Cúi người thấp để tránh khói độc trong đám cháy. tranh minh họa
Xác định vị trí ngọn lửa, nguồn khói
Theo hướng dẫn của thầy Trần Kim Khánh, giảng viên Trường Đại học PCCC (Bộ Công an), nguyên tắc thoát nạn quan trọng đầu tiên những đám cháy dạng này là:
-Sờ tay vào nếu cửa ấm, hay nóng là lửa bùng bên ngoài, không nên thoát ra. Tìm vải thấm nước, băng dính chèn kỹ các khe hở không cho khói, lửa lan vào. Mở cửa cần xoay lưng về cánh cửa đề phòng cháy lớn cửa sẽ sập vào đẩy mình vào trong ngay để tạm thời cách ly với đám cháy bên ngoài.
Khi mở được cửa cần xác định vị trí của ngọn lửa, khói và hướng gió để chọn hướng di chuyển, hoặc góc lánh nạn.
- Nếu thấy luồng khói từ trên cao, hoặc ngay trong tầng thì nhanh chóng di chuyển ra cửa thoát hiểm và chạy thoát xuống các tầng dưới.
- Nếu khói xuất phát từ các tầng dưới, nhiều khả năng cầu thang bộ đã bị khói bít kín hoặc khóa cửa.
- Khi cháy đang ở tầng thấp, hãy di chuyển nhanh xuống dưới và thoát ra ngoài. Nếu ở tầng cao, hãy đi ngược lên trên tầng thượng. Tuân thủ nguyên tắc là không sử dụng thang máy.
- Cần giữ đôi mắt, lá phổi được sạch càng lâu càng tốt. Không nên chạy nhanh vì sẽ mất sức và thở dốc.
Kỹ năng thoát khói
Các rạp chiếu phim, phòng karaoke đều có đèn led, đèn nháy, vách tường cách âm gỗ, thạch cao, mút xốp… rất dễ bắt lửa, cháy rất nhanh và sinh ra khí độc Carbon Monoxide có thể gây chết người sau 10 giây.
Việc di chuyển khi khói dày đặc rất khó khăn, bởi khói làm chảy nước mắt, nước mũi, ho, sặc vào phổi làm ngạt thở, dẫn đến tử vong. Để thoát hiểm cần:
1.Cúi thấp người
Khói có khí độc thường bay lên cao, vì thế cần cúi thấp người, hoặc bò sát dưới sàn nhà, lần theo tường để xác định phương hướng và tìm cửa thoát hiểm để ra ngoài nhanh nhất.
2. Nhúng nước, bịt mũi miệng để thở
Đặc biệt chú ý đến nước (thậm chí khẩn cấp phải tự dùng nước tiểu), rồi nhanh chóng lấy vải (hoặc giấy ướt, áo sơ mi, áo lót…) nhúng nước và bịt lên mũi, miệng như mặt nạ phòng độc giúp lọc khí, hạn chế hít khí độc vào phổi và nhanh chóng chạy ra ngoài.
-Không la hét to vì sẽ bị ngạt khói ngay. Không chạy nhanh vì sẽ mất sức và thở dốc, và tuy cơ thể vẫn chịu được khói, nhưng khói độc ảnh hưởng đến cơ thể rất nhanh.
-Nếu có nhiều nước, hãy nhúng áo, chăn, ga… rồi trùm lên người và chạy nhanh ra ngoài, tránh để lửa bén vào trang phục.
Các chuyên gia PCCC khuyên, đến bất kỳ một nơi nào đó như chung cư hay nơi công cộng nào đó, luôn quan sát sơ đồ khu nhà, sơ đồ thoát nạn, chỗ để vật dụng chữa cháy, cửa/cầu thang thoát hiểm có chữ “Exit” (đèn này mất điện vẫn sáng nhờ hoạt động bằng nguồn riêng, hoặc pin dự phòng). Biết chỗ đặt cầu dao để khi ngửi thấy mùi khói hoặc thấy lửa cháy thì kịp thời ngắt cầu dao nguồn điện.
Không chần chừ gọi điện, mang theo đồ đạc…
Lối ra an toàn là không bị tác động của đám cháy uy hiếp tới tính mạng (hành lang tới chỗ an toàn, lối đi tới cầu thang bộ, lối ngang dẫn sang công trình liền kề...).
Lưu ý là buồng thang bộ rất hút gió, các cửa thoát nạn lại hay mở nên khói và khí độc sẽ nhanh chóng bao trùm. Nhưng các cửa tầng 1 hay bị khóa để chống trộm, vì vậy người quản lý cần luôn để chìa khóa nơi dễ tìm để sớm mở cửa hoặc có đồ phá khóa để người thoát hiểm không bị tắc, ngạt khí.
Tìm tam giác sự sống khi mắc kẹt trong đám cháy
Theo các chuyên gia PCCC, khi bị mắc kẹt trong đám cháy hãy tỉnh táo để thoát thân:
-Tìm phòng an toàn có hệ thống thông gió.
-Nếu cửa sổ có nhưng không thoát ra được hãy mở ra để thở, ra hiệu (kêu to, vẫy đồ sáng màu, đập mạnh vào đồ đạc…) cho người ở dưới biết đến cứu.
- Nếu có nước thì cần làm ướt toàn thân và ướt nhiều đồ trong phòng càng tốt.
Đặc biệt cần tìm ngay tam giác sự sống, do cháy sẽ làm thay đổi áp suất trong phòng và bên ngoài, dẫn đến sập nhà, sập phòng. Vì vậy cần chọn những vị trí tam giác – chính là các góc nhà, góc phòng là chỗ ẩn nấp an toàn nhất, ít bị đè bẹp nhất.
Những việc tuyệt đối không làm trong đám cháy
Khi hỏa hoạn xảy ra nơi phòng kín thì khó sống sót lâu, vì vậy cố gắng thoát nhanh nhất ra cửa chính. Nếu không thoát được thì một số điểm sau tuyệt đối không nên trốn:
- Không nấp ở phòng để đồ, nhà kho… vì chúng là nơi khuất ít không khí, không có lối thoát.
- Không trốn dưới gầm giường, nhà tắm, nhà vệ sinh và các phòng nhỏ vì không thể tránh được khói ngạt và lính cứu hỏa ít để ý tìm và giải thoát sớm.
- Đóng các cửa trên đường lan truyền để tránh lửa lan rộng ra (nhưng tuyệt đối không khóa cửa).
-Tuyệt đối không được quay lại nơi mình vừa thoát ra dù bất kỳ mục đích gì.
Khi kẹt trong đám cháy, hãy bình tĩnh, tránh khói độc và tìm lối thoát:
- Di chuyển sang phòng khác, hoặc ra ban công, cửa sổ… báo hiệu để sớm được cứu.
- Dùng thang dây, tận dụng các dây rợ, quần áo chăn màn nối lại, tốt nhất là vòi chữa cháy (buộc đầu vòi vào kết cấu xây dựng, rồi tụt dần xuống). Hai bàn tay cần quần giẻ, hoặc đi găng dày mới tụt được lâu.
- Tuyệt đối không nhảy xuống, trừ khi có đệm không khí PCCC ở dưới.
- Báo cháy cho mọi người trên đường chạy.
- Gọi điện thoại bàn số 114 (cứu hỏa). Gọi điện thoại di động theo mã tỉnh (Hà Nội 04.114, TP Hồ Chí Minh 08.114) hoặc gọi công an phường, người thân để báo nơi xảy cháy và vị trí bị kẹt.
(Tài liệu PCCC của Trường ĐH Cảnh sát PCCC)