Mặc dù stress là một phần của cuộc sống có thể giúp trẻ lớn lên về mặt ứng xử trước những tình huống khó khăn, stress cũng có thể có tác dụng tiêu cực khi cha mẹ nhận thấy trẻ có những biểu hiện sau đây:
- Trẻ có dấu hiệu thể chất như đau bụng, đau đầu
- Trẻ có vẻ hiếu động, mệt mỏi
- Trẻ có vẻ trầm cảm, không giao tiếp về những cảm xúc bản thân
- Trẻ dễ cau có, không thích các sinh hoạt thường ngày
- Trẻ ít quan tâm đến những sinh hoạt quan trọng đối với các trẻ và thích ở nhà hơn tiếp xúc với bạn bè.
- Trẻ học sa sút, không thích đi học và không thích làm bài, học bài.
- Trẻ có hành vi chống đối xã hội như nói láo, trộm cắp, quên hoặc từ chối làm những việc lặt vặt, và có vẻ lệ thuộc cha mẹ hơn trước.
Khi thấy những biểu hiện trên, cha mẹ thử xem trẻ bị áp lực trong lĩnh vực nào?
Nguyên nhân gây stress có thể ở ngoài gia đình và ngoài tầm kiểm soát của cha mẹ. Tuy nhiên, nhiều trẻ cảm thấy bị áp lực trong chính gia đình, chẳng hạn như cha mẹ kỳ vọng ở con cao quá khả năng của trẻ, bắt trẻ học quá nhiều. Sau giờ học ở trường cả ngày, trẻ còn phải đi học thêm môn Anh văn, Toán, học đàn, vi tính. Cha mẹ không muốn trẻ thua kém bạn bè cùng trang lứa trong xã hội nhiều cạnh tranh như hiện nay. Trẻ phải chạy hết chỗ học này đến chỗ học khác, không còn giờ để ăn, để thư giãn và để là “trẻ em”!
Thường trẻ được gặp chuyên viên tâm lý sau khi đã chịu bao nhiêu trận đòn từ cha mẹ, thầy cô. Thậm chí ở một số trường, thầy cô còn cho chính các bạn trừng phạt nhau bằng những trận đòn! Đối với một số trẻ, sau khi được chuyên viên tâm lý quan sát và tiếp xúc, trẻ không thể đáp ứng được những kỳ vọng của gia đình và xã hội vì trẻ có một số khiếm khuyết trong quá trình phát triển, nhất là trong phát triển nhận thức, giao tiếp, cảm xúc mà cha mẹ và thầy cô ít quan tâm hoặc chưa được trang bị kiến thức.