Để đưa ra được lời chỉ dẫn tốt, bạn cần phải thực hành. Dưới đây là một số điều cần ghi nhớ.
Bước 1: Thu hút sự chú ý của trẻ
Bạn cần đảm bảo rằng trẻ đang nghe và chú ý đến lời chỉ dẫn của bạn. Điều này có nghĩa là bạn cần ở cạnh trẻ và giao tiếp bằng mắt với trẻ. Bạn có thể cần gọi tên của trẻ. Đôi khi bạn cũng cần cúi xuống, ngồi xổm, hoặc ngồi cạnh trẻ để vị trí của bạn ngang bằng với trẻ và mặt đối mặt với trẻ.
Bước 2: Đưa ra lời chỉ dẫn
Nói với trẻ chính xác những gì bạn muốn trẻ làm. Dưới đây là một số mẹo để đưa ra các chỉ dẫn tốt.
Đảm bảo chỉ dẫn phù hợp với độ tuổi của trẻ
Bạn cần đảm bảo rằng trẻ có khả năng làm những gì bạn yêu cầu trẻ làm. Ví dụ, một trẻ 2 tuổi có thể nắm tay bạn trước khi băng qua đường nhưng không thể lau sàn nhà. Bạn hãy nhớ rằng không có khả năng thực hiện khác với không tuân theo/không nghe lời.
Nói với trẻ chính xác hành vi nào bạn muốn thấy.
Lời nói của bạn rất quan trọng. Một chỉ dẫn tốt sẽ cho trẻ biết rõ điều bạn mong đợi. Lời chỉ dẫn cần cụ thể và không được nêu dưới dạng câu hỏi. Mặc dù cha mẹ hàng ngày vẫn nói với trẻ mới biết đi và trẻ mẫu giáo các từ “Không”, “Đừng”, “Dừng” hoặc “Ngừng lại” nhưng các chỉ dẫn này chỉ nói cho trẻ biết những gì trẻ không được làm. Điều này ngăn trẻ thực hiện các hành vi sai một cách tức thời nhưng không nói cho trẻ biết những hành vi nào cha mẹ đang mong đợi ở hiện tại và tương lai. Một lời chỉ dẫn tốt cần:
Cụ thể
Nói với trẻ chính xác những điều bạn muốn trẻ làm. Tránh các chỉ dẫn không rõ ràng như “cần phải tốt”, “ngửa lên” (straighten up) và "dọn dẹp" vì các từ này có thể mang nghĩa khác nhau đối với những người khác nhau. Ví dụ, khi bạn nói “ngửa lên”, bạn có thể muốn trẻ ngừng phun nước, nhưng trẻ có thể nghe thành “đứng thẳng lên”. Hướng dẫn cụ thể trong trường hợp này là “nuốt nước xuống”. Đôi khi các cha mẹ chỉ gọi tên của trẻ khi đưa ra chỉ dẫn. Ví dụ như nếu con trai của bạn, John, đang đập đồ chơi trên bàn, bạn có thể nói "John!" và hi vọng trẻ ngừng đập và tiếp tục chơi với đồ chơi một cách nhẹ nhàng. Để chỉ dẫn này trở nên tốt và cụ thể hơn, bạn có thể nói “Đừng đập bàn nữa. Chơi với đồ chơi của con nhẹ nhàng thôi.”
Đưa ra lời chỉ dẫn dưới dạng câu mệnh lệnh
Nói với trẻ điều cần phải làm thay vì hỏi trẻ có muốn làm điều đó không. Ví dụ, bạn nên nói "Đặt đồ chơi của con vào trong tủ” thay vì nói “Con có muốn để đồ chơi của con vào trong tủ không?” Đôi khi chúng ta đưa ra lời chỉ dẫn nhưng vô tình lại đưa dưới dạng câu hỏi khi sử dụng từ mang tính thoả thuận như “OK”. Ví dụ như “Bây giờ mặc quần áo nhé, được không (OK)?” là một câu hỏi. Các câu hỏi sẽ làm cho trẻ có hai lựa chọn nói “có” hoặc “không”. Nếu bạn muốn con bạn làm theo chỉ dẫn thì bạn cần tránh đưa chỉ dẫn dưới dạng câu hỏi.
Nói cho trẻ biết việc mà bạn muốn trẻ thực hiện
Hãy nói cho trẻ biết chính xác những điều mà bạn muốn trẻ thực hiện. Nếu bạn không chắc phải nói gì để ngăn trẻ thực hiện một hành vi sai trái, bạn thường nghĩ về hướng đối lập của hành vi sai trái đó. Ví dụ như nói “Đừng ném đồ chơi” có thể ngăn trẻ ném đồ chơi tức thời nhưng không dẫn đến điều mà bạn thực sự muốn. Thay vì thế, bạn có thể nói “Con hãy đặt đồ chơi trên bàn” hoặc “Con hãy chơi nhẹ nhàng với đồ chơi của con”.
Đưa ra một chỉ dẫn tại một thời điểm.
Trẻ mới biết đi và trẻ mẫu giáo có một khoảng chú ý rất ngắn. Nếu bạn yêu cầu trẻ làm hơn một thứ, trẻ có thể không nhớ được tất cả các lời chỉ dẫn. Bằng cách đưa ra một chỉ dẫn tại một thời điểm, bạn có thể đảm bảo chỉ dẫn đó là rõ ràng, trẻ có khả năng nhớ và làm theo chỉ dẫn nhiều hơn, và bạn có thể khen ngợi trẻ thường xuyên hơn.
Đưa ra chỉ dẫn bằng một giọng trung tính
Nếu trẻ không làm theo lời chỉ dẫn ngay lập tức, đôi khi bố mẹ sẽ cao giọng và lặp lại lời chỉ dẫn. Thỉnh thoảng, cha mẹ cuối cùng cũng hét lên. Điều này có thể truyền thông điệp rằng trẻ không cần phải làm theo chỉ dẫn cho đến khi cha mẹ hét lên. Để tránh cái bẫy la hét này, bố mẹ nên đưa ra lời chỉ dẫn bằng giọng chắc nịch và trung tính, không la hét hoặc nài xin. Nếu bạn thường xuyên sử dụng giọng trung tính và thực hiện tuân thủ hậu quả khi trẻ không vâng lời thì trẻ sẽ học được rằng bạn nói nghiêm túc trong lần đầu tiên đưa ra chỉ dẫn.
Hãy lịch sự và tôn trọng.
Hầu hết các bậc cha mẹ muốn con cái thực hiện cách cư xử tốt. Một cách để giúp con bạn học được cách cư xử tốt là bạn cần gương mẫu làm các hành vi tốt như lịch sự và tôn trọng khi đưa ra các chỉ dẫn. Ví dụ, bạn có thể bắt đầu lời chỉ dẫn với từ “xin vui lòng/ con hãy” (please). Khi được sử dụng một cách nhất quán, từ “xin vui lòng/ con hãy” có thể trở thành một tín hiệu để trẻ biết cha mẹ sắp đưa ra một chỉ dẫn quan trọng. Giao tiếp bằng mắt và sử dụng giọng nói bình tĩnh để đưa ra chỉ dẫn là những cách khác để làm mẫu cho con về cách cư xử tốt.
Sử dụng cử chỉ.
Đối với trẻ mới biết đi và trẻ mẫu giáo, cha mẹ có thể sử dụng cử chỉ kèm với lời chỉ dẫn để trẻ có thêm hình ảnh trực quan về những điều được mong đợi. Ví dụ, nếu bạn nói “Con hãy đặt các đồ chơi trên sàn nhà vào trong hộp đồ chơi của con”, bạn cần chỉ vào những đồ chơi mà bạn muốn trẻ nhặt lên và sau đó chỉ vào hộp đồ chơi. Bạn có thể đi từ nơi để đồ chơi trên sàn nhà đến hộp đồ chơi trong khi đưa ra lời chỉ dẫn.
Lựa chọn từ ngữ cẩn thận.
Cách cha mẹ dùng từ khi đưa ra lời chỉ dẫn có thể khiến trẻ nghĩ đến ai cần thực hiện chỉ dẫn. Ví dụ, bạn chỉ nên sử dụng từ “chúng ta hãy” trong lời chỉ dẫn nếu bạn định giúp trẻ thực hiện. Nếu bạn nói “chúng ta hãy cất đồ chơi đi”, điều đó có nghĩa là bạn định giúp trẻ cất đồ chơi. Nếu bạn muốn trẻ thực hiện điều bạn yêu cầu, bạn chỉ cần nói “Con hãy cất đồ chơi đi”.
Đưa cho trẻ các lựa chọn nếu có thể
Lựa chọn là một cách tuyệt vời để phát triển tính độc lập của trẻ và dạy trẻ những kỹ năng ra quyết định quan trọng. Lời chỉ dẫn kèm với số lựa chọn giới hạn, chẳng hạn như chỉ có hai lựa chọn, là tốt nhất cho trẻ nhỏ. Ví dụ, nếu bạn muốn con gái bạn sẵn sàng đến trường, bạn có thể đưa ra lựa chọn bằng cách nói “Đến giờ đi học rồi. Con có thể mặc chiếc váy màu vàng hoặc bộ đồ chạy bộ. Con hãy lựa chọn và mặc quần áo vào ngay bây giờ.” Bằng cách đưa ra các lựa chọn, bạn để con gái bạn có cơ hội quyết định xem trẻ muốn mặc gì nhưng bạn vẫn nói cho trẻ biết rằng đã đến giờ thay quần áo. Hãy đảm bảo rằng bạn cảm thấy thoải mái với bất cứ sự lựa chọn nào của con bạn.
Giải thích cẩn thận trước khi đưa ra chỉ dẫn
Một số trẻ có thể muốn biết “tại sao” chúng phải làm điều gì đó. Trẻ có thể hỏi “tại sao” chỉ đơn giản là vì tò mò hoặc bởi vì chúng muốn trì hoãn phải nghe lời. Một cách để tránh vấn đề này là giải thích cho trẻ trước khi đưa ra lời chỉ dẫn. Ví dụ “Đến giờ chúng ta đến cửa hàng rồi. Con hãy đi giầy vào đi.” Nếu trẻ vẫn hỏi tại sao thì có thể là trẻ đang cố gắng trì hoãn làm điều mà bạn yêu cầu trẻ làm. Bạn nên phớt lờ câu hỏi của trẻ và thực hiện tuân thủ hậu quả nếu trẻ vẫn không đi giầy.
Bước 3: Kiểm tra việc tuân thủ
Trong bước này, bạn sẽ kiểm tra xem trẻ có tuân thủ hay làm những điều bạn bảo trẻ làm hay không. Hầu hết trẻ sẽ đáp ứng trong vòng 5-10 giây hoặc trong một khoảng thời gian ngắn sau khi bạn đưa ra chỉ dẫn. Khung thời gian sẽ thay đổi một chút tuỳ theo trẻ và gia đình. Nếu trẻ thực hiện những điều bạn bảo trẻ làm, bạn sẽ thực hiện tuân thủ theo kết quả tích cực, như khen ngợi trẻ (xem bước 4). Nếu trẻ không làm theo chỉ dẫn của bạn trong khoảng thời gian ngắn, bạn vẫn giữ bình tĩnh và thực hiện tuân thủ theo hậu quả tiêu cực (xem bước 4). Việc xác định liệu trẻ có làm theo hướng dẫn của bạn hay không không phải lúc nào cũng dễ dàng, ngay cả khi các chỉ dẫn đã rõ ràng và phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Một số ví dụ như dưới đây:
- Thực hiện khác đi một chút
Đôi khi trẻ đáp ứng với lời chỉ dẫn theo cách khác đi một chút so với điều cha mẹ mong đợi. Ví dụ, cha mẹ bảo trẻ để bút chì màu vào trong tủ nhưng thay vì thế trẻ lại đặt các khối hình vào trong tủ. Điều này được coi là không làm theo chỉ dẫn nếu như bạn chắc chắn rằng trẻ biết phân biệt giữa bút chì màu và các khối hình.
- Dây dưa hoặc trì hoãn.
Đôi khi trẻ không thực hiện những điều bạn nói ngay lập tức. Thay vào đó, trẻ có thể nói “Để một tí nữa” hoặc trẻ có thể bảo bạn là trẻ định làm xong việc gì đó trước khi làm theo yêu cầu của bạn. Loại hành vi này được gọi là dây dưa và là một ví dụ về không làm theo chỉ dẫn.
- Giả vờ không nghe thấy.
Nhiều trẻ phớt lờ lời chỉ dẫn của bố mẹ để cố gắng trì hoãn hoặc tránh phải làm những điều mà bố mẹ yêu cầu. Khi bạn đã làm cho trẻ chú ý và chắc chắn trẻ đã nghe thấy lời chỉ dẫn thì bạn không cần phải lặp lại lời chỉ dẫn. Nếu trẻ không thực hiện trong khoảng thời gian ngắn thì hành vi này nên được xem là không làm theo chỉ dẫn.
- Làm theo một phần chỉ dẫn.
Đôi khi trẻ làm theo một phần chứ không phải toàn bộ lời chỉ dẫn. Ví dụ, bạn bảo trẻ cất đồ chơi đi, trẻ cất búp bê đi nhưng để lại các đồ chơi khác. Đây là một ví dụ về không làm theo toàn bộ chỉ dẫn. Nếu trẻ chỉ thực hiện một phần chỉ dẫn, có lẽ trẻ cần được dạy “cất đồ chơi của con đi” nghĩa là gì. Trong ví dụ này, bạn có thể nói “Con đã cất búp bê tốt rồi. Giờ thì con cất các đồ chơi khác đi. Con hãy đặt các khối hình vào trong hộp đồ chơi”. Tiếp tục theo cách này cho đến khi trẻ hiểu rằng tất cả những thứ đó đều là đồ chơi.
- Làm theo chỉ dẫn với thái độ không tốt.
Đôi khi trẻ làm theo lời chỉ dẫn nhưng với thái độ tiêu cực. Ví dụ, bạn bảo trẻ cất đồ chơi đi. Tuy nhiên, vì trẻ đang rất thích thú chơi đồ chơi nên trẻ dậm chân đi khắp phòng, nhặt đồ chơi lên, ném vào hộp đồ chơi và than vãn: “Con không muốn cất đồ chơi của con”. Mặc dù trẻ làm theo lời chỉ dẫn với thái độ không tốt nhưng trẻ vẫn thực hiện điều mà bạn yêu cầu trẻ làm. Trong trường hợp này, bạn có thể bỏ qua thái độ không tốt đó và để trẻ thấy bạn vui vì trẻ làm theo yêu cầu của bạn. Nếu việc trẻ có thái độ tốt là quan trọng với bạn thì bạn có thể đưa kèm vào thành một phần của lời chỉ dẫn. Ví dụ, bạn có thể nói “Con hãy cất đồ chơi một cách lặng lẽ như bạn chuột nào”. Nhớ rằng tất cả chúng ta, kể cả người lớn, đôi khi cũng phải làm những điều chúng ta không muốn làm và thỉnh thoảng chúng ta cũng làm điều đó với một “thái độ”.
- Không thực hiện
Đôi khi trẻ thử các giới hạn bằng cách lúc đầu làm những điều cha mẹ yêu cầu và sau đó thì không làm. Ví dụ, bạn bảo con trai bạn cất đồ chơi vào trong hộp đồ chơi. Con trai bạn cất đồ chơi nhưng sau đó quyết định lấy hai chiếc xe tải ra khỏi hộp đồ chơi. Trong trường hợp này, trẻ đã làm theo chỉ dẫn của bạn bởi vì trẻ đặt các đồ chơi vào hộp và chỉ dẫn không nêu việc cứ để đồ chơi ở trong hộp (mà không được lấy ra). Nếu trẻ muốn thử các giới hạn bằng cách không thực hiện thì bạn cần đưa ra các chỉ dẫn thực sự cụ thể. Bạn có thể nói với con trai bạn là “Con hãy đặt đồ chơi vào trong hộp đồ chơi và hãy để chúng ở trong hộp.”
Bước 4: Thực hiện hậu quả
Hậu quả có thể là tích cực hoặc tiêu cực. Hậu quả tích cực sẽ cho trẻ biết bạn vui với hành vi của trẻ. Lời khen ngợi gắn với việc trẻ làm tốt, những cái ôm, hoặc đập tay chúc mừng là những ví dụ về hậu quả tích cực và để trẻ biết bạn vui khi trẻ làm theo chỉ dẫn của bạn. Khi bạn khen trẻ, bạn có thể nói “Con đã tự mặc áo một mình rất tốt!” Lời khen này cho trẻ biết chính xác bạn thích điều gì ở hành vi của trẻ.
Hậu quả tiêu cực là những điều bạn làm sau khi trẻ thực hiện hành vi để cho trẻ thấy bạn không hài lòng với hành vi đó. Ví dụ về các hậu quả tiêu cực bao gồm trì hoãn thực hiện quyền lợi nào đó của trẻ và phạt cách ly (time-out). Nếu trẻ không làm theo chỉ dẫn của bạn, bạn có thể cảnh báo trẻ và nói cho trẻ biết điều gì sẽ xảy ra nếu không làm theo lời bạn. Ví dụ, bạn có thể nói “Con hãy nhặt đồ chơi của con lên hoặc con sẽ bị phạt cách ly”. Nếu trẻ vẫn không làm theo chỉ dẫn, bạn cần thực hiện hình phạt ngay lập tức. Khi chỉ dẫn của bạn tốt hơn và trẻ học được cách làm theo chỉ dẫn thì bạn sẽ sử dụng các cảnh báo ít hơn. Ngoài ra, bạn hãy cố gắng tránh lặp lại một chỉ dẫn quá nhiều lần. Cảnh báo và lặp lại chỉ dẫn sẽ làm cho trẻ thấy là trẻ không cần làm theo lời bạn vào lần đầu tiên bạn đưa ra chỉ dẫn. Trẻ sẽ thấy là trẻ chỉ cần nghe lời bạn sau khi bạn cảnh báo hoặc lặp lại yêu cầu. Luôn luôn thực hiện tuân thủ hậu quả nếu trẻ không làm theo chỉ dẫn.
Ngay cả khi trẻ bị phạt, trẻ vẫn cần phải làm theo chỉ dẫn. Sau khi phạt trẻ, bạn nên nói lại yêu cầu để trẻ thực hiện. Nếu trẻ làm theo chỉ dẫn, bạn có thể khen ngợi trẻ vì trẻ đã làm theo lời bạn. Nếu trẻ vẫn không làm theo chỉ dẫn, bạn lặp lại hình phạt để trẻ học được rằng trẻ cần phải làm theo chỉ dẫn để tránh bị phạt. Đây là lý do tại sao bạn cần phải đảm bảo bạn có nhiều thời gian để theo đuổi đến cùng việc thực hiện hậu quả. Bạn có thể tốn nhiều nỗ lực để làm cho trẻ tuân theo các chỉ dẫn của bạn.
Sau khi trẻ đã làm theo chỉ dẫn của bạn và hình phạt đã xong, bạn hãy trở lại tương tác tích cực với trẻ.