Cách bạn phản ứng ngay sau những hành vi của con trẻ sẽ khiến cho hành vi đó dù ít hay nhiều có khả năng tái diễn. Có nhiều khả năng trẻ sẽ lặp lại hành vi đem lại kết quả tích cực, chẳng hạn như là phần thưởng. Điều này đúng cho mọi hành vi, ngay cả đối với những hành vi bạn không hề muốn nó tái diễn. Phần thưởng là những điều như sự quan tâm chú ý, đi chơi công viên, mua đồ chơi, được ôm hôn, hoặc những thứ khác mà con trẻ thích.
Phần thưởng có thể được dùng để khích lệ những hành vi tốt ở con. Phần thưởng còn khiến cho trẻ làm thêm nhiều điều mà bạn mong muốn. Phần thưởng được tặng đúng lúc đúng cách sau mỗi hành vi là điều tốt nhất. Đôi khi phần thưởng không thể được tặng ngay nhưng nên được tặng càng sớm càng tốt. Phần thưởng không có hiệu quả khi mãi lâu sau khi thực hiện hành vi mới được thưởng. Điều này đặc biệt đúng cho những trẻ mới biết đi và những trẻ chưa đến trường. Trí nhớ của những trẻ ở độ tuổi này chưa tốt như ở những trẻ lớn hơn.
Khi bạn lần đầu áp dụng phần thưởng, hãy thưởng cho hành vi khiến bạn hài lòng bất cứ khi nào trẻ thực hiện được. Hãy nói cho trẻ chính xác những gì trẻ đã làm khiến bạn hài lòng và tại sao trẻ lại được nhận phần thưởng. Nếu bạn không nói cho trẻ biết điều gì khiến bạn hài lòng, trẻ sẽ không biết lần sau cần làm gì để được thưởng. Bạn có thể nói, “Mẹ/bố rất vui khi con đã thu dọn đồ chơi mà không cần mẹ /bố phải nhắc. Giờ chúng ta sẽ cùng đọc thêm 2 quyển sách trước khi đi ngủ nhé!”
Tại sao phần thưởng lại quan trọng?
Phần thưởng đóng vai trò quan trọng vì nhiều lý do. Thứ nhất, phần thưởng có thể được dùng để làm tăng tính tự trọng. Trẻ mới biết đi và trẻ chưa đến tuổi đến trường thường nghe thấy những từ như “không”, “đừng”, “dừng lại”, “bỏ đi” rất nhiều lần trong ngày. Điều này là hết sức bình thường và là một trong những cách chúng phân biệt đúng sai. Nhưng khi trẻ cứ nghe đi nghe lại những điều này, lòng tự trọng của trẻ có thể bắt đầu bị tổn thương. Trẻ có thể bắt đầu tin rằng chúng chẳng thể làm được điều gì đúng. Phần thưởng có thể được dùng để tăng tính tự trọng. Khi trẻ đạt được phần thưởng, trẻ biết rằng mình đã làm được điều gì đó đúng và những điều khiến bạn hài lòng.
Phần thưởng còn có thể giúp cải thiện mối quan hệ của bạn với con cái. Khi bạn tặng thưởng cho con, cả bạn và con đều cảm thấy vui. Bạn vui vì con đã làm được những điều khiến bạn hài lòng. Con trẻ cũng vui vì nhận được những gì trẻ thích.
Loại phần thưởng
Có một vài loại phần thưởng. Đa số mọi người đều nghĩ đến đồ chơi, kẹo, hoặc thứ gì khác đáng tiền để làm phần thưởng. Đây được gọi là phần thưởng vật chất. Một loại phần thưởng khác là phần thưởng tinh thần. Phần thưởng tinh thần thường rẻ hoặc không mất tiền và thậm chí có thể có hiệu quả hơn những phần thưởng vật chất. Chúng còn có thể được tặng thường xuyên hơn và ngay sau khi con có những hành vi khiến bạn hài lòng. Tình yêu thương, lời khen tặng, hoặc sự quan tâm từ bạn là những ví dụ của phần thưởng tinh thần.
Ví dụ về phần thưởng tinh thần
- Tình yêu thương – Tình cảm yêu thương của bạn dành cho con khiến cho con biết rằng bạn đang tán thành việc nó đã làm. Hành động này bao gồm ôm, hôn, đập tay tán thưởng, cười, một cái vỗ nhẹ vào lưng, hoặc ôm vai.
- Lời khen tặng – Lời khen tặng dành cho con khi cha mẹ nói những câu như “Con làm giỏi lắm”, “Đúng rồi”, hay “Con ngoan”. Những từ này thể hiện sự tán thành, nhưng chúng không nói chính xác xem bạn hài lòng với hành vi nào. Lời khen cụ thể sẽ nói cho trẻ biết chính xác bạn hài lòng với hành vi nào. Những ví dụ cho lời khen tặng cụ thể là:
“Con thật ngoan khi biết giữ yên lặng trong khi bố/mẹ nghe điện thoại”
“Hôm nay con thật sự là một trợ thủ đắc lực khi bỏ tất cả đồ chơi vào ngăn kéo.”
“Cảm ơn con vì đã nói nhỏ”
- Sự quan tâm chú ý và hoạt động – Dành thêm thời gian bên con hoặc một hoạt động đặc biệt có thể là một phần thưởng hữu hiệu dành cho con trẻ. Một số ví dụ như là chơi một trò chơi yêu thích, đọc truyện, đi công viên, và giúp làm bữa tối. Các hoạt động khác như là đi xem phim, đi sở thú, hay trượt băng cũng có thể được áp dụng nhưng những hoạt động này có thể không phải lúc nào cũng có hoặc có điều kiện kinh tế để thực hiện được.
Cách tặng thưởng
Kết hợp phần thưởng vật chất và phần thưởng tinh thần có thể làm thay đổi hành vi của con trẻ rất nhanh. Bạn có thể giảm tặng thưởng sau khi chắc chắn con làm được những điều bạn muốn một cách thường xuyên.
Khi tặng thưởng vật chất, phần thưởng đó phải là những thứ con trẻ thích hoặc thực sự muốn có. Nếu con trẻ không thích hoặc không muốn, nó sẽ không hứng thú thực hiện hành vi để có được phần thưởng đó. Nên luôn luôn dành lời khen tặng và quan tâm đến trẻ đồng thời với tặng phần thưởng vật chất. Lời khen tặng và sự quan tâm đóng vai trò rất quan trọng trong việc khiến cho mối quan hệ giữa cha/mẹ và con cái trở nên tích cực.
Khi chọn phần thưởng cần phải sáng tạo và lựa chọn đa dạng các loại phần thưởng để áp dụng với mỗi đứa trẻ. Nên nhớ rằng tất cả trẻ em đều không giống nhau và chúng cũng không thích cùng một thứ. Vật này có thể là phần thưởng đối với đứa trẻ này nhưng có thể không phải là điều mong đợi đối với đứa trẻ kia. Trẻ cũng sẽ rất dễ chán. Nếu mỗi lần chúng đều nhận được cùng một phần thưởng thì phần thưởng đó sẽ không còn hiệu quả cho lần sau.
Khi trẻ nhỏ hơn, những phần thưởng nhỏ sẽ dùng được lâu. Tranh dán hoặc mặt cười và sự quan tâm của cha mẹ thường là tất cả những gì cần thiết để khích lệ con trẻ có hành vi tốt. Điều này sẽ thay đổi khi trẻ lớn hơn và đương nhiên khi đó những phần thưởng khác trở nên quan trọng hơn.
Tặng phần thưởng
Tặng phần thưởng là một cách để nắm được tần suất con trẻ làm được những việc khiến bạn hài lòng. Đối với trẻ nhỏ, người ta thường sử dụng một biểu đồ. Phần thưởng vật chất hoặc tinh thần có thể được dùng như là một phần của chương trình tặng thưởng. Bạn có thể quan sát hành vi của con và khi bạn chứng kiến con làm được những điều tốt, hãy tặng thưởng. Phần thưởng có thể là tranh dán, mặt cười, dấu kiểm định, hoặc dấu mực (ví du, đóng dấu biểu tượng ‘ngôi sao’ hay hình tượng ‘siêu nhân’ bằng mực in vào tay trẻ để khen trẻ ngoan, trẻ giỏi). Lời khen tặng và sự quan tâm từ phía bạn cũng còn có thể được xem như phần thưởng. Phần thưởng cần phải phù hợp với lứa tuổi, mức độ năng lực, và sở thích của trẻ.