Ngay tại trong nước, ở một số nơi, người dân có biểu hiện chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch, không thực hiện theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế. Để thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, không để dịch bệnh lây lan trên địa bàn, mới đây Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã quyết liệt chỉ đạo và tổ chức kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng dịch. Trong những ngày tới đây có kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 kéo dài 4 ngày khiến cho lưu lượng người đi lại, du lịch nhiều hơn, tình trạng tập trung đông người sẽ gia tăng. Thành phố Hà Nội yêu cầu người dân quay trở về Hà Nội sau dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 sẽ phải khai báo y tế. Các hình thức khai báo y tế như sau:
I. KHAI BÁO Y TẾ BẰNG HÌNH THỨC ĐIỆN TỬ
1. Sử dụng ứng dụng khai báo sức khỏe toàn dân NCOVI: Ứng dụng do Bộ Y tế và Bộ Thông tin - truyền thông xây dựng và quản lý: Ứng dụng này được tạo ra để người dân có thể chủ động khai báo sức khỏe, cung cấp thông tin liên quan đến dịch bệnh COVID-19 với cơ quan y tế.
2. Khai báo y tế trên trang http://tokhaiyte.vn/
3. Khai báo y tế trên trang https://antoancovid.vn/ nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
- Nghi ngờ bản thân (hoặc người thân trong gia đình) đã mắc Covid-19;
- Biết người đã tiếp xúc gần với F0, F1, F2;
- Biết người vượt biên trái phép hoặc người đi từ vùng tâm dịch về nhưng không cách ly;
- Biết một sự kiện đông người có nguy cơ lây nhiễm;
- Muốn thông báo một nguy cơ lây nhiễm Covid-19 khác các lựa chọn trên.
4. Khai báo trên ứng dụng Vietnam Health Declaration: Ứng dụng thường được sử dụng để khai báo y tế với người nhập cảnh vào Việt Nam; tuy nhiên, người dân trong nước vẫn có thể khai báo y tế tại ứng dụng này.
II. KHAI BÁO TRỰC TIẾP TRẠM Y TẾ PHƯỜNG, XÃ
Người dân trực tiếp đến trạm y tế xã, phường, thị trấn (bất cứ nơi nào thuận tiện), thông báo với cơ quan này về nguy cơ lây bệnh, lộ trình di chuyển, tiếp xúc với ca bệnh, ... để có hướng dẫn cách ly, xét nghiệm Covid-19 phù hợp.