Suy dinh dưỡng, một từ hay dùng để chỉ những trẻ thiếu cân nặng chiều cao. Trong thời điểm hiện tại, khi bạn có đầy đủ các phương tiện để tiếp cận thông tin, thì việc để cho con mình mắc phải chứng suy dinh dưỡng là một điều vô cùng đáng tiếc.
Phần 1 sau đây của imom.vn sẽ cung cấp cho các bạn các thông tin về:
- Nguyên nhân gây ra chứng suy dinh dưỡng
- Các biểu hiện bên ngoài của trẻ suy dinh dưỡng
- Hậu quả của trẻ mắc chứng suy dinh dưỡng
Các nguyên nhân chủ yếu gây ra suy dinh dưỡng cho trẻ dưới 5 tuổi (đặc biệt là dưới 3 tuổi)
Ở đây chúng tôi sẽ ít nói đến một số nguyên nhân khách quan gây ra suy dinh dưỡng liên quan đến thể trạng của trẻ như là:
- Việc trẻ bị suy dinh dưỡng do sinh non, sinh thiếu cân
- Suy dinh dưỡng từ bào thai
- Khi sinh ra đã bị một số dị tật như sứt môi, hở hàm ếch hoặc tim bẩm sinh.
Chúng tôi sẽ chia sẻ cho các bạn các nguyên nhân chủ yếu đến từ việc các bậc cha mẹ chưa được trang bị đầy đủ thông tin về dinh dưỡng khi chăm sóc cho bé hoặc nuôi con sai phương pháp.
Cụ thể như sau:
Suy dinh dưỡng do không hấp thu được một số chất dinh dưỡng
Một số trẻ do thể trạng (cơ địa) mà không hấp thu được một hoặc một số nhóm chất dinh dưỡng nhất định có trong sữa mẹ, đồ ăn dặm hoặc các thực phẩm hàng ngày. Việc kém hấp thụ có thể biểu hiện ở mức nặng như dị ứng hoặc biểu hiện ở mức khó phát hiện và gây ra chứng suy dinh dưỡng. Ở các nước phát triển, những trẻ này đều được phát hiện sớm và có một chế độ ăn riêng biệt hoắc các loại thực phẩm đặc biệt nhằm bổ sung đầy đủ các nhóm chất kém hấp thụ.
Suy dinh dưỡng do thay thế sữa mẹ không đúng cách
Khi cảm thấy mẹ thiếu sữa, không đủ cho con bú, một số cha mẹ cho con ăn các loại thực phẩm thay thế sữa mẹ khác mà không đảm bảo đủ chất dinh dưỡng như ăn cháo đường, sữa bò pha loãng, sữa bột không lựa chọn … Điều này gây ra một sai lầm vô cùng nghiêm trọng đối với sức khỏe của trẻ bởi những loại thực phẩm nêu trên không những không cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ mà còn gia tăng nguy cơ nhiễm khuẩn ở trẻ mà cụ thể là khiến trẻ bị tiêu chảy.
Suy dinh dưỡng do ăn dặm không đúng cách
Một số cha mẹ cho trẻ ăn dặm quá sớm (dưới 4 tháng) hoặc quá muộn và cho ăn dặm không đúng cách.
Việc cho con ăn dặm quá sớm dẫn tới trẻ sẽ bú mẹ ít hơn, từ đó gây ra tình trạng thiếu dinh dưỡng và làm cho chức năng miễn dịch của trẻ giảm sút. Hơn nữa, tại thời điểm ăn dặm sớm, hệ tiêu hóa của trẻ còn non nớt, trẻ sẽ dễ bị dị ứng với một số thành phần có trong thức ăn, cũng như chưa hấp thu được đủ chất dinh dưỡng có trong thức ăn.
Bên cạnh đó, việc cho ăn dặm quá muộn cũng gây ra tình trạng suy dinh dưỡng do từ 6 tháng tuổi trở đi, sữa mẹ không thể đáp ứng được hết nhu cầu dinh dưỡng ở trẻ.
Suy dinh dưỡng do cai sữa mẹ quá sớm
Việc cai sữa mẹ quá sớm (dưới 1 năm tuổi) cũng là một nguyên nhân làm tăng nguy cơ suy dinh dưỡng ở trẻ. Các mẹ không nên cai sữa khi trẻ chưa biết ăn dặm bổ sung dinh dưỡng, khi trẻ bị ốm hay vào những thời điểm khí hậu khắc nghiệt. Các khuyến cáo từ các tổ chức dinh dưỡng là nếu bạn có thể thì nên cho trẻ bú tới 24 tháng tuổi (2 tuổi).
Suy dinh dưỡng do được chăm sóc không đúng cách khi trẻ mắc bệnh
Một số cha mẹ hiểu sai về bệnh của trẻ dẫn đến tình trạng bắt trẻ kiêng khem quá nhiều trong thời kỳ trẻ bị bệnh tật, ốm yếu. Ví dụ như khi trẻ mắc bệnh tiêu chảy các mẹ lại không cho trẻ ăn trứng hay cá hoặc bất cứ một món đồ nào khác ngoại trừ cháo trắng nêm một chút gia vị là muối hay nước mắm.
Suy dinh dưỡng do trẻ biếng ăn & lười ăn
Đây là nguyên nhân khá phổ biến mà nhiều gia đình gặp phải. Mỗi bữa ăn làm một lần cha mẹ phải “chiến đấu” với trẻ. Chứng suy dinh dưỡng ở những trẻ biếng ăn & lười ăn là rất phổ biến. imom.vn chia sẻ với các bạn một số nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng biếng ăn/lười ăn ở trẻ.
- Trẻ thường xuyên mắc các bệnh như sởi, ho gà, viêm phổi, lao, hội chứng lỵ… dẫn đến tình trạng cơ thể trẻ rơi vào tình trạng ốm yếu. Mặt khác tình trạng rối loạn tiêu hóa cũng sẽ đẩy nhanh nguy cơ suy dinh dưỡng ở trẻ.
- Đồ ăn không hợp khẩu vị với trẻ
- Việc cha mẹ còn ép trẻ ăn cho đủ bữa cũng dẫn đến tình trạng trẻ chán ăn khi đang no bụng- một dạng biểu hiện của chứng biếng ăn tâm lý.
- Trẻ nhiễm các dạng bệnh ký sinh trùng như giun, sán…do tác dụng của các loại thuốc kháng sinh khi điều trị sẽ dần làm giảm sự thèm ăn ở trẻ.
Suy dinh dưỡng do một số các nguyên nhân khác
Ngoài những lý do trên, tuy ít gặp nhưng sau đây là một số các nguyên nhân gây ra chứng suy dinh dưỡng cho trẻ. Các cha mẹ cũng cần phải chú ý.
- Trẻ vận động quá nhiều, tập thể thao hoặc môi trường sống của trẻ quá nóng hoặc quá lạnh gây ra tình trạng tiêu hao quá nhiều năng lượng, chế độ bổ sung dinh dưỡng cần nhiều hơn so với các trẻ bình thường khác.
- Trẻ bị bệnh nặng song lại không được cung cấp đầy đủ, kịp thời các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể.
Các biểu hiện bên ngoài phổ biến của trẻ suy dinh dưỡng
Trong quá trình chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ, các cha mẹ cần chú ý những biểu hiện sau và cần theo dõi, hoặc đến gặp bác sỹ, chuyên gia dinh dưỡng để có thể phát hiện và điều trị kịp thời chứng suy dinh dưỡng ở trẻ.
Một số biểu hiện đó là:
- Trẻ biếng ăn, lười ăn, ăn ít
- Trẻ chậm tăng cân tăng chiều cao, đứng cân và không cao lên được hoặc sụt cân liên tục trong thời gian từ 2 đến 3 tháng.
- Trẻ bị rối loạn giấc ngủ (ngủ trằn trọc, ngủ không sâu, hay bị giật mình trong khi ngủ…)
- Trẻ thường xuyên hoặc dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa
- Trẻ hay rụng tóc và chậm mọc răng
- Trẻ có biểu hiện da xanh và các cơ nhão
- Ngoài ra trẻ suy dinh dưỡng thường có những biểu hiện lười vận động hoặc chậm phát triển về mặt vận động chẳng hạn như trẻ thường biết lẫy, ngồi, bò, đi đứng chậm hơn bình thường
Trên đây chỉ là những biểu hiện chung nhất thường gặp ở trẻ bị suy dinh dưỡng. Các mẹ nên theo dõi tình trạng sức khỏe (có thể là dựa trên tiêu chí về chiều cao và cân nặng) cho con thường xuyên để nắm bắt rõ thể trạng của trẻ.
Bạn cũng nên thường xuyên cân, đo trẻ ở các mốc thời gian nhất định và so sánh với các tiêu chuẩn của WHO (tổ chức y tế thế giới) đưa ra. Bạn có thể tham khảo tại đây.
Nếu bạn muốn cụ thể hơn, bạn có thể sử dụng phần mềm nhân trắc do chúng tôi cung cấp kèm theo tư vấn, lời khuyên từ chuyên gia dinh dưỡng ở mỗi kết quả đo. Để sử dụng tiện ích này bạn ấn vào đây.
Theo đó, dựa trên tiêu chí về cân nặng, trẻ có số cân thấp hơn 20% so với độ chuẩn trung bình sẽ được coi là suy dinh dưỡng. Còn đối với mức chiều cao chuẩn, trẻ suy dinh dưỡng sẽ có số đo chiều cao ít hơn 10% so với chiều cao chuẩn.
Hậu quả của chứng suy dinh dưỡng
Suy dĩnh dưỡng tuy không gây ra các phản ứng tức thời nhưng nó cũng để lại những hậu quả ở trẻ mà các cha mẹ cần phải biết.
Trẻ suy dinh dưỡng bị tăng nguy cơ mắc phải một số các bệnh khác.
Trẻ suy dinh dưỡng có khả năng mắc các bệnh về hô hấp như viêm họng và các bệnh về tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón… Các dạng bệnh này sẽ đẩy nhanh quá trình suy dinh dưỡng diễn ra ở trẻ.
Về lâu về dài, nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời trẻ suy dinh dưỡng do có hệ miễn dịch kém sẽ dễ mắc bệnh hơn so với bình thường.
Trẻ suy dinh dưỡng chậm phát triển về mặt thể chất.
Suy dinh dưỡng sẽ gây ra khá nhiều tác động liên quan đến tầm vóc của trẻ, đặc biệt là hệ cơ xương.
Trẻ bị suy dinh dưỡng nếu không được chữa trị kịp thời, nhất là để tình trạng này kéo dài đến giai đoạn tuổi dậy thì sẽ có nguy cơ thấp bé hơn người khác rất cao do không được cung cấp dinh dưỡng đầy đủ. Do đó, năng suất lao động, làm việc sau này của những trẻ này sẽ giảm sút.
Chiều cao của trẻ do yếu tố di truyền quyết định, song dinh dưỡng cũng là một nhân tố đóng vai trò quan trọng giúp trẻ có thể cao lớn hơn
Bên cạnh đó, các em gái bị suy dinh dưỡng đặc biệt là suy dinh dưỡng thể thấp còi khi trưởng thành trở nên thấp bé và có nguy cơ sinh con suy dinh dưỡng cao hơn.
Trẻ suy dinh dưỡng chậm phát triển về mặt trí tuệ và cảm xúc.
Suy dinh dưỡng có thể gây ra một số tác động lên sự phát triển não bộ của trẻ.
Trên thực tế, việc thiếu các chất dinh dưỡng trong cơ thể có thể sẽ gây ra sự thiếu đồng bộ các chất dinh dưỡng thiết yếu như chất béo, sắt, iot… Do đó, trẻ thường chậm chạp, lờ đờ, giao tiếp xã hội kém, khả năng học hỏi, tiếp thu cũng vì thế mà giảm sút nghiêm trọng.
Nếu để tình trạng suy dinh dưỡng này kéo dài, trong tương lai, trẻ sẽ không thể phát huy mức tối đa những tiềm năng sẵn có của mình gây tổn hại không nhỏ đến nguồn nhân lực của quốc gia.