1. Thiếu vitamin A có ảnh hưởng đến sức khoẻ như thế nào?
Vitamin A có nhiều chức phận quan trọng trong cơ thể. Trước hết là vai trò của nó đối với sự tăng trưởng. Trẻ em cần vitamin A để phát triển bình thường. Thiếu vitamin A làm cho trẻ sẽ còi cọc, tăng nguy cơ mắc bệnh và tử vong, nhất là tiêu chảy, sởi, viêm đường hô hấp.
Vitamin A có vai trò duy trì thị giác bình thường khi ánh sáng giảm, do đó biểu hiện sớm của thiếu vitamin A là giảm khả năng thích nghi bóng tối, nhân dân ta gọi là "Quáng gà". Thiếu vitamin A nặng sẽ gây khô mắt dẫn tới mù loà.
Thiếu vitamin A thường gặp ở trẻ em, phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú vì nhu cầu vitamin A cao hơn các đối tượng khác; nhưng bữa ăn hàng ngày rất đơn điệu, thiếu dầu mỡ thậm chí không đáp ứng đủ lượng vitamin A cần thiết.
Vitamin A có trong các thức ăn nguồn động vật như: trứng, sữa, cá, thịt, gan lợn, bầu dục, tôm … Thức ăn nguồn thực vật có nhiều Beta-caroten có nhiều trong các loại rau có màu xanh đậm như: rau ngót, rau muống, rau rền, rau diếp, xà lách… và các loại củ quả có màu vàng như: gấc, cà rốt, bí đỏ và quả chín như đu đủ, xoài, hồng, mơ …
2. Làm thế nào để phát hiện quáng gà?
Quáng gà là biểu hiện sớm nhất của bệnh khô mắt do thiếu vitamim A. Quáng gà là hiện tượng giảm khả năng nhìn trong điều kiện ánh sáng yếu, đặc biệt lúc trời chập choạng tối.
Muốn phát hiện được trẻ bị quáng gà thì theo sự theo dõi của bố mẹ là rất quan trọng, chỉ có những người gần gũi, chăm sóc trẻ mới có khả năng phát hiện dược các biểu hiện bất thường như: chập choạng tối trẻ thường nhút nhát, chỉ ngồi yên tại chỗ, không dám đi lại hoặc đùa nghịch. Với trẻ lớn hơn thường đi lại khó khăn, hay vấp ngã, phải lần từng bước hoặc vịn tay váo tường và hay va chạm vào các đồ vật như nồi niêu, bàn ghế. Trẻ dưới 1 tuổi thì khó tìm nhặt đồ chơi vào buổi tối hoặc không cầm đúng thức ăn khi mẹ đưa.
3. Cho trẻ ăn nhiều cà rốt có tốt không?
Cà rốt thuộc loại củ, trong đời sống hàng ngày cà rốt được dùng như một loại rau thông dụng. Ngoài vai trò là rau, cà rốt còn có một vị thuốc được sử dụng để phối hợp điều trị một số bệnh.
Trong cà rốt có chứa nhiều glucoza, chất lecithin, caroten, muối kali, magiê, sắt, canxi … Cà rốt rất giàu caroten (cứ 100g cà rốt chứa 5 mg caroten). Khi vào cơ thể chất này được chuyển hoá thành vitamin A cần cho sự tăng trưởng, giúp cho mắt sáng, tăng sức đề kháng của cơ thể và giữ cho da dẻ mịn màng. Tuy nhiên nếu ăn cà rốt nhiều liên tục, lượng caroten cao sẽ không được cơ thể chuyển hoá hết sẽ gây tích luỹ và ứ đọng ơ gan gây chứng vàng da, ăn không tiêu, mệt mỏi. Do vậy mỗi tuần chỉ nên cho trẻ ăn từ 2 đến 3 lần là tốt, mỗi lần một nửa củ to hoặc một củ nhỏ là vừa (50 gam).
4. Tại sao phải có dầu, mỡ trong bữa ăn có đủ vitamin A?
Bữa ăn hàng ngày phải có dầu hoặc mỡ thì lượng vitamin A trong thức ăn mới được cơ thể hấp thu bởi vì vitamin A là một loại vitamin tan trong dầu, mỡ. Bữa ăn không có dầu, mỡ là một trong những nguyên nhân gây thiếu vitamin A, mặc dù bữa ăn có sử dụng thực phẩm giàu vitamin A. Ngoài ra dầu, mỡ là những thức ăn giàu năng lượng, làm cho thức ăn mềm hơn dễ nuốt. Do vật việc sử dụng dầu, mỡ không những dễ hấp thu vitamin A mà còn tăng chất lượng bữa ăn của trẻ.
5. Trẻ ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng thì có cần cho uống vitamin A liều cao theo chiến dịch không?
Mục đích tổ chức cho trẻ uống vitamin A liều cao trong các đợt chiến dịch nhằm đề phòng thiếu vitamin A, vì hiện nay tình trạng thiếu vitamin A vẫn đang tồn tại ở trẻ nhỏ dưới 36 tháng tuổi. Nguyên nhân chính gây thiếu vitamin A là do bữa ăn của trẻ không có đủ vitamin A, Beta-caroten (tiền vitamin A) cũng như các chất dinh dưỡng khác (dầu, mỡ, chất đạm…).
Về lý thuyết, khi trẻ đã được ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng trong đó có đủ vitamin A thì không nhất thiết phải cho trẻ uống vitamin A liều cao. Tuy nhiên theo số liệu đánh giá gần đây thì trẻ em ViệtNamvẫn nằm trong cùng nguy cơ thiếu vitamin A, tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng còn cao. Mặt khác tình trạng vitamin A còn có mối liên quan chặt chẽ với miễn dịch, tử vong và suy dinh dưỡng của trẻ, chính vì vậy mà uỷ ban tư vấn quốc tế về vitamin A đã khuyến cáo rằng: ở nơi nào còn có suy dinh dưỡng thì vẫn cần cho trẻ uống vitamin A liều cao. Ở Việt Namviệc tổ chức cho trẻ uống vitamin A liều cao vẫn cần được thực hiện trong những năm tới, chừng nào tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em vẫn còn là vấn đề của xã hội.
Vì những lý do trên, mặc dù trẻ được ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, nhưng nếu ở địa phương có tổ chức chiến dịch uống vitamin A cho trẻ dưới 36 tháng thì nên đưa trẻ đi uống vitamin A liều cao một năm hai lần.
6. Hàng năm trẻ được uống đầy đủ vitamin A liều cao theo chiến dịch, thì có cần cho trẻ ăn các thực phẩm có vitamin A hay không?
Do bữa ăn hiện nay của trẻ chưa đảm bảo đủ lượng vitamin A cần thiết nên hàng năm trẻ được uống bổ sung vitamin A (viên nang vitamin A liều cao). Đây chỉ là liều bổ sung chứ chưa thể bảo đảm đủ hoàn toàn lượng vitamin A cho cơ thể, mỗi liều vitamin A bổ sung chỉ có thể bảo vệ cho trẻ bình thường khỏi thiếu vitamin A trong khoảng 3-4 tháng, chưa kể nếu trẻ bị mắc một số bệnh nhiễm khuẩn (sởi, tiêu chảy kéo dài, viêm đường hô hấp cấp) và suy dinh dưỡng thì nhu cầu vitamin A sẽ còn cao hơn. Vì vậy mặc dù đã được uống vitamin A theo chiến dich, vẫn cần cho trẻ ăn các thực phẩm có vitamin A.
Cũng cần xác định rõ rằng uống vitamin A liều cao chỉ là giải pháp bổ sung tạm thời, cơ bản vẫn là cho trẻ ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng.