Trẻ em hôm nay là thế giới ngày mai. Trẻ em là niềm hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của mỗi dân tộc. Việc bảo vệ và chăm sóc, giáo dục trẻ em là trách nhiệm của nhà nước, của xã hội và của mỗi gia đình. Đối với việc giáo dục và phát triển nhân cách cho trẻ ngay từ lứa tuổi mầm non, hoạt động tạo hình đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển trẻ nhỏ về mọi mặt như: thẩm mỹ, đạo đức, trí tuệ, thể lực và lao động. Hoạt động tạo hình là một hoạt động học tập mang tính nghệ thuật, giúp trẻ nhận thức thế giới xung quanh và phản ánh thế giới thông qua các hình tượng nghệ thuật, trong các hình thức hoạt động mang tính nghệ thuật. ở trường mầm non có rất nhiều các họat động, nhiều môn học phát triển toàn diện cho trẻ mẫu giáo, là cơ sở ban đầu của nhân cách con người mới. Trẻ biết sáng tạo, lao động trong tương lai. Chính vì vậy việc thực hiện tốt các hoạt động tạo hình trong trường mầm non sẽ góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng giáo dục nhằm phát triển toàn diện cho trẻ.
Thiên nhiên có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với sự phát triển trẻ em lứa tuổi mầm non, chính vì vậy các cô giáo đã biết tận dụng sức mạnh của thiên nhiên để giáo dục tâm hồn trong sáng cho trẻ qua việc tổ chức cho các con đi dạo chơi xung quanh sân trường, tìm cho trẻ khung cảnh thiên nhiên với ánh mặt trời rực rỡ, những khóm cây khoác trên mình mảnh lá xanh non đang đưa mềm mại trong gió, giọt sương long lanh trên lá, những bông hoa muôn màu... Các cô giáo khuyến khích trẻ quan sát, nhận xét các sự vật hiện tượng thiên nhiên và cho trẻ ghi lại những ấn tượng đó qua các nét vẽ ngây thơ, trong sáng của mình.
Các cô giáo đã hướng dẫn trẻ từ chỗ ngắm nhìn những bức tranh để trẻ hứng thú vẽ tranh. Bằng sự hào hứng, đồng tình các cô giáo đã khuyến khích trẻ vẽ, sáng tạo, cảm thụ màu sắc… Những đồ chơi, đồ vật đám mây, mặt trời, cỏ cây, hoa lá, ngôi nhà thần yêu, hình ảnh cha mẹ, cô giáo, thăm quan dã ngoại.... đều là đề tài yêu thích trong các bức vẽ của trẻ. Sự sáng tạo của trẻ trong tranh vẽ sẽ trở thành phương tiện để trẻ nhận thức cái đẹp và thể hiện sự phong phú của tâm hồn trẻ. Đây là thời điểm trí tưởng tượng của trẻ phát triển phong phú nhất.
Để trẻ có được những ý nghĩ trong sáng, những cảm xúc vui tươi, sự sáng tạo đó các cô giáo đã nỗ lực trong việc tìm tòi các phương pháp, cách thức tiếp cận trẻ, bên cạnh đó các cô giáo cũng rất quan tâm đến việc bổ sung các nguyên vật liệu đặc biệt là các nguyên vật liệu sẵn có và tái sử dụng. Từ đó, trẻ sáng tạo ra những tác phẩm thân thiện với thiên nhiên và môi trường.
Các cô giáo không chỉ dạy trẻ cách sao chép đơn thuần mà nên tạo điều kiện, cơ hội cho trẻ được tự do phát triển khả năng của mình, vẽ theo ý tưởng, tư duy ở nhiều góc độ. Ví dụ: Khi cho trẻ vẽ động vật sống dưới nước, cô giáo có thể cho trẻ xem tranh ảnh, xem clip , chuẩn bị 1 bể nước nhỏ có cá, cua, tôm., đang bơi lội tung tăng; sau đó cô giáo gợi ý cho trẻ và cuối cùng để cho trẻ tự lựa chọn cách của riêng mình và sáng tạo bức tranh theo ý tưởng của trẻ.
Những sản phẩm trẻ tạo ra rất đơn giản, ngộ nghĩnh sinh động. Trẻ biết đánh giá khái quát cao, trẻ phản ánh ấn tượng của bản thân không phụ thuộc vào thực tế. Trẻ rất thích sử dụng mầu sặc sỡ mang tính chất phản ánh biểu tượng. Mỗi sản phẩm của trẻ mang một nội dung, một tên gọi khác nhau. Trẻ tham gia vào hoạt đông tạo hình đã giúp trẻ hình thành các đức tính tốt như: yêu cái đẹp và mong muốn tạo ra cái đẹp. Trong thực tế việc tổ chức các hoạt động tạo hình theo phương pháp hiện hành cũng đã mang lại hiệu quả tới việc phát triển nhân cách.
Sau đây là một số hình ảnh trong giờ tạo hình