Thừa cân - béo phì (TC-BP) đang gia tăng trên toàn cầu, không những ở người lớn mà cả ở trẻ em. TC-BP ở trẻ em đã trở thành một đại dịch ở một số nước và đang gia tăng nhanh chóng ở nhiều nơi khác nhau. Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hiện nay có khoảng 17,6 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị thừa cân. Trong số 155 triệu trẻ 6-17 tuổi bị thừa cân (chiếm khoảng 10%) có 30-45 triệu (2-3%) trẻ bị béo phì. TC-BP trẻ em xảy ra ở khắp các châu lục, với hơn 30% ở châu Mỹ, khoảng 20% ở châu Âu và dưới 10% ở các nước châu Á – Thái Bình Dương.
Béo phì ở trẻ em có liên quan đến các rối loạn về chuyển hóa, tăng huyết áp, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh đái tháo đường, tim mạch và các bệnh mạn tính khác ngay lúc còn nhỏ cũng như khi trưởng thành. Chỉ số khối cơ thể (BMI) là một yếu tố dự báo cả mức glucose và insulin máu. Béo phì bắt đầu khi còn nhỏ thường dẫn tới tình trạng insulin máu cao, dần dần mất kiểm soát glucose máu và không dung nạp glucose khẩu phần và hậu quả tất yếu là đái tháo đường typ 2. Béo phì ở trẻ em có liên quan tới tăng triglyceride và giảm mức HDL-Cholesterol, và có tới 30% trẻ béo phì bị tăng huyết áp. Nghiên cứu của Yoshinaga (2005) cho thấy có 17,7% trẻ béo phì mắc hội chứng chuyển hóa, con số này ở Mỹ 28,7% và Trung Quốc 27,7%.
Có nhiều yếu tố phức tạp tác động vào quá trình dẫn đến TC-BP như mất cân bằng năng lượng, di truyền, tâm sinh lý, kinh tế xã hội… nhưng nguyên nhân cơ bản là do các thay đổi về môi trường và hành vi, trong đó khẩu phần ăn dư thừa năng lượng và thiếu hoạt động thể lực là 2 yếu tố quan trọng nhất. Khi còn nhỏ, sự phát sinh béo phì thường kèm theo tăng số lượng tế bào mỡ, trong khi ở người lớn bị béo phì lần đầu thì chỉ tăng lượng mỡ chứa trong các tế bào mỡ. Nghiên cứu ở Nhật Bản cho thấy có đến 30% trẻ béo phì sẽ trở thành người béo khi trưởng thành kèm theo các rối loạn bệnh lý có liên quan khác.
Ở Việt Nam, TC-BP đang gia tăng ở cả trẻ em và người trưởng thành trong những thập kỷ gần đây, đặc biệt là tại các thành phố lớn. Các nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng cho thấy tỷ lệ TC-BP ở trẻ 6-17 tuổi tại các trường tiểu học Hà Nội đã tăng từ 2,6% năm 1995 lên 5,6% năm 2000 ở tất cả các nhóm tuổi. Tỷ lệ này cao nhất ở học sinh 6-10 tuổi, 8,8- 9,9%, ở trẻ nam cao hơn trẻ nữ và cao hơn tại các quận nội thành so với các khu vực xa trung tâm (12,2% so với 4,6%). Một nghiên cứu tại BV Bạch Mai 1996-1997 đã cho thấy có 18,36% trẻ dưới 15 tuổi tới khám bệnh bị TC-BP. Tại Nha Trang, tỷ lệ TC-BP tăng nhanh từ 2,7% năm 1997 lên 5,88% năm 2001 ở học sinh tiểu học với tỷ lệ cao nhất ở nhóm 10-11 tuổi. Tại Hải Phòng: tỷ lệ TC-BP là 6,2% ở trẻ 6-11 tuổi, trong đó trẻ trai 7,2% và gái 5,15, có 16,8% trẻ béo phì bị tăng huyết áp, so với 3,2% ở trẻ bình thường. Tại Buôn Ma Thuật, tỷ lệ TC-BP là 10,4% ở học sinh 6-11 tuổi và cao nhất là 18,2% ở trẻ 10 tuổi. Các nghiên cứu tại thành phố Hồ Chí Minh cho thấy tỷ lệ TC-BP ở học sinh 6-11 tuổi từ 12,2% năm 1997 đã tăng rất nhanh lên tới 38,5% năm 2012; tỷ lệ TC-BP ở học sinh trung học cơ sở năm 2012: 22,6%, trung học phổ thông: 11,8%.
Theo số liệu tổng điều tra của Viện Dinh dưỡng (2000 và 2010), tỷ lệ TC-BP ở trẻ dưới 5 tuổi tăng từ 2,5% lên 5,6%, trong đó khu vực thành thị tăng từ 0,86% lên 6,5% và khu vực nông thôn từ 0,5% lên 4,2%. Số liệu của Viện Dinh dưỡng 2012 cho thấy tỷ lệ TC-BP ở học sinh tiều học Hà Nội là 28-30%. Như vậy có thể thấy, TC-BP đang gia tăng nhanh chóng ở tất cả các nhóm tuổi, cao nhất ở học sinh tiểu học 6-11 tuổi; Và, những trẻ TC-BP ở tuổi mầm non có nguy cơ tiếp tục trở thành béo phì ở tuổi học đường và tuổi trưởng thành.
Bên cạnh đó, các bệnh mạn tính có liên quan cũng được ghi nhận là vấn đề sức khỏe cộng đồng đang gia tăng ở Việt Nam, đặc biệt ở khu vực thành thị nơi mà tỷ lệ TC-BP đang gia tăng nhanh. Nghiên cứu trên học sinh 6-11 tuổi ở Hà Nội trong 3 năm (Lê Thị Hải, Viện Dinh dưỡng, 2000-2003) đã cho thấy tỷ lệ tăng huyết áp ở trẻ TC-BP tăng từ 16,6% năm 2000 lên 22,8% năm 2003, đau khớp gối tăng từ 4,5% năm 2000 lên 11,6% năm 2003. Nghiên cứu của Đặng Thị Phương Hà (Viện Dinh dưỡng, 2007) cho thấy, trong số trẻ TC-BP có 26% bị tăng huyết áp, 43,5% glucose máu lúc đói cao, 34,8% cholesterol máu cao và 84,6% trẻ TC-BP 10 tuổi mắc hội chứng chuyển hóa.
Chế độ ăn cung cấp năng lượng đầu vào cho cơ thể đóng vai trò quan trọng trong cân bằng năng lượng. Chế độ ăn giàu lipid hoặc nhiều tinh bột, đặc biệt nhiều đường ngọt, bánh kẹo, nước ngọt có liên quan chặt chẽ với sự gia tăng tỷ lệ TC-BP. Sự xuất hiện ngày càng phổ biến các loại thứa ăn nhanh chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ ở các thành phố lớn là một yếu tố góp phần làm gia tăng TC-BP. Một nghiên cứu tại trẻ mầm non Hà nội cho thấy tần xuất tiêu thụ các thực phẩm giàu năng lượng trên 5 lần/tuần ở nhóm TC-BP cao hơn nhóm chứng (bánh kẹo 21,8% và 6,4%, nước ngọt 10,9% và 1%, dầu mỡ 28,7% và 13,4%). Trong khi đó sử dụng rau xanh trên 5 lần/tuần ở nhóm chứng lại cao hơn nhóm TC-BP (46% và 33,7%). Cách chế biến thức ăn như xào, rán trên 5 lần/tuần ở nhóm TC-BP cao hơn hẳn (30,7% và 4,5%); Nhóm TC-BP có thói quen ăn nhanh, ăn nhiều và ăn bữa phụ đêm nhiều hơn nhóm chứng.
Cùng với ăn uống dư thừa năng lượng, lối sống tĩnh tại, ít hoạt động thể lực làm giảm tiêu hao năng lượng cũng có vai trò quan trọng làm mất cân bằng năng lượng và tăng tình trạng TC-BP. Cuộc sống hiện đại với nhiều phương tiên đi lại cơ giới làm giảm việc đi bộ, đi xe đạp, các phương tiện giải trí công nghệ cao cũng làm cho thời gian xem TV, chơi trò chơi điện tử, hay đọc chuyện trên mạng nhiều hơn. Bên cạnh đó, không gian vui chơi bị thu hẹp lai, nhiều nơi ở thành phố lớn không có sân chơi cho trẻ em, làm cho các hoạt động vui chơi tăng cường thể lực dần được thay thế bằng các trò chơi tĩnh tại. Nghiên cứu của Trần Thị Phương Nguyệt (Đại học Y Hà Nội) cho thấy nhóm trẻ không tham gia các hoạt động thể dục thể thao có nguy cơ bị TC-BP 3,3 lần cao hơn so với nhóm bình thường. Thời gian xem TV/ngày của nhóm TC-BP nhiều hơn nhóm bình thường (85 phút và 48 phút). Nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng 2011 trên trẻ mầm non cho thấy các thông số hoạt động thể lực của trẻ TC-BP tương đương với trẻ bình thường, do đó khẩu phần ăn quá dư thừa có thể là nguyên nhân chính gây TC-BP. Như vậy can thiệp vào chế độ ăn của trẻ càng trở lên cần thiết.
Rõ ràng là TC-BP và các bệnh mạn tính có liên quan đang trở thành vấn đề sức khỏe cộng đồng ở Việt Nam, cần được nghiên cứu và đề ra các chiến lược chủ động phòng chống phù hợp. Các biện pháp hữu hiệu có thể gồm can thiệp sớm bằng chế độ ăn uống hợp lý kết hợp với luyện tập thể lực ngay từ thuở ấu thơ cho đến các giai đoạn sau của cuộc đời.