Dạy trẻ phòng tránh đuối nước và những kỹ năng cần thiết
Tình trạng đuối nước ở trẻ ngày càng tăng cao, đặc biệt là đối với trẻ chưa được trang bị những kỹ năng phòng chống đuối nước, vì vậy bé chưa thể ứng phó với những nguy hiểm nước. Hãy dạy trẻ những kỹ năng này sớm nhất có thể để bé có thể tự bảo vệ bản thân mình trước những nguy hiểm tiềm tàng của nước.
Dạy bơi cho trẻ từ khi còn nhỏ
Bơi là một trong 5 kỹ năng sinh tồn cơ bản đặc biệt quan trọng đối với mỗi con người. Đặc biệt ở các nước phương Tây, bố mẹ thường cho trẻ học bơi từ rất sớm, chỉ từ 3 tháng tuổi bé đã bắt đầu được tiếp xúc với việc học bơi. Bơi lội có thể giúp con có một thể chất khỏe mạnh, cao lớn, tinh thần vui vẻ, giảm stress. Ngoài ra nhiều chứng minh cho thấy bơi lội giúp con trẻ thông minh, tập trung và học tập tốt hơn.
Ở Việt Nam, một đất nước có bờ biển trải dài để vui chơi, suối, sông hồ nhiều và đẹp thường gây sự tò mò cho trẻ đến chơi, đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều tai nạn bất ngờ có thể xảy ra. Vì vậy bố mẹ cần dạy bơi cho trẻ khi còn nhỏ để đảm bảo an toàn cho con và giúp con phát triển tốt hơn.
Bố mẹ hãy bắt đầu cho trẻ làm quen với nước, cho trẻ vui chơi với nước để trẻ yêu thích việc bơi lội, sau đó hãy cho trẻ học bơi. Điều này sẽ giúp trẻ thích thú hơn với bơi lội, tạo động lực cho bé thay vì dồn dập bắt trẻ học bơi ngay từ những ngày đầu. Khi dạy con bơi, bố mẹ nên chú ý dạy con cử lý các tính huống bất ngờ khi đang bơi dưới nước như không may bị chuột rút. Cần khởi động trước khi xuống nước để hạn chế chuột rút, bong gân hay đau sau bơi, đồng thời cũng giúp con dễ dàng vận động, linh hoạt hơn khi bơi.
Dạy con kỹ năng nhận biết nguy hiểm
Nhiều trẻ vẫn chưa được trang bị kỹ năng sống không chơi ở nơi nguy hiểm, đặc biệt là khu vực sông nước, hơn nữa cơ thể của trẻ cũng rất yếu nên sẽ rất dễ bị ảnh hưởng bởi các tác nhân của nước. Vì vậy bố mẹ cần dạy cho con biết các tác nhân nguy hiểm dưới nước, giúp con nhận thức một cách rõ ràng khi nào là nguy hiểm để con đề phòng và cảnh giác.
Có rất nhiều hiện tượng nguy hiểm trên nước khó có thể lường trước được, tuy nhiên bố mẹ hãy giáo dục con từ nhỏ những hiện tượng sau đây để con có thể tự bảo vệ bản thân mình.
- Lũ lụt: Việt Nam thường xuyên hứng chịu những cơn bão hoặc lũ lụt kéo dài, đặc biệt là những khu vực ven sông, miền trung. Hiện tượng này có thể kéo dài và thường bất ngờ gây thiệt hại về người và tài sản. Vì vậy nó rất nguy hiểm đối với người dân, đặc biệt là với trẻ. Vì vậy bố mẹ cần dạy con những cách ứng phó với lũ lụt và chuẩn bị sẵn những phao cứu hộ ngay trong nhà để đề phòng lũ.
- Dòng chảy xa bờ: Là dòng chảy kéo người ra xa bờ, khi đó người sẽ cố bơi ngược dòng nước dẫn đến kiệt sức và bị đuối nước. Dòng nước xiết chảy từ bờ biển thường sẽ kéo người ra xa bờ, đưa những vật nó cuốn được vào sóng bạc đầu và trở lại vào bờ. Điều này là một trong những tác nhân nguy hiểm khi đi bơi ở biển dẫn đến nhiều tình trạng đuối nước. Bố mẹ cần dạy con cách phân biệt dòng nước xiết là dành 5 đến 10 phút để quan sát dòng chảy xa bờ ở biển, dòng chảy có màu sậm vì ở đó nước sâu hơn, mặt nước thường có sóng nhỏ và tương đối lặng, có thể thấy một số mảnh vỡ hay bọt nước nổi lên trên mặt dòng chảy và trôi ra biển.
- Nước dâng do bão: Bão là một trong những nguyên nhân khiến mực nước biển dâng kèm sóng lớn gây nguy hiểm. Vì vậy bố mẹ hãy cho con biết nên hạn chế đi biển nếu đang trong lúc có bão hoặc sắp bão.
- Sóng thần: Là đợt sóng mạnh, di chuyển với vận tốc nhanh, gây lũ lụt sâu vào đất liền có thể lên đến 305m. Sóng thần cuốn trôi người và tài sản. Đến nay vẫn chưa có những dấu hiệu cụ thể để nhận biết sóng thần, vì vậy hãy dạy trẻ cách chú ý theo dõi tin tức thời tiết, động đất, bởi vì động đất có thể là dấu hiệu mà sóng thần tạo ra cách xa hàng dặm. Đồng thời quan sát một số hiện tượng bất thường như nước rút nhanh bất ngờ trong thời gian không phải là thủy triều.
- Dòng nước chảy xiết (xoáy nước): Là hiện tượng nước bị cản lại không thể chảy về phía trước nhưng phía sau lại có dòng nước khác chảy mạnh khiến xuất hiện xoáy nước. Xoáy nước thường xảy ra ở những nơi quanh co, khúc sông gấp khúc như cọc gỗ, mỏm đá, và dễ dàng nhận biết khi quan sát thấy dòng nước chảy đột ngột thay đổi về tốc độ và phương hướng.
Bên trên là một số nguy hiểm có thể xảy ra khi chơi dưới nước, ngoài ra còn rất nhiều nguy hiểm không thể lường khác. Bố mẹ hãy dạy con những cách nhận biết chúng một cách rõ ràng bằng những video hình ảnh. Đồng thời hãy phân tích mức độ nguy hiểm của chúng cho con hiểu được.
Học kỹ năng xử lý khi bị đuối nước
Bất ngờ rơi xuống nước là trường hợp khiến nhiều người không kịp phản ứng và bị hoảng loạn, đặc biệt là trẻ nhỏ, do vậy dạy trẻ phòng tránh đuối nước không thể bỏ qua các kiến thức và kỹ năng xử lý khi bị đuối nước. Đối với những người biết bơi khi gặp phải tình huống bất ngờ vẫn có thể bị đuối nước nếu không có những kỹ năng xử lý kịp thời. Vì vậy bố mẹ cần dạy con những kỹ năng xử lý như sau:
- Bình tĩnh, không hoảng loạn: Nhiều người bị đuối nước sẽ có tinh thần rất hoảng loạn, thường dãy giụa, điều này sẽ làm cơ thể mất kiểm soát và chìm xuống sâu hơn.
- Làm cho cơ thể nổi lên: Cơ thể chúng ta vốn có thể nổi lên mặt nước nếu biết kiểm soát, cơ thể sẽ như một cái phao tự động nổi lên. Hãy nhắm mắt, bịt miệng nín thở và thả lỏng cơ thể.
- Làm nổi phần đầu để hít thở: Sau khi cơ thể đã dần dần nổi lên ở tư thế sấp, bấp bênh, bán an toàn, đầu nổi gần sát mặt nước. Hãy dùng tay và chân như một mái chèo để quạt nước và đẩy đầu lên trên để hít thở.
- Cách hít thở: Khi đã ngoi lên được mặt nước, hãy liên tục ngoi lên ngụp xuống để thở, đặc biệt lúc ngoi lên cần hít sâu bằng cả miệng và mũi và thở ra bằng mũi dưới mặt nước khi ngụp xuống.
- Cầu cứu: Khi ngoi lên hãy cố gắng đưa ra tín hiệu để những người khác thấy và cứu mình. Có thể giơ tay, đập tay xuống mặt nước để tạo tiếng động và hét to kêu cứu.
Lưu ý rằng hãy luôn bình tĩnh để xử lý tình huống và thả lỏng toàn bộ cơ thể để giữ cân bằng. Đặc biệt những thao tác cần thực hiện nhẹ nhàng, không quẫy mạnh làm mất sức. Bố mẹ có thể tập cho con kỹ năng này ngay tại hồ bơi để con quen dần với nước và kết hợp nhịp nhàng với kỹ năng để tự cứu bản thân mình.
Nếu không có điều kiện tập cho trẻ tại các hồ bơi, bố mẹ có thể dạy trẻ kỹ năng xử lý đuối nước ngay tại nhà bằng các cách sau:
- Tập hít thở: Đặt một chậu nước vừa tầm và bắt trẻ hít sâu lấy hơi rồi nhúng ngập mặt vào chậu nước, sau đó thở ra bằng mũi, khi dần hết hơi thì dạy trẻ nghiêng đầu sang trái hoặc phải để phần mũi và miệng từ từ nhô khỏi mặt nước. Sau đó há miệng to để lấy hơi hít vào rồi tiếp tục ngụp xuống nước.
- Giúp trẻ không hoảng loạn: Bố mẹ có thể tập luyện kỹ năng này với con ngay tại nhà chỉ với một vài động tác. Xả nước lên đầu trẻ để trẻ cảm nhận nước bắn vào tai, vào mắt và mũi,… Sau đó để bé thả mình vào bồn tắm và cảm nhận sự bấp bênh của nước tạo ra cho cơ thể. Có thể cho bé ngập đầu trong bồn tắm để bé cảm nhận các bộ phận cơ thể chìm trong nước không đáng sợ và từ đó dần dần giữ được bình tĩnh khi trong nước. Sau đó là tập hít thở.
Lưu ý rằng bố mẹ nên chỉ cho phép con luyện tập khi có sự giám sát của bố mẹ hoặc người lớn, luôn theo dõi sát sao trong quá trình con tập làm quen xử lý tình huống đuối nước.
Dạy trẻ kỹ năng xử lý khi người khác bị đuối nước
Khi con trẻ gặp người đuối nước, nếu con không biết xử lý kịp thời có thể làm mất “thời gian vàng” để cứu người. Đôi khi còn có thể ảnh hướng đến tính mạng của con. Nguyên tắc để xử lý khi người khác bị đuối nước là cần đưa người ra khỏi nước và cung cấp oxi cho họ.
Đưa người ra khỏi mặt nước:
- Cầu cứu: Bình tĩnh, hô lớn báo động để có người giúp đỡ.
- Sử dụng các vật cứu trợ: Hãy tìm những vật có thể nổi trên mặt nước như khúc gỗ, phao,…ném xuống để người đuối nước có thể bám vào chúng và nổi lên khỏi mặt nước.
- Sử dụng vật dụng để kéo: Nếu có thể hãy tìm cây, dây thừng để người đuối nước nắm vào và kéo người đó lên. Lưu ý rằng hãy đảm bảo rằng con có đủ sức để kéo người đó lên và đứng cách mép nước một đoạn để không bị kéo xuống nước. Nếu con không thể kéo lên, hãy cột dây vào gốc cây hoặc vật nào đó để đảm bảo rằng người đó có thể bám vào dây để nổi lên.
- Không nhảy xuống nước nếu không biết bơi: Con không biết bơi, nếu nhảy xuống nước để ứng cứu sẽ rất nguy hiểm. Vì vậy tuyệt đối không tự ý nhảy xuống nước để cứu thay vào đó hãy gọi người lớn đến cứu.
Ngoài cách ứng cứu, sơ cứu nạn nhân cũng rất quan trọng để có thể cứu bạn nhân khỏi tình trạng nguy hiểm. Dưới đây là một số cách sơ cứu mà bố mẹ cần biết và hướng dẫn trẻ từ sớm.
- Tư thế: Đặt nạn nhân nằm ngửa ở mặt phẳng cứng, thoáng khí.
- Kiểm tra tình trạng nạn nhân: Quan sát sự di chuyển lồng ngực của nạn nhân để xem xét xem nạn nhân có còn thở hay không hoặc có thể sử dụng tai để nghe nhịp tim của nạn nhân có còn đập hay không.
- Nếu nạn nhân còn tự thở được: Đặt nạn nhân ở một tư thế an toàn, nằm nghiêng sang một bên để chất nôn dễ thoát ra ngoài và không bị trào ngược lại. Sau đó làm ấm cơ thể nạn nhân bằng cách cởi bỏ quần áo ướt và nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất.
- Tim vẫn đập nhưng nạn nhân không thể thở: Hô hấp nhân tạo cho nạn nhân bằng cách bịt mũi nạn nhân, hà hơi thổi ngạt miệng thổi miệng cho nạn nhân 2 hơi đầy. Sau đó để lồng ngực tự xẹp và thỏi tiếp lần thứ 2.
- Nạn nhân tím tái, tim ngừng đập:
- Bước 1: Cần khai thông đường thở ngay vì có thể một số dị vật có thể mắc trong miệng nạn nhân gây ra tình trạng nạn nhân không thể thở được. Khắc phục tình trạng này bằng cách dùng khăn hoặc gạc móc đờm, dãi, dị vật ra khỏi miệng.
- Bước 2: Ngay lập tức sơ cứu bằng cách ấn tim ngoài lồng ngực bằng cách dùng một tay (đối với trẻ dưới 8 tuổi) hoặc hai tay chồng lên nhau (đối với nạn nhân từ 8 tuổi trở lên), đặt ở vị trí nữa xương ức và ấn khoảng 100 lần/1 phút.
- Bước 4: Nếu chỉ có một người cấp cứu cần ấn tim ngoài lồng ngực 15 đến 30 nhịp trước rồi mới hà hơi thổi ngạt 2 lần. Liên tục thực hiện 2 phương pháp kết hợp luân phiên nhau. Nếu có 2 người cấp cứu thì một người ấn tim và một người hô hấp nhân tạo cho nạn nhân. Thực hiện đến khi nạn nhân tỉnh lại.
- Bước 5: Đưa nạn nhân đến cơ sở y tế: Đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất khi nạn nhân tỉnh lại để kiểm tra phổi và các tổn thương và các vấn đề khác.
Lưu ý rằng các động tác cần thực hiện nhịp nhàng và không quá mạnh bạo, tránh làm gãy xương nạn nhân.
Xem thêm: Dạy trẻ phòng tránh điện giật với 10+ kỹ năng “vàng” sau đây!
Luôn mang phao khi bơi lội
Phao là dụng cụ an toàn giúp bé phòng tránh các trường hợp đuối nước tốt nhất đặc biệt là ở những trẻ không biết bơi và có chiều cao thấp. Tuy nhiên vẫn có nhiều trường hợp đuối nước trong khi đó bé vẫn biết bơi, nguyên nhân có thể là do bé bị chuột rút, chủ quan,… Vì vậy hãy dạy con luôn mang phao khi bơi lội là một điều rất cần thiết.
Ngoài ra bố mẹ cần phải trang bị áo phao phù hợp cho con để con có thể dễ dàng sử dụng và không bị cản trở các hoạt động ở dưới nước. Những trẻ dưới 2 tuổi, bố mẹ nên chọn những áo phao dạng vòng cổ, còn đối với trẻ trên 3 tuổi nên chọn những áo phao chuyên dụng, có thể sử dụng dạng áo phao có tay để nâng đỡ bé tốt hơn.
Nguyên nhân nào khiến thực trạng trẻ bị đuối nước vẫn diễn ra thường xuyên?
Ngoài những kỹ năng cần trang bị cho bé tránh đuối nước, bố mẹ cũng cần biết được những nguyên nhân và thực trạng đuối nước hiện nay để phòng tránh và giáo dục cho bé. Hãy cho trẻ biết được những nguyên nhân, địa điểm mà trẻ rất dễ bị đuối nước để trẻ đề phòng và cẩn thận hơn khi chơi và đến gần những khu vực này.
Tai nạn đuối nước xảy ra ở đâu:
- Sông hồ, ao suối: Sông hồ, ao suối là những hệ sinh thái nước dễ dàng tìm thấy ở nước ta. Vì vậy nó rất quen thuộc và là địa điểm lý tưởng để các trẻ em vui chơi, tắm và thường không được cảnh giác. Đặc biệt là những khúc sông sâu, thác chảy mạnh, dòng nước cuồn cuộn rất nguy hiểm.
- Bể bơi, bãi biển: Bể bơi, bãi biển là một trong những địa điểm vui chơi quen thuộc của nhiều trẻ em, đặc biệt vào dịp mùa hè, các gia đình thường cho con vui chơi ở các địa điểm này. Bởi một số lơ là, mất cảnh giác của người lớn mà những khu vực này thường xuyên xảy ra những tai nạn đuối nước.
- Ngay trong gia đình: Trẻ em thường thích nghịch nước và vui chơi cùng nước. Vì vậy bồn tắm, xô chậu có nước,… Đây là những trường hợp mà bố mẹ thường rất ít cảnh giác vì nghĩ ít nước sẽ không ảnh hưởng đến trẻ. Tuy nhiên đã có nhiều trường hợp tai nạn thương tâm xảy ra mà không thể lường trước được.
- Các gia đình ở vùng sông nước: Đối với những trẻ có gia đình ở vùng sông nước đã rất quen thuộc với nước. Tuy nhiên nhiều trẻ vẫn chưa được ý thức được mối nguy hiểm cùng với một vài phút mất cảnh giác của bố mẹ mà có thể gặp phải tình trạng đuối nước.
Những nguyên nhân khiến trẻ bị đuối nước:
- Trẻ hiếu động, tò mò: Trẻ em thường rất hay hiếu động, bố mẹ thường xuyên cấm con chơi với nước khiến con trẻ vô cùng tò mò. Cùng với việc không biết bơi, không được hướng dẫn các kỹ năng và sự nguy hiểm của nước khiến trẻ dễ dàng gặp phải các tình trạng đuối nước. Nhất là vào các dịp hè trẻ nghỉ học, nghỉ hè, có nhiều thời gian vui chơi.
- Trẻ chưa được trang bị kỹ năng bơi và an toàn nước: Khi không may gặp phải các tình huống bất ngờ và vấn đề dưới nước, trẻ không biết bơi và không được trang bị đầy đủ những kỹ năng ứng phó sẽ rất dễ bị đuối nước. Ví dụ không biết bơi và không may bị ngã xuống nước, lặn quá sâu và không ngoi lên được, bị chuột rút, ngất đột ngột khi gặp nước, bơi dài bị mệt, mất nhiệt do lạnh,… Vì vậy cần phải trang bị cho bé những kỹ năng bơi và xử lý các tình huống bất ngờ trên.
- Sự lơ là của bố mẹ, người lớn: Nhiều trẻ vẫn chưa thể biết được mối nguy hiểm của nước và tính tò mò nghịch ngợm của mình. Cùng với sự lơ là của bố mẹ, không quan sát kỹ con khi con vui chơi gần những nơi có nước khiến cho trẻ gặp tình trạng đuối nước. Ví dụ trẻ không may bị ngã vào xô nước, bồn tắm, trượt chân rơi xuống hồ nước,…
- Môi trường sống: Môi trường sống xung quanh cũng ảnh hưởng rất lớn, gây ra những nguyên nhân đuối nước ở trẻ. Những gia đình trữ nước bằng chum, vại, bể nước, giếng nước không an toàn. Hoặc những gia đình sống gần sông nước cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ dễ bị đuối nước. Ngoài ra tình trạng xây dựng các công trình, khai thác, đào bới cũng với sự vô ý thức của con người, không rào chắn kỹ càng đã để lại những hố sâu gây nguy hiểm dễ gây các tai nạn đuối nước.
Xem thêm: Kỹ năng sống phòng chống xâm hại trẻ em THIẾT YẾU NHẤT
Những lưu ý khác về trách nhiệm của gia đình trong việc phòng chống tai nạn nước cho trẻ
Những tường hợp đuối nước của trẻ khó lường trước được, bố mẹ cần phải hết sức cảnh giác và có trách nhiệm đối với con trẻ. Dưới đây là một số lưu ý mà bố mẹ, gia đình nên ứng dụng ngoài việc giáo dục kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ.
Không để trẻ tự ý vui chơi khi trẻ chưa đủ nhận thức
Khi trẻ còn nhỏ trẻ sẽ chưa đủ nhận thức được mức độ nguy hiểm khi bị đuối nước. Vì thường xuyên thấy người lớn chơi với nước trẻ cũng chỉ nghĩ đó là việc hết sức bình thường. Vì vậy bố mẹ cần phải quan sát con thật kỹ và không để con tự ý vui chơi khi chưa đủ nhận thức để phòng tránh những tai nạn bất ngờ xảy ra khiến con không thể tự ứng cứu cho bản thân mình.
Ngoài ra những kiến thức về đuối nước, cách phòng tránh và sơ cứu là rất cần thiết mà bố mẹ nên dạy con ngay từ nhỏ để con có thể nhận thức được tính nguy hiểm cũng như các mức độ an toàn khi tham gia chơi với nước.
Cha mẹ cũng cần học bơi và sơ cứu
Bố mẹ biết bơi sẽ là động lực giúp con trẻ học bơi lội để vui chơi cùng bố mẹ. Khi bố mẹ biết bơi và biết sơ cứu đuối nước, đây sẽ là những hình ảnh trực quan hữu ích và hiệu quả nhất khi dạy trẻ phòng tránh đuối nước, con trẻ chắc chắn sẽ tiếp thu tốt hơn so với học lý thuyết hay qua sách báo. Hơn nữa, bố mẹ làm gương cho con trẻ là một việc rất cần thiết.
Ngoài ra biết bơi và biết sơ cứu cũng là những kỹ năng cơ bản dành cho bố mẹ để có thể xử lý các tình huống đuối nước xảy ra xung quanh mình. Đặc biệt là có thể ứng cứu kịp thời, bảo vệ tính mạng của con và gia đình khi con trẻ không may bị đuối nước.