Các quy định của những người trong gia đình giúp tạo ra quy tắc gia đình vì trẻ nhỏ biết những hành vi nào được chấp nhận và những hành vi nào không được chấp nhận. Những bước để tạo ra các quy tắc trong gia đình được mô tả dưới đây.
Bước 1: Xác định các quy tắc gia đình.
Xác định và định nghĩa rõ ràng các quy tắc là điều rất quan trọng trong gia đình. Các quy tắc gia đình có thể cụ thể cho một tình huống, ví dụ như quy định thời gian ăn tối, hoặc có thể cụ thể cho các hành vi không bao giờ được chấp nhận như chạy trong nhà, đánh nhau với anh chị em, hoặc nhảy trên đồ đạc. Các quy tắc gia đình cần đủ quan trọng để bạn thực hiện chúng một cách nhất quán mà không có vấn đề gì.
Ở lần đầu tiên bạn sử dụng quy tắc gia đình, bạn cần chọn hành vi nào có vấn đề cần giải quyết trước hết. Trẻ mới biết đi và trẻ mẫu giáo chỉ có thể học và nhớ hai đến ba quy tắc một lúc. Vì vậy, cha mẹ cũng khó có thể thực hiện nhất quán nhiều quy tắc mới. Tốt nhất là bạn nên bắt đầu với chỉ một quy tắc và thêm các quy tắc mới khi cần thiết theo thời gian. Điều này giúp trẻ có cơ hội học quy tắc đó và cách áp dụng các quy tắc trong gia đình trước khi thêm các quy tắc khác.
Trẻ dễ dàng làm theo các quy tắc khi các quy tắc đó rõ ràng, chính xác, và dễ giải thích cho trẻ. Các quy tắc gia đình tập trung vào một hành vi cụ thể tại một thời điểm. Bạn cần tránh các quy tắc mơ hồ, chẳng hạn như “cần phải tốt”. “Cần phải tốt” mang nhiều nghĩa khác nhau và có thể làm trẻ khó hiểu và khó thực hiện. Một quy tắc cụ thể hơn sẽ là "Nói chuyện vui vẻ/nhẹ nhàng với những người khác."
Hành vi không thể chấp nhận được cần phải được nêu thành một quy tắc rõ ràng và cụ thể chẳng hạn như “Không gây tổn thương”. Bạn cũng cần nêu hành vi mong đợi và chấp nhận được ngay phía sau quy tắc để trẻ biết hành vi nào được mong đợi. Ví dụ như nếu bạn nói với trẻ “Không làm đau người khác”, bạn cần nêu thêm rằng “Con cần kiểm soát hành động của con, không đánh người khác”.
Quy tắc trong gia đình cũng cần phải khả thi và phù hợp với độ tuổi của con bạn. Các quy tắc phải là những điều mà trẻ mới biết đi và trẻ mẫu giáo có thể tuân theo. Một số cách khác có thể hiệu quả hơn các quy tắc gia đình đối với những vấn đề về hành vi hoặc lỗi nhỏ mà không xảy ra thường xuyên.
Ví dụ về các quy tắc gia đình thông dụng:
- Nghe theo hướng dẫn của người lớn.
- Không làm đau người khác. Chân tay của con không phải là để đánh đấm người khác.
- Không ngắt lời. Chờ đến lượt con nói.
- Không la hét trong nhà. Nhỏ giọng khi nói chuyện trong nhà.
- Không leo trèo hoặc nhảy nhót trên đồ đạc. Ngồi trên ghế hoặc nằm xuống giường.
Bước 2: Giải thích các quy tắc.
Bạn cần chắc chắn rằng con bạn biết và hiểu các quy tắc. Bạn có thể kiểm tra xem con bạn có hiểu các quy tắc không bằng cách yêu cầu con bạn nói lại các quy tắc theo cách của con. Đối với trẻ mới biết đi và trẻ mẫu giáo, bạn có thể cần phải giúp trẻ hiểu nghĩa của một vài từ trong quy tắc. Ví dụ như với quy tắc "không làm đau người khác" thì bạn có thể cần phải giải thích với trẻ “làm đau” nghĩa là gì. Trong lần đầu tiên trẻ đánh, cắn hoặc đá ai đó, bạn cần nói với trẻ “Đánh là làm đau. Nhà mình đã có quy định không làm đau người khác. Chân tay của con không phải dùng để đánh người khác”.
Trẻ mới biết đi và trẻ mẫu giáo cần được nhắc nhở thường xuyên về các quy tắc. Bạn có thể thường xuyên nhắc lại các quy tắc và/hoặc đặt dụng cụ nhắc nhở, chẳng hạn như tờ dán các quy tắc, ở những nơi mà con bạn có thể nhìn thấy. Bạn cũng có thể dán lời nhắc ở những khu vực chung để nhắc nhở mọi người về các quy tắc, ví dụ như dán trên cửa tủ lạnh hoặc trên cánh cửa mà mọi người đều sử dụng như cửa trước.
Bạn và trẻ có thể tạo ra bản quy tắc gia đình cùng với nhau hoặc bạn có thể tạo bản quy tắc và sau đó giải thích với trẻ. Bản các quy tắc gia đình nên có ít nhất hai cột: các quy tắc và những hậu quả nếu vi phạm các quy tắc. Bạn có thể sử dụng các hình ảnh hoặc ký hiệu trực quan trên bản quy tắc đối với những trẻ mới biết đi và trẻ mẫu giáo vì trẻ chưa biết đọc. Ví dụ như, nếu quy định là trẻ cần ở trong sân khi đang chơi bên ngoài, bạn có thể đưa hình ảnh một em bé ở trong sân. Ở cột hậu quả, bạn có thể đưa hình ảnh một trẻ đang ngồi phạt cách ly.
Bước 3: Thực hiện theo các quy tắc.
Tất cả các thành viên trong gia đình cần thực hiện theo các quy tắc gia đình bởi vì đó là các quy tắc dành cho “gia đình”. Trẻ nhỏ học về những điều được mong đợi bằng cách quan sát những người lớn trong cuộc sống của chúng. Điều này có nghĩa là trẻ nhìn cha mẹ chúng để biết cách cư xử. Ví dụ, nếu bạn tôn trọng và lắng nghe những người lớn khác, bạn có thể dạy con bạn nghe lời người lớn.
Khi bạn thấy con mình tuân theo các quy tắc, bạn có thể cho trẻ biết rằng bạn thấy trẻ đã làm tốt bằng cách khen trẻ gắn cụ thể với điều trẻ đã làm tốt. Lời khen ngợi cụ thể này sẽ giúp trẻ biết chính xác điều gì trẻ đã làm tốt khiến cho bạn thích. Bạn nên khen ngợi ngay khi bạn thấy hành vi tốt của trẻ. Bạn cũng nên dành nhiều lời khen ngợi cho trẻ khi bạn tạo ra quy tắc mới để giúp trẻ làm quen với hành vi mới được mong đợi này.
Bước 4: Sử dụng hậu quả khi không tuân theo các quy tắc.
Khi các quy tắc gia đình luôn được thực hiện thì hành vi của trẻ và mối quan hệ của bạn với trẻ sẽ tốt hơn. Các quy tắc gia đình cần được thực hiện ngay khi có vi phạm. Hậu quả của việc vi phạm quy tắc gia đình cần rõ ràng đối với cả cha mẹ và trẻ. Các hậu quả này cần được đưa vào bản quy tắc để nhắc nhở những gì sẽ xảy ra. Các hậu quả khi vi phạm quy tắc gia đình cần được thực hiện ngay lập tức.