bạn trôi qua như thế nào hoặc một việc gì đó bạn cảm thấy thú vị.
- Hãy trìu mến. Cho trẻ thấy bạn yêu thương chúng. Những nụ hôn, vuốt ve, ôm ấp tạo cảm giác an toàn cho trẻ.
"Tạo một môi trường học hỏi tích cực” là một trong năm bước để nuôi dạy trẻ tích cực. Học hỏi từ những người khác để nuôi dạy trẻ dễ dàng hơn. Sau đây là một số chủ đề mới bạn nên suy nghĩ để có cách tạo môi trường học hỏi tích cực cho trẻ:
- Giúp trẻ nhỏ tự giải quyết vấn đề
- Tại sao chúng ta nên trò chuyện với trẻ
Giúp trẻ nhỏ tự giải quyết những vấn đề
Giải quyết vấn đề là một kỹ năng giúp bạn vượt qua nhiều tình huống phức tạp trong cuộc sống. Vậy làm thế nào bạn có thể dạy trẻ kỹ năng giải quyết vấn đề hiệu quả?
Trẻ cần phải luyện tập kỹ năng giải quyết vấn đề của mình. Điểm bắt đầu có thể từ những trò chơi mỗi ngày. Khi vui chơi, trẻ có vô vàn cơ hội để thực hành kỹ năng giải quyết vấn đề, cho dù trẻ đang chơi sắm vai, xây những tòa nhà hoặc tô màu. Đây là thời điểm hoàn hảo để bạn thấy được những hiểu biết và khả năng của trẻ.
Việc làm này cũng cho bạn cơ hội để thúc đẩy trẻ tự giải quyết vấn đề và khích lệ những nỗ lực của chúng.
Ví dụ, trẻ có thể đang chơi trò chơi câu đố. Trẻ nhờ bạn giúp đỡ để tìm ra ô chữ bị khuyết. Thay vì chỉ giải giúp trẻ ô chữ bị thiếu này, bạn có thể thúc đẩy trẻ tự tìm ra câu trả lời. Bạn có thể gợi ý cho chúng, và hướng dẫn để tự chúng tìm ra câu trả lời.
Cách này không những dạy trẻ về những bước để giải quyết vấn đề, mà còn truyền cho trẻ thông điệp rằng mọi vấn đề đều có giải pháp. Và trẻ sẽ hiểu mình có khả năng để đưa ra những giải pháp này.
Lớn lên trong một môi trường tích cực sẽ giúp trẻ nhỏ đủ tự tin để giải quyết vấn đề trong tương lai.
Tại sao chúng ta nên trò chuyện với trẻ
Thời điểm chúng ta trò chuyện với trẻ cũng là lúc chúng ta đang dạy trẻ cách trò chuyện, lắng nghe và tương tác với những người khác. Vì vậy, trẻ có thể nói cho bạn biết một số việc mà trẻ đã hoàn thành, đặt câu hỏi và trò chuyện về ngày của trẻ diễn ra như thế nào- những cuộc trò chuyện ngắn gọn này cho trẻ cơ hội quý giá để học hỏi.
Đối với trẻ sơ sinh, bạn có thể dùng bất cứ âm thanh nào để giao tiếp với trẻ. Trò chuyện, hát hò và thì thầm với trẻ nhiều nhất có thể. Gọi tên những sự vật xung quanh trẻ khi bạn trò chuyện. Đây là cách trẻ học hỏi tên gọi của những sự vật xung quanh trẻ.
Khi trẻ lớn lên, trẻ nhỏ sẽ bắt đầu gọi tên những sự vật. Trẻ có thể chỉ điểm và nói “xe tải”. Bạn có thể đáp lại “đúng rồi. Đó là một chiếc xe tải màu đỏ”. Theo cách này, bạn cho trẻ biết trẻ đã đúng, cung cấp cho trẻ từ vựng mới và đặt những từ mới này vào trong một câu đơn giản cho trẻ dễ hiểu.
Trẻ tập đi và trẻ mẫu giáo đặt rất nhiều câu hỏi. Trẻ bắt đầu khám phá thế giới và sẽ hỏi bạn về những điều trẻ không hiểu hoặc những điều làm trẻ lo lắng.
Khi trẻ đến bên bạn và hỏi, hãy ngưng những gì bạn đang làm một lúc, tập trung và lắng nghe trẻ nói. Bạn cũng có thể hỏi những câu hỏi về suy nghĩ của trẻ.
Trò chuyện cùng với trẻ cũng thiết lập mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Trẻ có thể cảm thấy thoải mái và an toàn hơn khi trò chuyện cùng bạn. Và điều này đặc biệt quan trọng khi trẻ trưởng thành.