Calci giúp cơ thể hình thành hệ xương và răng vững chắc, đảm bảo chức phận thần kinh và sự đông máu bình thường. Tất cả các quá trình chuyển hoá trong cơ thể đều cần calci, vì vậy nồng độ calci trong cơ thể được duy trì không thay đổi bằng cơ chế cân bằng (homeostatic). Có 60% calci trong huyết thanh tồn tại dưới dạng ion và có hoạt tính sinh học; lượng calci còn lại trong huyết thanh không phải ion mà ở dạng ‘trơ’ (inert), trong đó 35% gắn kết với các protein (albumins và globulins), 5% ở dạng phức với muối citrate, cacbornates và phosphate. Cơ thể con người rất cần calci, đặc biệt là đối với trẻ em, phụ nữ và người cao tuổi.
- Thiếu calci trong khẩu phần, hấp thu calci kém và/hoặc mất quá nhiều calci thường dẫn đến tình trạng rối loạn khoáng hoá tại xương. Bệnh còi xương ở trẻ em diễn ra khi lượng calci trong một đơn vị thể tích xương bị thiếu hụt. Nồng độ các ion calci tự do trong máu thấp hay hạ calci máu (hypocalcaemia) có thể dẫn đến tình trạng co cứng, co giật các cơ.
- Thiếu calci trong khẩu phần ăn lâu dài có liên quan tới phát sinh bệnh cao huyết áp và ung thư ruột. Lượng calci (dưới 600 mg/ngày) và huyết áp có mối liên quan ngược chiều (khi lượng calci giảm, tỉ lệ mắc bệnh cao huyến áp tăng). Bổ sung calci cho cơ thể có thể hạ được huyết áp (theo Barger-Lux & Heaney, 1994).
- Thiếu calci mạn tính do hấp thu calci ở ruột non kém là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến giảm khối lượng xương và bệnh loãng xương.
- Loãng xương là hiện tượng giảm khối lượng xương, làm xương dễ bị gãy và làm tăng nguy cơ nứt hay gãy xương (WHO, 1994). Theo một số nghiên cứu gần đây, tỷ lệ loãng xương ở phụ nữ tuổi sau mãn kinh ở Việt Nam dao động trong khoảng 30-40%. Nguy cơ bị loãng xương có thể xuất hiện từ tuổi 35-40 và tăng dần theo tuổi.
- Thừa calci: khi lượng calci ăn vào dư thừa, calci sẽ được bài tiết ra khỏi cơ thể, vì thế rất hiếm gặp các trường hợp thừa Calci trong máu hay tích trữ thừa calci trong các mô cơ thể do tiêu thụ quá nhiều calci qua đường ăn uống. Tuy nhiên khi dùng thuốc calci liều cao và kéo dài thì có thể dẫn đến sỏi thận (nephrolithiasis), calci huyết cao (hypercalcaemia) khiến cho thận làm việc kém hiệu quả và giảm hấp thu các chất khoáng cần thiết khác (ví dụ sắt, kẽm, magiê và phospho).
Mức tiêu thụ calci tối đa là 2.500mg/ngày cho tất cả các nhóm tuổi (IOM, 1997).
Nguồn thức ăn cung cấp calci
Thức ăn giàu calci rất đa dạng, gồm: sữa, phomat, các sản phẩm khác từ sữa, rau có màu xanh thẫm, sản phẩm từ đậu (ví dụ đậu hũ), các loại cá cả xương có thể ăn được. Gần đây, ở một số nước đã xuất hiện nhiều sản phẩm có tăng cường calci trên thị trường như: bánh mỳ, bánh bích quy, nước cam, các sản phẩm ăn liền làm từ ngũ cốc.
Ở các nước phương tây, nguồn thực phẩm cung cấp calci hầu hết là các sản phẩm chế biến từ sữa, trong khi ở Việt Nam và các nước Đông Nam á nguồn cung cấp calci quan trọng là các sản phẩm từ đậu, ngũ cốc, rau xanh, nhất là cá và hải sản.
Hiện nay Việt Nam chưa có các thực phẩm tăng cường calci, vì vậy, để đạt được nhu cầu calci, ngoài các sản phẩm từ cá, đậu, rau xanh và ngũ cốc, chúng ta cần cố gắng sử dụng sữa và các sản phẩm từ sữa, nhất là đối với trẻ em và những người có nguy cơ bị loãng xương. Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc phòng loãng xương hoặc tiêu thụ quá nhiều thực phẩm giàu calci, cần chú ý uống đủ nước để đề phòng tạo sỏi.
Nhu cầu calci đối với cơ thể được xác định trong mối tương quan với phospho: tỷ số Ca/P mong muốn tối thiểu là >0,8 đối với mọi lứa tuổi, tốt nhất là từ 1 đến 1,5; đặc biệt là đối với trẻ em. Hiện nay, chúng ta áp dụng nhu cầu khuyến nghị về calci (mg/ngày) theo tuổi, giới và tình trạng sinh lý như trong bảng sau.
Bảng. Nhu cầu calci khuyến nghị theo tuổi và tình trạng sinh lý
Nhóm tuổi/tình trạng sinh lý
|
Nhu cầu calci (mg/ngày)
|
Trẻ dưới 12 tháng
|
< 6
|
300
|
6-11
|
400
|
Trẻ 1-9 tuổi
|
1-3
|
500
|
4-6
|
600
|
7-9
|
700
|
Trẻ gái vị thành niên (tuổi)
|
10-18
|
1.000
|
Phụ nữ trưởng thành
|
19-49
|
700
|
Trên 50
|
1.000
|
Phụ nữ có thai
(trong suốt cả thời kỳ mang thai)
|
1.000
|
Phụ nữ cho con bú
(trong suốt cả thời kỳ cho bú)
|
1.000
|