Có phải ăn thức ăn có nhiều đường thì dễ bị đái tháo đường?
Đái tháo đường là một bệnh rối loạn chuyển hoá hydratcarbon gây tăng đường máu, kèm theo các triệu chứng khát nhiều, đái nhiều, sút cân và có thể gây tử vong nếu không được điều trị.
Theo khuyến cáo của hội đồng chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới thì bệnh đái tháo đường được khẳng định khi bất cứ ở một thời điểm nào trong ngày nếu bệnh nhân có:
Đường trong huyết tương trên 11.1 mmol/l (200mg/dl) hoặc
Đường huyết tương xét nghiệm 2 lần lúc đói trên 7.8 mmol/l (140mg/dl).
Có 2 type đái tháo đường:
Đái tháo đường type I: Thường gặp ở trẻ em, người trẻ tuổi. Bệnh nhân đa số là gầy nên còn được gọi là đái đường thể gầy.
Đái tháo đường type I là do tế bào bêta của tuỵ mất khả năng tiết Insulin. Bệnh bắt đầu phát triển từ bé, sau 2 tuổi đã bị bệnh có khả năng di truyền. Đái tháo đường type I là một bệnh nguy hiểm vì gây nhiều biến chứng vi mạch ở mắt, thận, các chi, cùng với thoái hoá dây thần kinh ngoại biên.
Đái tháo đường type II: Thường xảy ra âm ỉ do khả năng tiết Insulin của tuỵ giảm từ từ và do hiện tượng kháng Insulin ở hệ cơ bắp gây hạn chế chuyển hoá glucose và tăng đường huyết. Đa số người bệnh đái tháo đường type II thường béo quá mức nên còn gọi là đái đường thể béo. Đái tháo đường type II thì khả năng tiết Insulin của tuỵ cũng giảm và giảm dần theo kiểu lão hoá tế bào bêta, người trên 45 tuổi thường mắc đái đường type II. Như vậy ăn thức ăn có nhiều đường không phải là nguyên nhân dẫn tới đái tháo đường, song những người ngoài 40 tuổi thì không nên ăn quá nhiều đồ ngọt hoặc thức ăn rán quá béo v.v… vì đái tháo đường type II xảy ra âm ỉ, sự thiếu hụt Insulin từ từ và nếu ăn như vậy sẽ làm cho bệnh diễn biến ngày càng nhanh hơn.
Chế độ ăn khi bị bệnh đái tháo đường?
Như chúng ta đã biết vì nguyên nhân nào đó làm cho các tế bào bêta của tuyến tụy mất khả năng sản xuất hoặc thiếu hụt bài tiết Insulin gây nên rối loạn chuyển hoá. Insulin đóng vai trò quan trọng không chỉ trong chuyển hoá glucid để duy trì đường huyết và nguồn dự trữ năng lượng glucogen mà cả trong chuyển hoá protid và lipid.
Trong điều trị đái tháo đường, chế độ ăn đóng vai trò quan trọng. Ở bệnh nhân đái tháo đường type II với chế độ ăn thích hợp và tăng cường hoạt động thể lực cũng có thể chữa được bệnh ở giai đoạn đầu.
Nguyên tắc ăn uống khi bị đái tháo đường:
- Cung cấp đủ nhu cầu dinh dưỡng và các thức ăn thích hợp có chọn lọc nhằm đảm bảo được cuộc sống bình thường.
- Duy trì trọng lượng cơ thể ở mức vừa và đủ. Người gầy phải tăng cân, người béo phải giảm cân.
- Chia bữa ăn hợp lý để đảm bảo nhu cầu về năng lượng: 3 bữa chính, 1 đến 3 bữa phụ (ăn nhẹ).
- Bỏ dần các thói quen ăn ngọt, ăn xào, rán quá béo, nghiện rượu.
- Năng lượng tính theo trọng lượng cơ thể.
Nằm điều trị tại giường 25 Kcal/kg/ngày.
Hoạt động nhẹ tại nhà 30 Kcal/kg/ngày.
Năng lượng khẩu phần:
- Chất đạm (protid): 15-18%.
- Chất béo (lipid): 20-25%.
- Chất bột đường (glucid): 60-65%.
Cách tính để lập thực đơn:
Năng lượng cần cho một người bệnh trong 1 ngày trong điều kiện làm việc nhẹ ở nhà. Ví dụ 1 người 50 kg:
- Tổng năng lượng: 30 Kcal/kg x 50 kg = 1500Kcal
- Năng lượng do glucid (60%):
1500 x 60/100 = 900 Kcal tương đương 225g glucid
- Năng lượng do protid (15%):
1500 x 15/100 = 225 Kcal tương đương 56g protid
- Năng lượng do lipid (25%):
1500 x 25/100 = 375 Kcal tương đương 41g lipid
- Muối natri: 1g/1000 Kcal.
Phân chia tỷ lệ thức ăn cho 3 bữa chính và các bữa phụ. Đối với người không dùng Insulin cần 1 bữa phụ trong đêm.
- Ăn sáng: 6h30 -7h 20% số lượng thực phẩm các loại trên.
- Ăn trưa: 11h30 - 12h 30% số lượng thực phẩm các loại trên.
- Ăn nhẹ thêm: 20% số lượng thực phẩm các loại trên.
Nếu có dùng Insulin nên có 3 bữa ăn nhẹ (giữa sáng, chiều và đêm). Ba bữa chính chiếm 60-65% khẩu phần còn lại là 3 bữa phụ.
Đối chiếu với bảng thực phẩm thông dụng, chọn thức ăn cho từng bữa và quy định cách chế biến cho hợp khẩu vị.