Theo tổ chức Y tế Thế giới – WHO, trẻ có cân nặng sơ sinh thấp là những trẻ có cân nặng lúc đẻ thấp dưới 2500g. Trẻ có cân nặng sơ sinh thấp bao gồm cả trẻ đẻ ra trước thời kỳ phát triển bình thường trong tử cung (trẻ đẻ non) và tình trạng chậm phát triển trong tử cung gồm cả trẻ đẻ đúng hạn hay quá hạn nhưng cân nặng không tương xứng với tuổi thai (trẻ đẻ yếu) hoặc phối hợp cả hai.
a. Các yếu tố nguy cơ:
Trẻ có cân nặng sơ sinh thấp thường do nhiều nguyên nhân và các yếu tố phối hợp với nhau. Nhiều nghiên cứu cho thấy khoảng 60% nguyên nhân là từ phía bà mẹ:
- Tình trạng dinh dưỡng kém của bà mẹ: ngay trước khi có thai nếu người mẹ thiếu dinh dưỡng (cân nặng dưới 40kg và chiều cao cũng thấp dưới 145cm) có nguy cơ đẻ con thấp cân. Khi có thai, tình trạng dinh dưỡng của mẹ liên quan rõ rệt đến cân nặng thai nhi. Do nhu cầu dinh dưỡng cao hơn bình thường để đảm bảo duy trì hoạt động sinh lý, tăng khối lượng máu, dịch mô, tử cung, vú, rau thai, nước ối, dự trữ mỡ để tạo sữa sau đẻ, nên bà mẹ cần được ăn uống tốt hơn bình thường. Nếu người mẹ trong 9 tháng mang thai mà không tăng được 10-12kg thì thường do thiếu hụt dinh dưỡng và sẽ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của bào thai.
- Mẹ bị bệnh tật: người mẹ nhiễm độc thai nghén hoặc có bệnh về sản phụ khoa như nhiễm khuẩn đường sinh sản, u nang buồng trứng, hoặc các bệnh nhiễm virus, nhiễm ký sinh trùng sốt rét, các bệnh tim mạch, thận, huyết áp thường có nguy cơ gây đẻ non, suy dinh dưỡng bào thai.
- Chăm sóc bà mẹ trước khi sinh yếu kém: không được khám thai đầy đủ, khoảng cách giữa các lần sinh con quá ngắn (dưới 3 năm), không được nghỉ ngơi trước khi đẻ... thường là những yếu tố nguy cơ đẻ con nhẹ cân.
b. Cách chăm sóc và nuôi dưỡng đặc biệt đối với trẻ có cân nặng sơ sinh thấp:
Hầu hết trẻ có cân nặng sơ sinh thấp đều có biểu hiện thiếu sót nhiều hay ít về chức năng của các bộ phận và các hệ thống trong cơ thể.
- Chăm sóc đặc biệt phải được tiến hành ngay sau đẻ và cần phải tôn trọng các nguyên tắc sau:
- Đảm bảo vô khuẩn tuyệt đối, nhất là với trẻ có cân nặng lúc đẻ dưới 1500g, vô khuẩn ở phòng dưỡng nhi và nhân viên phục vụ.
- Chống hạ thân nhiệt: luôn giữ nhiệt độ cơ thể 36,5-370C, nhiệt độ phòng phải thích hợp. Nếu trẻ nặng 2500g-2000g thì nhiệt độ phòng khoảng 27-280C, trẻ có cân nặng 2000g-1500g thì nhiệt độ phòng phải đạt 30-320C. Nếu trẻ chỉ nặng dưới 1500g, nhiệt độ phòng phải cao hơn có khi tới 33-350C thì trẻ mới duy trì được thân nhiệt. Điều đơn giản nhưng quan trọng hơn là ngay sau sinh cần cho trẻ tiếp xúc "da kề da" để sưởi ấm cho trẻ bằng nhiệt độ cơ thể của mẹ, chăm sóc theo kiểu “chuột túi” (Kangaroo) bằng cách đặt trẻ vào giữa 2 bầu vú phía trong áo của mẹ sao cho da trẻ áp vào ngực mẹ. Nếu trẻ bị hạ đường huyết thì cũng sớm bị hạ thân nhiệt.
- Nuôi dưỡng đặc biệt: cần phải cung cấp đầy đủ dinh dưỡng. Tùy theo từng trẻ, nếu trẻ chưa có khả năng ăn bằng đường miệng thì có thể cho truyền tĩnh mạch dung dịch glucose 5-10%; rồi chuyển dần sang cho bú sữa mẹ. Nếu trẻ ăn được bằng đường miệng và trẻ có phản xạ bú thì cho bú mẹ trực tiếp là tốt nhất và bú sớm trong vòng 30 phút sau đẻ; nếu trẻ không bú được thì vắt sữa mẹ cho ăn bằng cốc, thìa.
Sữa của bà mẹ đẻ non dùng nuôi trẻ đẻ non rất phù hợp vì sữa của bà mẹ đẻ non vẫn có nhiều protein và vitamin A, nhiều yếu tố kháng khuẩn giúp trẻ tăng sức đề kháng, chống đỡ lại sự tấn công của vi khuẩn.
Sự nuôi dưỡng phụ thuộc vào cân nặng và số tuần tuổi thai của trẻ:
- Nếu trẻ có tuổi thai dưới 30 tuần thường phải ăn qua ống thông mũi - dạ dày bằng sữa mẹ vắt ra. Bà mẹ có thể cho con mút ngón tay của mình trong khi trẻ đang ăn bằng ống thông. Điều này có thể kích thích hệ tiêu hoá của trẻ. Nếu có thể mẹ bế con "da kề da" giúp cho sự gắn bó tình cảm mẹ con và giúp mẹ tạo sữa.
- Trẻ từ 30-32 tuần thai có thể ăn bằng cốc, thìa 1-2 lần/ngày kết hợp với những bữa ăn bằng ống thông.
- Trẻ từ có 32 tuần thai trở lên bà mẹ có thể đặt trẻ vào vú ngay sau khi đẻ. Lúc đầu có thể trẻ chỉ tìm và liếm núm vú hoặc trẻ có thể mút một lúc. Tiếp tục cho ăn sữa mẹ vắt ra bằng ống thông hoặc bằng cốc để đảm bảo trẻ nhận được đủ lượng sữa theo nhu cầu. Khi trẻ bắt đầu mút đầu vú có hiệu quả, trong mỗi bữa bú trẻ có thể hay ngừng bú, nhưng không nên tách trẻ khỏi vú mẹ quá nhanh, trẻ có thể tiếp tục bú tới 1 giờ nếu cần thiết. Nên xen kẽ giữa cho trẻ bú mẹ và cho ăn bằng cốc.
- Trẻ từ 34-36 tuần trở lên (đôi khi sớm hơn) thường có thể bú mẹ trực tiếp ngay sau sinh. Tuy nhiên, đôi khi vẫn cần cho ăn bằng cốc nếu trẻ bú ít, cho trẻ bú nhiều lần trong ngày. Trẻ có cân nặng sơ sinh thấp chỉ cần một lượng sữa nhỏ trong những ngày đầu. Bà mẹ cố gắng vắt sữa non ra dù chỉ có ít vì rất cần thiết và tốt cho trẻ.
- Số lượng sữa cho trẻ ăn tuỳ theo tuổi và cân nặng của trẻ:
▫ Tuần đầu:
Ngày thứ nhất: 60 ml/kg/24giờ
Ngày thứ hai: 80 ml/kg/24giờ
Ngày thứ ba: 100 ml/kg/24giờ
Ngày thứ tư: 120 ml/kg/24giờ
Ngày thứ năm: 140 ml/kg/24giờ
Ngày thứ sáu: 160 ml/kg/24giờ
Ngày thứ bảy: 180 ml/kg/24giờ
Số bữa ăn chia làm 8-10 lần/ ngày.
▫ Từ tuần thứ hai: duy trì số lượng sữa 180-200 ml/kg/ngày, tiếp tục cho tới khi bú mẹ đầy đủ thì cho bú sữa mẹ hoàn toàn.
▫ Nếu số lượng sữa mẹ vắt ra mỗi bữa nhiều hơn nhu cầu của trẻ thì nên cho trẻ ăn sữa cuối bữa vì rất giầu lipid để trẻ nhận thêm năng lượng.
▫ Nếu số lượng sữa mẹ vắt ra ít hơn nhu cầu của trẻ thì tốt nhất là cho trẻ ăn thêm sữa của bà mẹ khác nếu có điều kiện.
▫ Số lượng sữa mỗi bữa có thể khác nhau vì trẻ ăn lúc nhiều lúc ít. Vì vậy cần tính lượng sữa trong 24 giờ đề biết trẻ có được bú đủ hay không.