I. ĐẶT VẤN ĐỀ.
Chăm sóc và giáo dục trẻ ngay từ khi còn nhỏ là vô cùng quan trọng trong sự nghiệp chăm lo, đào tạo và bồi dưỡng thế hệ trẻ trở thành người có ích cho xã hội. Nhưng để trẻ có một nhân cách toàn diện và sau này trở thành người công dân tốt thì chỉ sự yêu thương, chăm sóc thôi là chưa đủ mà cần phải giáo dục trẻ một cách khoa học và hợp lý.
Trẻ mầm non học bằng chơi, chơi mà học. Thông qua hoạt động vui chơi, có rất nhiều kĩ năng được hình thành cho trẻ. Có thể kể tới những kỹ năng cơ bản cần thiết như: Kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tự phục vụ, kỹ năng tự tin,…Trong đó kỹ năng làm việc theo nhóm là một kỹ năng quan trọng đối với trẻ mẫu giáo nói chung và đặc biệt là trẻ 5-6 tuổi nói riêng.
Làm việc theo nhóm không chỉ giúp trẻ hoàn thành công việc thuận lợi hơn mà còn giúp trẻ tăng khả năng gắn kết cũng như hòa đồng với bạn bè trong lớp nhiều hơn. Trẻ cùng nhau hoạt động thì trong hoạt động học và hoạt động vui chơi sẽ không cảm thấy nhàm chán, trẻ sẽ hứng thú, tích cực hơn nhiều, khi trẻ hứng thú thì sẽ kích thích sự sáng tạo trong trẻ và việc lĩnh hội các kiến thức sẽ trở lên dễ dàng hơn bao giờ hết. Mặt khác, làm việc nhóm sẽ giúp trẻ tự tin hơn trong giao tiếp, biết cách tự khẳng định bản thân mình trong môi trường tập thể. Đồng thời giúp trẻ có thể phát huy cá tính, sự sáng tạo, biết hợp tác với những người bạn khác để hoàn thành công việc chung.
Trong năm học 2022-2023, tôi được nhà trường phân công vào lớp mẫu giáo lớn A1 với sĩ số 35 cháu, sau khi quan sát tôi thấy trẻ bước đầu chơi đã có sự tạo nhóm tuy nhiên còn rời rạc, chưa có sự phân chia công việc. Bản thân giáo viên chưa tạo được điều kiện cho trẻ chơi nhóm nhiều, chưa chuyên sâu vào việc định hướng kỹ năng chơi theo nhóm cho trẻ. Bên cạnh đó, tâm lý chung củ các bậc phụ huynh còn bao bọc con, không muốn con phải tự làm, từ dó hạn chế khả năng tự tin, sáng tạo của trẻ.
Chính vì vậy, tôi luôn quan tâm đến biện pháp giúp trẻ hình thành kỹ năng làm việc theo nhóm cho trẻ ở lứa tuổi 5-6 tuổi. Ở lứa tuổi này, trẻ cần được trang bị nhiều kiến thức, kỹ năng đặc biệt kỹ năng làm việc nhóm để từ đó có thể thích ứng tốt với các cấp học tiếp theo và cuộc sống tự lập sau này.
Vậy làm thế nào để thông qua hoạt động chơi các cháu ở lớp tôi hình thành kỹ năng làm việc theo nhóm một cách tốt nhất? Với suy nghĩ đó, tôi mạnh dạn nghiên cứu đề tài: “Một số biện pháp giúp trẻ mẫu giáo 5- 6 tuổi hình thành kỹ năng làm việc nhóm ” làm đề tài nghiên cứu cho năm học 2022-2023.
II. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
1. Những nội dung lý luận có liên quan trực tiếp đến vấn đề nghiên cứu tổng kết kinh nghiệm
Nhóm là gì? Nhóm là một tập hợp những cá nhân có các kỹ năng bổ sung cho nhau và cùng cam kết chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ chung. Vì thế các thành viên trong nhóm cần có sự tương tác với nhau và với trưởng nhóm để đạt mục tiêu chung. Các thành viên trong nhóm cũng phải có sự phụ thuộc vào thông tin của nhau để thực hiện tốt phần việc của mình, trong quá trình thực hiện cần hỗ trợ, giúp đỡ nhau.
Kỹ năng làm việc theo nhóm là gì? Kỹ năng làm việc theo nhóm của trẻ là năng lực phối hợp của trẻ với các bạn trong nhóm nhằm thực hiện nhiệm vụ chung của nhóm. Rèn luyện kỹ năng hoạt động nhóm cho trẻ là quá trình tác động của giáo viên đến với trẻ trong suốt quá trình vui chơi và học tập nhằm hình thành và phát triển ở trẻ năng lực phối hợp với các bạn trong nhóm để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ của nhóm.
Đối với trẻ 5-6 tuổi việc rèn cho trẻ các kỹ năng hoạt động nhóm như: Hứng thú, duy trì thời gian chơi khi tham gia vào hoạt động nhóm. Trẻ có kỹ năng phát biểu ý kiến. Trong khi chơi nhóm trẻ cần có kỹ năng tôn trọng ý kiến của các bạn. Đối với nhóm trưởng cần có kỹ năng phân chia công việc và mỗi thành viên trong nhóm cần biết cách chia công việc của chính bản thân mình. Trẻ cần hiểu rằng khi chơi theo nhóm thì cần biết cách hợp tác với các bạn trong nhóm để hoàn thành công việc chung. Đồng thời trẻ cần có kỹ năng diễn đạt ý tưởng của nhóm mình.
2. Thực trạng của vấn đề
Nhận thức được tầm quan trọng của việc giáo dục kỹ năng làm việc theo nhóm cho trẻ, là một giáo viên mầm non tâm huyết với nghề bản thân tôi luôn ý thức việc dạy kỹ năng làm việc nhóm cho trẻ phù hợp với từng độ tuổi là vô cùng cần thiết và quan trọng hàng đầu. Trong quá trình triển khai tôi đã gặp một số thuận lợi cũng như khó khăn sau:
2.1. Thuận lợi:
- Được sự quan tâm của Phòng giáo dục - Đào tạo quận đã thường xuyên quan tâm, bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ giáo viên
- Ban giám hiệu nhà trường luôn tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt, có những ý kiến đóng góp, chỉ đạo kịp thời nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ trong nhà trường.
- 2 giáo viên đứng lớp đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ đào tạo, luôn năng nổ, nhiệt tình, yêu nghề, mến trẻ.
- Phụ huynh có hiểu biết về giáo dục mầm non và rất quan tâm đến công tác chăm sóc và giáo dục trẻ.
2.2. Khó khăn
- Trong lớp còn một số trẻ nhút nhát, thiếu tự tin, một số trẻ chưa hào hứng tham gia vào các hoạt động của nhóm của tập thể.
- Các hoạt động chưa được xây dựng một cách khoa học, còn mang tính chất tình huống, nhất thời, chưa có có hệ thống.
- Nhận thức phụ huynh chưa đồng đều, chưa thật sự phối hợp với giáo viên trong việc hình thành các kĩ năng cho trẻ.
3. Các biện pháp
Khi phối hợp nghiên cứu khảo sát thực tế 35 trẻ 5-6 tuổi tại lớp, tôi khảo sát đầu vào về thực trạng thực hiện kỹ năng làm việc theo nhóm và có kết quả như sau:
Bảng khảo sát kỹ năng làm việc theo nhóm của trẻ tháng 9/2022 (chưa áp dụng). (Số lượng: 35 trẻ; tỉ lệ:%)
STT |
TIÊU CHÍ |
THÁNG 9/2022 |
Đạt |
Chưa đạt |
SL |
TL |
SL |
TL |
1 |
Trẻ hứng thú, duy trì thời gian khi hoạt động nhóm |
12 |
34,2 |
23 |
65,8 |
2 |
Trẻ có kỹ năng phát biểu ý kiến. |
13 |
37 |
22 |
63 |
3 |
Trẻ có kỹ năng tôn trọng ý kiến bạn. |
15 |
42,8 |
20 |
57,2 |
4 |
Trẻ có kỹ năng phân chia công việc. |
12 |
34,2 |
23 |
65,8 |
5 |
Trẻ có kỹ năng hợp tác với bạn |
17 |
48,5 |
18 |
51,5 |
6 |
Trẻ có kỹ năng diễn đạt ý tưởng của nhóm. |
10 |
28,5 |
25 |
71,5 |
Nhận xét:
Thời gian đầu, khi mới nhận nhận thấy kỹ năng làm việc theo nhóm của trẻ đa số còn rất yếu. Tôi quan sát thấy đa số trẻ trên lớp các cháu còn thụ động, chờ đợi vào sự chỉ bảo của cô.
Điều đó cho thấy kỹ năng làm việc theo nhóm của trẻ còn rất thấp, cần có giải pháp can thiệp giúp trẻ hình thành và phát triển cho trẻ. Từ việc khảo sát thực trạng này và qua thời gian ứng dụng đề tài vào việc giảng dạy, tôi đã tìm ra một số biện pháp giúp trẻ hình thành kỹ năng làm việc theo nhóm thông qua các hoạt động chơi như sau:
3.1.Biện pháp 1: Hình thành kỹ năng làm việc theo nhóm thông qua hoạt động học:
Để hình thành và phát triển kỹ năng làm việc theo nhóm, tôi tổ chức, hướng dẫn trẻ thông qua các trò chơi được lồng ghép vào trong các hoạt động học
3.1.1. Kỹ năng làm việc theo nhóm trong các hoạt động phát triển nhận thức:
Tôi tận dụng mọi trò chơi có thể để chuyển giờ học thành giờ chơi cho trẻ. Đặc biệt là các trò chơi theo nhóm. Với hoạt động “Trò chuyện về ngày tết Trung thu” tôi định hướng trẻ chia làm ba nhóm chơi. Sau khi gợi ý chủ đề, mỗi nhóm được tôi phân công làm một nhiệm vụ khác nhau. Nhóm trang trí đèn lồng, nhóm trang trí đèn ông sao, nhóm bày mâm ngũ quả.
Trước khi nhóm thực hiện tôi hỏi cả nhóm: “Điều đầu tiên khi về nhóm chơi các con sẽ làm gì?” Nếu trẻ chưa biết thì tôi định hướng cho trẻ thống nhất ý kiến sẽ làm gì. Sau đó cho mỗi trẻ tự chọn phân công việc của mình trong nhóm. Tôi định hướng tiếp “Để công việc được thuận tiện và hoàn thành nhanh chóng các con sẽ phối hợp với nhau như thế nào?”
Sau khi các nhóm đã phân chia công việc thì trẻ tỏ thái độ hợp tác rất tốt. Kết quả là các bé rất hứng khởi, phối hợp nhịp nhàng tạo ra những chiếc đèn lồng, đèn ông sao, mâm ngũ quả thật đẹp thật ý nghĩa. Cuối cùng các nhóm cùng nói lên cách làm của nhóm mình. Nhóm một: cả nhóm cùng diễn đạt ý tưởng, nhóm hai cử được bạn Khang, nhóm ba cử bạn Phương làm người đại diện cho nhóm.
Và với các hoạt động chơi tương tự, mỗi hoạt tìm hiểu trẻ đều phải trải qua những quá trình phát biểu ý kiến, phân chia công việc, hợp tác cùng bạn hay diễn đạt ý tưởng sẽ giúp trẻ dần hình thành kỹ năng làm việc theo nhóm.
3.1.2. Kỹ năng làm việc theo nhóm trong hoạt động phát triển thể chất
Vận động là hoạt động cần sự phối hợp đồng đội cao mới có thể mang lại hiệu quả. Vì vậy tôi cố gắng tích hợp trò chơi mang tính vận động vào để trẻ hứng thú cũng như biết đoàn kết phối hợp với nhau hơn. Ví dụ: Trong trò chơi “Đua thuyền”, nếu trẻ chỉ biết quặp chân vào bụng bạn phía trước, 2 tay chống xuống đất đẩy người tiến lên, mà không biết phối hợp cùng cả đội để tiến lên nhịp nhàng thì chiếc thuyền của đội đó dễ bị “đứt”. Vì vậy nếu đội nào phối hợp với nhau tốt hơn, thì là đội chiến thắng. Qua những trò chơi vận động tập thể, trẻ biết đoàn kết, phối hợp trong nhóm với nhau.
Sau mỗi trò chơi, để tránh bị nhàm chán tôi sẽ hướng đến cho các nhóm đổi trò chơi để trẻ luôn được thay đổi, sáng tạo, trải nghiệm các trò chơi.
3.1.3. Kỹ năng làm việc theo nhóm trong hoạt động phát triển ngôn ngữ
Cũng như các hoạt động khác, tôi tận dụng các trò chơi trong các hoạt động thơ, truyện, chữ cái…khai thác các trò chơi làm sao hướng trẻ vào việc hình thành kỹ năng làm việc theo nhóm nhiều nhất, giúp trẻ phát triển một cách tốt nhất.
Trong hoạt động phát triển ngôn ngữ, tôi tổ chức cho trẻ chơi trò chơi “Tìm và sao chép chữ cái còn thiếu”. Chia lớp làm 4 nhóm, ngồi thành 4 vòng tròn, mỗi nhóm sẽ có các bức tranh với cụm từ bị thiếu 1 chữ cái. Tôi yêu cầu các nhóm thảo luận tìm chữ cái ra chữ cái còn thiếu và sao chép lại. Sau 1 bản nhạc đội nào tìm và sao chép nhiều chữ cái hơn là đội chiến thắng.
Hoặc các con có thể đi tìm chữ cái vừa học qua các trò chơi “Hái quả”, “Ô chữ bí mật”…
3.1.4. Kỹ năng làm việc theo nhóm trong hoạt động trong hoạt động tạo hình
Một đặc thù của hoạt động tạo hình là để thực hiện được hiệu quả thì trẻ phải cần nhiều đồ dùng, nguyên vật liệu phục vụ cho hoạt động. Vì thế khi vào hoạt động này, tôi đưa ra hình thức chơi, hình thành kỹ năng làm việc theo nhóm cho trẻ bằng cách tạo cơ hội cho trẻ hoạt động theo nhóm và để trẻ tự phân công nhiệm vụ trong nhóm mình. Ví dụ: Trong hoạt động “Làm tranh tặng cô” tôi để trẻ chia làm 5 nhóm. Sau đó mỗi nhóm cùng thảo luận, thống nhất, phân chia công việc và cùng thực hiện bức tranh từ các nguyên liệu khác nhau để tặng cô nhân ngày 20/11. Bạn cắt lá, bạn chắp ghép, bạn vẽ màu nước, rắc hạt… như vậy, trẻ thấy được vai trò của mình trong nhóm, cũng như cảm nhận được niềm vui chung. Sự liên kết và tác dụng của việc hợp tác của trẻ với các bạn sẽ nhanh hơn.
3.1.5. Kỹ năng làm việc theo nhóm trong hoạt động âm nhạc
Trong hoạt động âm nhạc các trò chơi mà tôi hướng tới là những trò chơi mang tính tập thể. Trẻ chơi “Mở hình đoán tên bài hát”. Trẻ chia làm 3 đội, đưa ra câu đố nhóm đoán đó là hình ảnh gì. Khi xuất hiện bức tranh gia đình, bà, bé. Trẻ đoán và biểu diễn những bài trẻ đoán đúng, mỗi nhóm tự biểu diễn theo cách riêng của đội mình. Để thực hiện tốt các bạn trong nhóm phải thống nhất động tác và phối hợp nhịp nhàng với nhau mới có thể biểu diễn thành công. Bên cạnh đó tôi luôn quan sát và gợi ý cách phối hợp cho trẻ khi cần thiết.
Trẻ chơi “Hát nối”. Trẻ chia làm các nhóm nhỏ, khi nghe đến giai điệu bài hát, trẻ hát theo, khi nhạc dừng lại thì trẻ dừng và bạn tiếp theo sẽ hát nối giai điệu bài hát. Nhóm nào hát đúng giai điệu và lời ca sẽ chiến thắng
3.2.Biện pháp 2: Hình thành kỹ năng làm việc theo nhóm cho trẻ thông qua các hoạt động vui chơi
3.2.1. Hình thành kỹ năng làm việc theo nhóm qua hoạt động góc.
Chơi trong hoạt động ở các góc là một môi trường rất tốt để giáo dục kỹ năng làm việc theo nhóm cho trẻ. Vì trong trò chơi sẽ có những tình huống mà nếu người chơi không phối hợp được với nhau thì sẽ không thể nào chơi được. Điều mà tôi quan tâm là phải làm sao để tạo những cơ hội giao tiếp, thảo luận và làm việc cùng nhau nhiều nhất. Bên cạnh đó tôi chú ý đến cách trẻ xử sự với nhau, phân chia vai chơi, cách trẻ giao nhiệm vụ khi chơi và giáo dục kịp thời cách trẻ ứng xử với bạn chơi cho tốt.
Trong quá trình trẻ chơi tôi hướng dẫn để trẻ giao nhiệm vụ cho từng thành viên trong nhóm. Tôi luôn gợi mở, động viên, khuyến khích, khen gợi để trẻ phát huy hết khả năng của bản thân và tinh thần đoàn kết của nhóm trẻ với nhau, xử lý những tình huống xảy ra trong quá trình trẻ chơi. Tất cả sẽ tạo ra sức mạnh để trẻ góp sức cùng nhau lĩnh hội tri thức.Ví dụ phân vai: cho trẻ tổ chức sinh nhật cho một thành viên trong gia đình: mỗi bạn sẽ làm một nhiệm vụ: sắp xếp bánh, chuẩn bị mũ sinh nhật, cắm hoa…Sau khi tổ chức sinh nhật xong, để tránh cho việc nhóm bị rời rạc tôi sẽ hướng trẻ đến việc cùng nhau đi qua quầy mua sắm, hoặc đến góc thư viện đọc sách hay ra biểu diễn âm nhạc. Cứ như vậy, trẻ đổi góc chơi và được trải nghiệm nhiều điều mới lạ, hứng thú.
3.2.2.Hình thành kỹ năng làm việc theo nhóm qua hoạt động hoạt động ngoài trời
Hoạt động ngoài trời luôn mang lại những niềm vui và hứng thú cho trẻ, không chỉ bởi ở không gian thay đổi mà môi trường ngoài trời luôn là cơ hội tốt để trẻ được tham gia các trò chơi tập thể, trò chơi nhóm. Tận dụng cơ hội này trò chơi mà tôi đưa ra không ngoài mục tiêu tập cho trẻ tinh thần hợp tác và làm việc nhóm hiệu quả.
Giờ hoạt động có chủ đích tôi đưa ra chủ đề “Vệ sinh sân trường”. Tôi giao nhiệm vụ của các nhóm là: Nhặt lá rụng, bỏ rác vào thùng. Tôi cho trẻ tự phân nhóm, các thành viên phân công, lựa chọn khu vực việc làm của nhóm mình sau đó tôi thống nhất lại nhiệm vụ trên sự thống nhất của trẻ để trẻ rõ hơn và về nhóm cùng thực hiện. Sau đó trẻ tập hợp nêu kết quả của nhóm cho cả lớp cùng nghe. Tôi giải thích cho trẻ biết đó là tác dụng của cách làm việc theo nhóm.
Chơi trong hoạt động ngoài trời không thể thiếu các trò chơi vận động và trò chơi dân gian. Để chơi được các trò chơi trẻ không thể chơi một mình. Vì thế để chơi được thì hợp tác nhóm, tinh thần đồng đội là yêu cầu cần thiết của các trò chơi này. Nhiệm vụ của tôi là tìm thật nhiều trò chơi và tăng cường cho trẻ được chơi mỗi ngày.
Tôi tổ chức cho trẻ chơi trò chơi “Kéo co” như sau:
Cách chơi: Trẻ chia 2 đội với số lượng trẻ tương đương nhau. 2 đội đứng 2 đầu dây, khi có hiệu lệnh kéo cả 2 đội kéo mạnh sợi dây về phía mình.
Ngoài ra tôi ưu tiên tổ chức những trò chơi cần sự phối hợp giữa các trẻ với nhau như: Trò chơi “Rồng rắn”, “Nhảy bao bố”, “Trồng nụ trồng hoa”, “Cặp kè”…
Tận dụng mọi hình thức nhóm chơi có thể khi ra ngoài trời, trong nội dung chơi tự do tôi cũng hướng trẻ tham gia chơi chung với nhau. Tôi chuẩn bị những chiếc cốc giấy, sau đó thi đua giữa các nhóm, nhóm nào thổi hết được cốc và ngồi nhanh vào chiếc ghế sẽ chiến thắng. Các nhóm sẽ luân phiên chơi các trò chơi mà giáo viên đã chuẩn bị trước đó.
3.3.Biện pháp 3: Hình thành kỹ năng chơi theo nhóm qua hoạt động lễ hội, tham quan dã ngoại, lao động tập thể.
Trong năm học nhà trường luôn xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động lễ hội, tham quan, dã ngoại… Tôi đã dựa vào đó để xây dựng kế hoạch của lớp tổ chức, hướng dẫn kỹ năng làm việc theo nhóm cho trẻ. Để hình thành và phát triển kỹ năng cho trẻ thì điều quan trọng nhất là phải luôn tạo cơ hội để trẻ được tham gia luyện tập thường xuyên, mọi cơ hội có thể. Có như vậy trẻ mới hình thành nên các kỹ năng một cách bền vững.
Với hoạt động tham quan dã ngoại tôi định hướng cho trẻ biết nội dung tham quan ngay từ những ngày trước và đưa ra nội dung yêu cầu trẻ thực hiện. Nhóm trẻ chọn nội dung tìm hiểu mà trẻ thích, sau đó về trình bày những gì mình quan sát được cho cô và các nhóm còn lại được biết.
Với hoạt động lễ hội nhóm trẻ sẽ được tham gia trong các buổi tổ liên hoan văn nghệ, vệ sinh sân trường… Cách tổ chức tôi đưa ra mang hình thức chơi là chủ yếu hoặc thi đua giữa các nhóm
Ngay từ đầu năm học tôi đã phân công nhiệm vụ cho từng tổ trực nhật theo ngày. Mỗi ngày một tổ giúp cô hoàn thành các cộng việc như cùng xếp bàn ăn, cùng lau dọn xắp xếp đồ dùng…Sau mỗi ngày tôi đều cho các nhóm đánh giá nhóm trực nhật và có đánh giá ghi điểm vào sổ. Tôi thấy mỗi lần được điểm tốt các thành viên trong tổ đều rất vui mừng và lần sau, tổ sau đều cố gắng hơn. Lúc đầu tôi còn phải nhắc nhở, nhưng bây giờ những công việc đó như là việc hiển nhiên, không cần tôi phải nhắc mà bản thân các bạn trong tổ đều tự biết phân công công việc cho nhau. Nếu trẻ nào quên các bạn trong tổ hay bạn tổ khác tự biết và nhắc nhở cho bạn, không cần tôi phải nhắc lại nữa.
3.4. Biện pháp 4: Tuyên truyền, phối hợp với phụ huynh trong việc hình thành kỹ năng làm việc theo nhóm cho trẻ.
Để phụ huynh hiểu hơn về kỹ năng làm việc theo nhóm cho trẻ tôi thường tuyên truyền đến phụ huynh bằng các hình thức sau:
Trong các cuộc họp phụ huynh học sinh của lớp, tôi thường dành nhiều thời gian để trao đổi kinh nghiệm chăm sóc, nuôi dạy trẻ theo khoa học và hỗ trợ cho phụ huynh những kiến thức đúng đắn về biện pháp giúp trẻ hình thành kỹ năng làm việc theo nhóm tiền đề trẻ tiếp bước vững vàng lên các cấp học tiếp theo. Bên cạnh đó, giáo viên phối hợp cùng phụ huynh trong việc thống nhất phương pháp giáo dục trẻ:
- Tin tưởng vào trẻ và năng lực của trẻ.
- Tôn trọng ý kiến của trẻ, không áp đặt ý kiến của mình.
- Không vội vàng phê phán đúng hay sai mà kiên trì giúp trẻ biết tranh luận và có thể đưa ra kết luận của mình.
- Cho trẻ tham gia vào các hoạt động chung của gia đình: giúp bố mẹ làm việc nhà như: nhặt rau, lau bàn ghế, chơi với em nhỏ, gia đình cùng nhau đi chơi, cắm trại vào ngày nghỉ…
Giáo dục kỹ năng sống nói chung và kỹ năng làm việc theo nhóm nói riêng là việc làm hết sức quan trọng đòi hỏi sự tham gia của không chỉ ở nhà trường mà còn ở cả gia đình và xã hội. Bởi như Dorothy Holte đã nói “Cây giáo dục chỉ đơm hoa thơm và kết trái ngọt khi có sự chăm sóc và vun xới của nhà trường, gia đình và xã hội”.
4. Kết quả
Bảng tổng hợp khảo sát trước và sau khi sử dụng các giải pháp
(Số lượng trẻ: 35)
TT |
TIÊU CHÍ |
Trước khi
áp dụng |
Sau khi
áp dụng |
|
SL |
TL % |
SL |
TL % |
1 |
Trẻ hứng thú, duy trì thời gian khi tham gia hoạt động nhóm |
12 |
34,2 |
25 |
71,4 |
2 |
Trẻ có kỹ năng phát biểu ý kiến trong nhóm |
13 |
37 |
20 |
57,1 |
3 |
Trẻ có kỹ năng tôn trọng ý kiến bạn. |
15 |
42,8 |
25 |
71,4 |
4 |
Trẻ có kỹ năng phân chia công việc. |
12 |
34,2 |
21 |
60 |
5 |
Trẻ có kỹ năng hợp tác với bạn |
17 |
48,5 |
27 |
77,1 |
6 |
Trẻ có kỹ năng diễn đạt ý tưởng của cả nhóm |
10 |
28,5 |
18 |
51,4 |
Qua khảo sát đầu năm và sau khi áp dụng giải pháp, tôi nhận thấy việc sử dụng các giải pháp trên đã mang lại hiệu quả tương đối cao đối với trẻ. Như vậy, trẻ đã tiến bộ về kỹ năng làm việc theo nhóm thông qua các giải pháp dưới sự hướng dẫn của cô.Tuy thời gian áp dụng chưa lâu nhưng trẻ đã có các kỹ năng hoạt động nhóm, và đó là động lực để tôi tiếp tục duy trì thực hiện các giải pháp đến cuối năm học để đạt hiệu quả cao hơn.
* Đối với trẻ
Trẻ đã chủ động tham gia chơi nhóm, biết phân công công việc cho từng thành viên trong nhóm, hợp tác với bạn trong nhóm, diễn đạt ý tưởng của mình và của nhóm. Hoạt động vì lợi ích của nhóm.
Trẻ ngày càng mạnh dạn hơn tích cực hơn, tự tin, nhạy bén hơn. Đặc biệt trẻ có thêm kỹ năng để giải quyết các tình huống xảy ra trong học tập và cuộc sống sau này.
Trẻ thật sự hứng thú tích cực trong tất cả các hoạt động diễn ra tại lớp từ sinh hoạt, vui chơi và học tập. Điều đó cũng làm cho tôi rất phấn khởi,tạo điều kiện để tôi có nhiều ý tưởng hơn khi xây dựng kế hoạch để kích thích trẻ tự học cùng bạn.
* Đối với giáo viên
Tôi có kỹ năng tốt hơn khi tổ chức các hoạt động chơi theo nhóm trẻ, phát huy được tính tích cực, chủ động của trẻ. Biết cách tạo nhiều cơ hội để trẻ chơi, tận dụng các hoạt động mọi lúc mọi nơi để lồng ghép các kỹ năng làm việc theo nhóm cho trẻ.
* Đối với phụ huynh
Phụ huynh đã có sự phối hợp với giáo viên trong việc rèn luyện, củng cố những kỹ năng làm việc theo nhóm cho trẻ.
Phụ huynh dành nhiều thời gian tạo cơ hội cho trẻ được trải nghiệm, rèn luyện, củng cố và học hỏi thêm những kỹ năng giao tiếp và chơi theo nhóm bạn phù hợp với môi trường xã hội xung quanh.
III. KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ
1.Kết luận
Giáo dục kỹ năng làm việc theo nhóm cho trẻ 5-6 tuổi thông qua hoạt động chơi đã có tác động tích cực đến từng cá nhân trẻ, từng nhóm trẻ. Giáo dục kỹ năng làm việc theo nhóm cho trẻ là yếu tố quan trọng góp phần đổi mới toàn diện giáo dục đào tạo gắn với 4 mục tiêu quan trọng của giáo dục: Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để khẳng định mình. Yếu tố tạo nên tính tự lập ở mỗi cá nhân là khả năng tin tưởng vào những đánh giá của bản thân, cũng như là tự vạch ra con đường cho mình mà không ỷ lại hay tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác. Có được khả năng này là một điều tuyệt vời, bởi nó sẽ giúp trẻ hạnh phúc hơn, thu hút được sự chú ý của mọi người xung quanh, từ đó khuyến khích trẻ tạo ra những cơ hội để trẻ thể hiện mình. Giáo dục trẻ có ý thức hoạt động theo nhóm là một việc làm phù hợp mang lại nhiều lợi ích thiết thực góp phần giúp trẻ tự tin, sáng tạo và phát triển toàn diện, trẻ sẽ trở thành những chủ nhân tương lai với cách sống văn minh, trí tuệ.
2. Bài học kinh nghiệm
Với những kết quả đạt được như trên, bản thân tôi rút ra một số kinh nghiệm như sau:
– Trong quá trình thực hiện cần đánh giá và xem xét mức độ hình thành kỹ năng sau mỗi biện pháp như thế nào, để kịp thời thay đổi nội dung chơi, hoạt động chơi cho phù hợp và đạt hiệu quả cao hơn.
– Giáo viên phải dựa vào điều kiện cơ sở vật chất có phù hợp với nội dung kế hoạch mình đưa ra. Giáo viên phải luôn nhiệt tình nắm bắt các cơ hội để giáo dục trẻ, cô luôn là người khơi gợi kích thích trẻ trong mọi trường hợp.
– Khi trẻ đã quen với cách làm việc theo nhóm, cô không được lơ là mà cần chú ý bao quát trẻ để can thiệp kịp thời một số tình huống ngoài ý muốn.
3. Kiến nghị
- Phòng giáo dục và đào tạo tiếp tục mở các lớp bồi dưỡng chuyên đề về giáo dục kỹ năng tự phục vụ cho trẻ cho đối tượng là giáo viên mầm non
- Nhà trường tăng cường tổ chức cho trẻ được thực hành kỹ năng làm việc, chơi nhóm như đi tham quan, dã ngoại, các hoạt động ngoại khóa để trẻ có cơ hội được tham gia tích cực các hoạt động trải nghiệm.
Trên đây là một số kinh nghiệm trong công tác giáo dục kỹ năng làm việc theo nhóm cho trẻ 5-6 tuổi trong trường mầm non mà bản thân tôi đã tiến hành thử nghiệm và mang lại một số kết quả khả quan. Rất mong được sự đóng góp ý kiến của Hội đồng khoa học cấp trên để bản kinh nghiệm được hoàn thiện hơn và có thể được áp dụng rộng rãi trong các trường mầm non.
Tôi xin chân thành cảm ơn!
Trẻ trong giờ hoạt động tạo hình
Trẻ trong giờ học làm quen chữ viết
Trẻ tham gia hoạt động góc
Trẻ trong giờ hoạt động ngoài trời
Trẻ tham gia lao động nhặt cỏ ở vườn rau
Trẻ tham gia vào các hoạt động văn nghệ, ngoại khóa
Giáo viên kết hợp với phụ huynh