rẻ béo phì nên uống nhiều nước, khoảng 1,5 lít mỗi ngày, ăn 200-500 g rau và trái cây ít ngọt như dưa chuột, dưa gang…
Trẻ muốn giảm cân không nên ăn đồ ngọt. Ảnh: Health.
Theo bác sĩ Trần Thị Minh Nguyệt, trẻ em và người trưởng thành có nhu cầu dinh dưỡng rất khác nhau nên cần có chế độ ăn khác nhau. Ngay cả trẻ bị thừa cân, béo phì cũng không nên áp dụng chế độ ăn kiêng của người trưởng thành để tránh tác động xấu đến quá trình phát triển và sức khỏe các em. Hơn nữa trẻ còn phát triển chiều cao nên chỉ cần giữ nguyên cân nặng, không tăng cân để đến khi các em tăng chiều cao vẫn đạt cân nặng hợp lý. Trường hợp béo phì nặng mức độ 2, 3 mới cần giảm cân.
Trẻ đang tuổi phát triển cần nhu cầu chất đạm cao hơn người trưởng thành. Chẳng hạn bé từ một đến 3 tuổi cần 35 g đạm mỗi ngày, trẻ lớn hơn cần từ 45 đến 65 g. Phụ huynh nên lưu ý phân bổ lượng đạm cho phù hợp. Chẳng hạn trẻ dưới 3 tuổi uống 500 ml mỗi ngày sữa sẽ có khoảng 12 đến 13 g đạm, như thế các em cần ăn thêm 100 g tôm hoặc cua, cá, trứng, thịt để có đủ lượng đạm động vật, trong khi trẻ lớn hơn cần khoảng 200 g. Lưu ý: Trẻ dưới 10 tuổi có nhu cầu đạm động vật cao hơn thực vật nên bên cạnh thịt cá, hãy cho các em ăn thêm đậu phụ, đậu xanh, đậu tương từ 150 đến 200 g mỗi ngày.
Trẻ nhỏ cũng có nhu cầu năng lượng chất béo rất cao, từ 35 đến 40% ở nhóm từ một đến 3 tuổi, 30% ở trẻ trên 3 tuổi, trong khi người trưởng thành chỉ không quá 25%. Do đó, ở giải đoạn này các chuyên gia khuyến nghị nên cân đối tỷ lệ giữa lipid động vật và lipid thực vật là 70% và 30%.
Lưu ý: Thức ăn của trẻ thường có thịt, trứng, tôm, cá vốn đã chứa một lượng lipid động vật nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu lipid của cơ thể. Cần cho trẻ ăn thêm dầu mỡ theo tỷ lệ một bữa dầu ăn xen kẽ một bữa mỡ. Trẻ đang thừa cân béo phì vẫn cần ăn dầu, mỡ tối thiểu 3 thìa cà phê loại 5 ml mỗi ngày để đảm bảo nhu cầu chất béo cho sự tăng trưởng. Chỉ nên giảm lượng dầu mỡ khi chế biến thực phẩm chứ không nên bỏ hẳn những món xào rán.
Trẻ cũng cần được cung cấp đầy đủ chất xơ và vitamin. Phụ huynh nên cho bé ăn nhiều rau và trái cây ít ngọt như dưa chuột, dưa gang, củ đậu chứa ít năng lượng mà không bị cảm giác rỗng dạ dày. Cụ thể nên dùng khoảng 200 đến 500 g rau củ một ngày, tùy độ tuổi. Ngoài ra nên cho các em uống nhiều nước, khoảng 1,5 lít mỗi ngày.
Đặc biệt chú ý đến chế độ vận động. Dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường vận động có thể giúp giải quyết tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ. Việc vận động giúp tiêu hao năng lượng, giảm mỡ thừa hiệu quả. Hãy tập cho trẻ thói quen năng vận động, hạn chế các hoạt động tĩnh tại như xem tivi, chơi game…
Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy giấc ngủ có ảnh hưởng đến tình trạng thừa cân béo phì. Vì vậy cần chú ý cho trẻ ngủ đủ giấc, không thức quá khuya. Hơn nữa khi ngủ sâu cơ thể tăng tiết các hormone tăng trưởng, trẻ sẽ dài ra trong lúc ngủ. Đồng thời việc ngủ đủ giấc còn ức chế sản sinh một số chất có tác dụng kích thích sự thèm ăn, nhờ đó trẻ ăn ít hơn, ít tăng cân và dễ thoát khỏi thừa cân béo phì hơn.
Theo SK&ĐS