Trẻ vào lớp 1 là giai đoạn cực kỳ quan trọng vì chúng được chuyển giao từ chơi sang học, từ sinh hoạt tự do sang quy củ. Chuyên đề "Cùng con vào lớp 1" sẽ mang đến những thông tin bổ ích, giúp cho các bậc làm cha, mẹ có sự chuẩn bị tốt nhất cho con em mình.
Con tôi thông minh, sao kết quả lại thế này?
Chị Nguyễn Lê Hoa trú tại quận Lê Chân, Hải Phòng cho biết, con trai chị - cháu Phan Tuấn Khôi, 7 tuổi, vốn là một đứa trẻ linh hoạt, thông minh.
Năm ngoái, khi Khôi vào lớp 1, mặc dù cùng đánh vật với con hàng đêm với số bài tập mà cô giáo giao về nhà, nhưng kết quả là con chị vẫn học chậm hơn so với các bạn trong lớp.
Sang học kỳ 2, chị Hoa quyết định gửi con đến nhà cô giáo học buổi tối. Từ ngày gửi con học thêm ở nhà cô, thấy chữ của con đẹp lên, vở toàn điểm 9, điểm 10 nên chị Hoa khá yên tâm. Tuy nhiên, trong đợt đi nghỉ mát ở Nha Trang vừa qua, chị Hoa mới biết thực chất học lực của con mình.
Cùng đi nghỉ mát ở Nha Trang với gia đình chị Hoa là gia đình của hai người bạn thân. Trong đoàn có một bé chuẩn bị vào lớp 1, thấy tấm biển quảng cáo nào cũng nhao đến để đọc. Nếu chữ nào khó không đọc được, cháu thường hỏi mẹ nhưng một vài lần bé quay sang hỏi anh Khôi. Chị Hoa không để ý nên không hề biết, cho đến khi cháu bé vô tình nói với bạn chị rằng "anh Khôi cũng không đọc được", thì chị Hoa mới bắt đầu phát hoảng. Chị bảo con đọc mấy chữ trên thực đơn nhà hàng, cháu Khôi ú ớ không đọc nổi.
Chị Trần Quỳnh Thơ ở Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng có con rơi vào tình trạng tương tự. Cháu Lê Tuệ Minh vốn có tố chất thông minh nhưng lại rất khó khăn khi bước vào lớp 1. Chị Thơ kể rằng, chị không cho đi học chữ trước, trong khi hầu hết các bạn trong lớp đều đã học hết rồi khiến cho cháu không thể bắt nhịp được với các bạn.
Suốt cả niên khóa 2010 - 2011, vợ chồng chị và con đều hết sức căng thẳng. Hầu như buổi tối nào, vợ chồng chị cũng đều phải bỏ hết mọi việc, phân công nhau ngồi học cùng con. Người thì lo nước nôi, quạt mát, người thì luôn ngồi kè kè bên cạnh để "kèm" con học. Đêm nào cũng "đánh vật" với con đến tận 11 giờ đêm. Sau 6 tháng thì cháu Minh cũng bắt nhịp được với các bạn, nhưng đó là kết quả của cả hai vợ chồng chị. Bởi nếu hôm nào bố mẹ không "kèm" là cháu lại bị điểm kém ngay.
Sợ lớp, sợ cả việc học
Bà Nguyễn Minh Tâm cho biết, trước khi giúp phụ huynh tìm ra phương pháp giáo dục đúng cho trẻ thì các chuyên gia về giáo dục của Văn phòng Vala phải tìm hiểu "lịch sử" quá trình học tập và đến trường của các em. Việc tìm hiểu này nhằm tìm ra căn nguyên việc học tập không hiệu quả của trẻ. Không chỉ riêng cháu Khôi và Minh mà rất nhiều trẻ có chỉ số thông minh cao nhưng kết quả học tập lại rất kém. Hầu hết những trẻ này đều rơi vào tình trạng sợ lớp, sợ cả việc học ngay từ những ngày đầu tiên đến trường.
Trong cuốn nhật ký tư vấn giáo dục của Văn phòng Vala cho thấy, biểu hiện hiện tượng "sợ học" trong những ngày đầu vào lớp 1 thường thấy ở trẻ là khóc lóc, không thích đến trường. Như trường hợp của cháu Khôi, theo lời kể của phụ huynh thì có lần Khôi còn giả vờ đau bụng để được về nhà. Hay như trường hợp của cháu Minh, gia đình cho biết việc thức cháu dậy đi học vào buổi sáng hết sức khó khăn. Cháu nói rằng cháu không thích đến lớp vì không thích cô. Khi được hỏi nguyên nhân vì sao không thích cô thì Minh bảo vì sợ bị cô phạt...
Theo bà Tâm, xuất phát điểm của việc sợ học, chán học của trẻ là do ngay từ đầu, bố mẹ và nhà trường đã không tạo được niềm hứng thú đến trường cho trẻ. Đây cũng là tình trạng chung và khá phổ biến hiện nay. Nhà trường thiếu sự thân thiện, thiếu bước đệm cho trẻ làm quen với môi trường học đường, chương trình học quá tải, phụ huynh lại thiếu kỹ năng... Ban đầu trẻ sợ trường, sợ lớp, nếu không có biện pháp chấn chỉnh kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng sợ học. Tâm lý sợ trường, sợ lớp của trẻ lớp 1 ảnh hưởng đến suốt cả quá trình học tập sau này. Một khi đứa trẻ thấy việc học là một cực hình, tâm trí đứa trẻ sẽ luôn muốn thoát khỏi môi trường học tập đó. Đây là điều phụ huynh cần lưu ý.