Sau khi sinh, bác sỹ và y tá sẽ kiểm tra lại sức khỏe cho bạn và trả lời bất kỳ câu hỏi nào của bạn. Trong thời gian lưu lại bệnh viện, y tá sẽ hướng dẫn bạn cách tự chăm sóc bản thân và chăm sóc con mình.
Những thay đổi trên cơ thể
- Y tá sẽ sờ bụng của bạn để kiểm tra tử cung trong thời gian còn nằm tại bệnh viện. Nếu tử cung của bạn mềm, y tá sẽ xoa bụng bạn để tử cung cứng lại.
- Bạn sẽ thấy chảy máu âm đạo trong 2-4 tuần. Trong vài ngày đầu, lượng máu sẽ ra như có kinh nhiều. Bạn sẽ thấy có vài cục máu đông nhỏ. Máu ra sẽ ít dần và chuyển sang màu hồng, nâu đậm, và sau đó sạch. Không nên dùng loại bông vệ sinh nhét vào âm đạo. Nên dùng loại băng vệ sinh dán bên ngoài quần lót.
- Ngực của bạn sẽ căng sữa 3-5 ngày sau khi sanh con, ngực cứng hơn và đau, có khi bị chảy sữa.
- Bạn có thể bị táo bón. Có thể xin thuốc làm mềm phân hay thuốc nhuận tràng.
- Báo cho y tá biết nếu bạn có vấn đề về tiểu tiện.
Hoạt động
- Thở sâu và ho hai giờ mỗi lần để ngừa các vấn đề về hô hấp. Ôm gối hay chăn/mền xếp lại trên vết mổ khi bạn ho để giảm đau.
- Nhờ y tá hoặc người nhà giúp đỡ trong vài lần đầu khi bạn rời khỏi giường.
- Ngồi dậy vài phút trước khi bắt đầu đi qua lại.
- Nếu bạn thấy đầu quay cuồng hay chóng mặt khi đang trong phòng vệ sinh, hãy gọi y tá hoặc người nhà để được giúp đỡ.
- Đi bộ trong hành lang 3-4 lần một ngày, mỗi lần 5-10 phút.
Chế độ ăn uống
Bạn có thể thấy mệt và đói. Bạn sẽ được truyền nước ở bàn tay hay cánh tay cho đến khi uống được nhiều. Trong ngày làm phẫu thuật, bạn có thể uống nước lọc. Khi đường ruột hoạt động trở lại, bạn sẽ được uống nước và ăn các thức ăn sau đó.
Trị đau nhức
Đau nhức là triệu chứng bình thường. Đau nhiều nhất là vào 2-3 ngày đầu sau phẫu thuật. Bác sĩ sẽ kê toa thuốc giảm đau nhức cho bạn. Nên xin thuốc giảm đau nhức khi cần. Nên trị đau nhức để chăm sóc cho chính bản thân, cho con mình và trở nên năng động hơn. Thuốc có thể không làm hết đau nhức hoàn toàn nhưng sẽ giúp bạn cảm thấy đỡ hơn.
Vết mổ
Vết mổ của bạn có thể là một đường từ trên xuống dưới (đường thẳng đứng) hay đường ngang qua phần dưới của bụng (đường ngang). Miếng băng sẽ được đặt lên phía trên vết mổ khoảng 24 giờ. Y tá sẽ kiểm tra miếng băng và thay băng khi cần. Sau khi lấy băng ra, thì bạn có thể tắm vòi sen. Băng keo được gọi là băng khử khuẩn sẽ được đặt lên vết mổ. Băng này sẽ tự rớt ra. Đừng kéo băng ra. Bạn có thể cắt đường viền khi miếng băng xoắn lại. Y tá sẽ hướng dẫn bạn cách chăm sóc vết mổ trước khi về nhà. Kiểm tra vết mổ để phát hiện những dấu hiệu nhiễm khuẩn như mẩn đỏ, sưng, đau nhức, âm ấm và chảy nước.
Chăm sóc vùng kín
Giữ sạch sẽ vùng quanh âm đạo và hậu môn hay còn gọi là vùng kín để ngăn ngừa bị nhiễm khuẩn và mùi hôi. Bạn hãy dùng một chai nhựa chứa nước ấm. Mỗi khi bạn đi vệ sinh, dùng chai nhựa để xịt nước ấm lên vùng kín. Thay băng vệ sinh sau mỗi lần đi vệ sinh. Rửa tay với xà bông và nước.
Tắm vòi sen
Sau khi lấy băng và ống thông trong bọng đái ra, bạn có thể tắm vòi sen. Tắm vòi sen sẽ làm bạn khỏe hơn và thư giãn. Hãy nhờ người giúp đỡ khi tắm lần đầu. Không nên tắm bồn vì sẽ có nguy cơ bị nhiễm khuẩn trong 4-6 tuần hay cho đến khi bạn đến bác sĩ tái khám.
Xuất viện về nhà
Y tá sẽ giúp bạn chuẩn bị về nhà với con. Bạn sẽ được cung cấp thông tin về cách tự chăm sóc và chăm sóc cho trẻ.
Bạn có thể tự chăm sóc bản thân bằng việc:
- Hạn chế lên xuống cầu thang, chỉ 1-2 lần mỗi ngày.
- Không nâng vật nặng hơn trọng lượng con bạn.
- Nhờ người làm giúp việc nhà trong ít nhất 2 tuần.
- Không lái xe ít nhất trong 2 tuần.
- Không quan hệ tình dục cho đến khi bác sĩ cho phép. Cho bác sĩ biết nếu bạn có kế hoạch ngừa thai. Cho con bú sữa mẹ không thể ngừa việc bạn có thai.
- Không đi làm việc trở lại cho đến khi bác sĩ cho phép.
Gọi ngay lập tức bác sĩ nếu bạn có các triệu chứng sau đây:
- Có dấu hiệu nhiễm trùng vú như sốt, đau, mẩn đỏ, hay xuất hiện chỗ nóng và cứng, trên một hay cả hai vú
- Ra huyết nhiều thấm ướt một miếng băng vệ sinh mỗi giờ trong hai tiếng hay có nhiều cục đông máu
- Dịch âm đạo có mùi hôi – dịch bình thường có mùi tương tự như thời kỳ kinh nguyệt
- Có vấn đề lúc tiểu tiện bao gồm khó tiểu, tiểu rát hay đau nhức.
- Không đi tiêu trong 3 ngày
- Có điểm nóng, cứng trên chân hay đau nhức cẳng chân.
- Đau nhức nhiều và không dứt
- Bị nhức đầu, mắt mờ hay đom đóm mắt không hết
- Có cảm giác rất buồn hay muốn tự hại mình hay con
Gọi bác sĩ trong vài ngày đầu tiên sau khi về nhà để đặt hẹn tái khám lúc trẻ được 4-6 tuần. Báo cho bác sĩ hay y tá biết nếu có thắc mắc hay quan tâm nào.