Bệnh sốt xuất huyết xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến là trẻ em. hiện tại chưa có thuốc đặc trị sốt xuất huyết, nên việc phòng bệnh là hết sức quan trọng.
Về triệu chứng:
- Bệnh sốt xuất huyết Dengue ở trẻ em, có biểu hiện đa dạng và phức tạp, diễn biến nhanh từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.
- Giai đoạn sốt trẻ em thường là sốt cao đột ngột, liên tục, trẻ nhỏ thí bứt rứt, quấy khóc, trẻ lớn hơn thì than nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, da sung huyết, đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt; nghiệm pháp dây thắt dương tính, thường có chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam. Giai đoạn này xét nghiệm máu thì dung tích hồng cầu (Hematocrit) thường là trị số bình thường, số lượng tiểu cầu bình thường hoặc giảm dần, số lượng bạch cầu thường giảm. Sau giai đoạn này, trẻ đi vào giai đoạn nguy hiểm, thường rơi vào ngày thứ 3 - 7 của bệnh.
- Biểu hiện trẻ có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt, có thể có các biểu hiện như: thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch, thường kéo dài 24 - 48 giờ, có thể tràn dịch ở màng phổi, màng bụng, phù nề mi mắt, gan to.
- Đến giai đoạn phục hồi, sau giai đoạn nguy hiểm 48 - 72 giờ, trẻ hết sốt, toàn trạng tốt lên, thèm ăn, huyết áp ổn định và tiểu nhiều; xét nghiệm máu số lượng bạch cầu máu thường tăng lên sớm sau giai đoạn hạ sốt, số lượng tiểu cầu dần trở về bình thường, nhưng muộn hơn so với số lượng bạch cầu.
Về xử trí :
-tránh tuyệt đối không dùng Aspirin để hạ sốt, vì tác dụng phụ của thuốc có thể gây xuất huyết sớm và nặng hơn. Không cạo gió. Nên cho trẻ nhập viện ngay nếu trong quá trình theo dõi trẻ có một trong các dấu hiệu: sốt quá cao, xuất huyết lan rộng, chảy máu cam, chảy máu chân răng; tay - chân lạnh, trẻ đang tỉnh táo bỗng trở nên lừ đừ, có khi vật vã, đau bụng dữ dội, da trẻ đổi màu.
Về phòng bệnh:
- Cần cho trẻ mặc quần áo dài tay, ngủ mùng cả ban đêm lẫn ban ngày, không để trẻ nơi thiếu ánh sáng, ẩm thấp để tránh muỗi đốt, thoa thuốc chống muỗi lên những vùng da lộ ra ngoài để bảo vệ trẻ mọi lúc, cả ngày lẫn đêm.
- Đậy kín các lu, hủ, bể chứa nước, không tạo điều kiện cho muỗi phát triển. Dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, sạch thoáng, không treo quần áo làm chỗ cho muối trú đậu, thay nước bình bông mỗi ngày, đổ dầu hôi hoặc pha nhiều muối vào chén nước chống kiến chân tủ thức ăn để triệt nơi sinh sản của muỗi.
- Có thể dùng thuốc diệt muỗi hoặc nhang trừ muỗi; khi vào mùa mưa cần xịt thuốc chống, xua đuổi muỗi, nhất là đối với trẻ em, người có tiền sử dị ứng nặng.