Phát triển nhận thức, đặc biệt là hình thành thái độ nhận thức và kĩ năng nhận thức cho trẻ là một nhiệm vụ của giáo dục mầm non nhằm hình thành nền tảng cho việc học tập của trẻ trong tương lai.
Sự phát triển của trẻ về trí tuệ và sự gia tăng về khối lượng tri thức, sự phong phú đa dạng của các nhu cầu, hứng thú nhận thức hiện nay đã đặt ra những yêu cầu mới cho người giáo viên trong việc giáo dục trẻ.
Tổ chức hoạt động làm quen với Toán trong trường mầm non nhằm phát triển nhận thức của trẻ đã trở thành một nội dung quan trọng không thể thiếu trong chương trình giáo dục mầm non.
Thông qua tổ chức hoạt động làm quen với Toán giáo viên sẽ tạo cơ hội cho trẻ được tìm tòi, khám phá, trải nghiệm các kiến thức liên quan đến toán như hình, khối, số lượng, không gian, thời gian.... Tổ chức hoạt động làm quen với toán phù hợp sẽ giúp trẻ có nền tảng tốt để tiếp cận với những tri thức tiền khoa học, tích cực hoạt động nhận thức.
Tuy nhiên lòng yêu thích, sự hứng thú của học sinh khi tham gia các hoạt động làm quen với Toán lại phụ thuộc nhiều vào cách tổ chức của giáo viên. Vấn đề đặt ra cho giáo viên là làm thế nào để trẻ hứng thú tham gia hoạt động, hiểu sâu và nhớ lâu các kiến thức về Toán sơ đẳng mà giáo viên mong muốn trẻ đạt được.
Vì vậy để đáp ứng điều đó, người giáo viên cần phải luôn luôn rèn luyện đạo đức, học tập văn hoá, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao kỹ năng sư phạm.
Ban giám hiệu nhà trường luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để cho giáo viên học hỏi tiếp thu và lĩnh hội các kiến thức của các chị em đồng nghiệp của trường mình cũng như của trường bạn. Ngay từ đầu năm học 2016-2017, Ban giám hiệu nhà trường đã xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên trong đó có chuyên đề " Nâng cao chất lượng cho trẻ làm quen với toán".
Kiến thức đi đôi với thực hành. Ngoài việc bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên về kiến thức thì Ban giám hiệu nhà trường đã xây dựng và tổ chức 03 hoạt động kiến tập làm quen với toán về số lượng với đối tượng là trẻ mẫu giáo lớn cho toàn bộ giáo viên trong trường học hỏi và trao đổi kinh nghiệm với nhau.
Tiết toán số 6 tiết 1 do cô giáo Nguyễn Thị Thu Thủy – Lớp MG Lớn A2 thực hiện bằng những kinh nghiệm của mình cô đã kết hợp lồng ghép một cách khéo léo kỹ năng sử dụng đũa vào trong tiết dạy. Thông qua tiết dạy trẻ không những tiếp thu được các kiến thức của số 6 tiết 1 mà trẻ còn có thêm được 1 kỹ năng mới đó là cách sử dụng đũa. Với việc lồng ghép như vậy trẻ rất hứng thú say sưa và ghi nhớ lâu hơn.
Ảnh: Kiến tập hoạt động làm quen với toán số 6 tiết 1- lớp MG Lớn A2
Số 6 tiết 2 do cô giáo Lê Thị Kim Huệ - Lớp MG Lớn A2 tổ chức. Bằng sự nhiệt tình yêu nghề mến trẻ cô đã mang đến một tiết học vô cùng hấp dẫn và trẻ hứng thú tích cực tham gia vào hoạt động.
Ảnh: Kiến tập hoạt động làm quen với toán số 6 tiết 2- lớp MG Lớn A2
Số 6 tiết 3 do cô giáo Bùi Thị Thùy Dương dạy trẻ MG Lớn A3 tiết học đã mang lại một kết quả rất cao, trẻ ngoan ngoãn hứng thú tham gia vào hoạt động.
Ảnh: Kiến tập hoạt động làm quen với toán số 6 tiết 3- lớp MG Lớn A3
Không chỉ quan tâm đến việc cung cấp kiến thức về Toán, giáo viên tổ chức hoạt động còn quan tâm đến việc tích hợp nội dung giáo dục trẻ kỹ năng thực hành cuộc sống; tiết học ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả, phù hợp và có tác dụng cao.
Thông qua các buổi kiến tập như vậy tất cả các giáo viên có thể học hỏi được kinh nghiệm cũng như nắm vững hơn phương pháp toán đặc biệt là toán số đếm. Trẻ hứng thú tham gia hoạt động, hiểu sâu và nhớ lâu những kiến thức mà cô giáo cung cấp.