Năm bé học lớp 1 là quá trình chuyển giai đoạn từ 'chơi là chính' sang 'học tập là chủ đạo'. Lúc này, bé phải đối diện với nhiều khó khăn trong môi trường học tập hoàn toàn mới.
Ở tuổi mẫu giáo, bài học thường được thiết kế thông qua trò chơi khiến cho việc học trở nên nhẹ nhàng mà hiệu quả. Còn bước vào lớp 1 là môi trường khác hẳn, trẻ sẽ được rèn vào nề nếp, phải tuân thủ kỷ luật học tập, phải ngồi với tư thế nghiêm chỉnh trong thời gian khá dài, phải thực hiện các yêu cầu của bài học, tham gia những tình huống học tập đòi hỏi sự tập trung chú ý... và điều quan trọng là phải đạt kết quả.
Thông thường, trong vài tuần đầu tiên trẻ rất háo hức đến trường vì được thay đổi không khí, trường đẹp, cô giáo mới... Thế nhưng sau đó, trẻ bắt đầu cảm thấy khó khăn. Khó khăn lớn nhất đối với bé lớp 1 không phải là quá trình học vần, học làm toán mà chính là cần tuân thủ các nề nếp và kỷ luật (phải dậy sớm, đi học đúng giờ, phải làm bài tập về nhà, phải chuẩn bị đồ dùng, sách vở, phải lắng nghe cô dặn sau mỗi buổi học, phải thuộc nội quy của lớp...).
Đặc biệt khó khăn là quá trình tập viết, thường kéo dài suốt cả học kỳ I. Những lời nhận xét chê nhiều hơn khen của cô giáo như viết ẩu, chữ xấu, bắt viết lại... dễ làm trẻ buồn chán, lo sợ và mất tự tin. Tâm lý của giáo viên thì muốn trẻ nhanh chóng đọc thông viết thạo, vào khuôn khổ nề nếp, do vậy hay gò ép khiến trẻ cảm thấy việc học ở trường rất nặng nề. Nếu tâm lý này không được kịp thời giải tỏa, trẻ sẽ rơi vào khủng hoảng và chán học.
Vậy, cha mẹ cần làm gì? Hãy trao đổi với cô giáo khi thấy con có biểu hiện không thích thú đến trường, sợ học. Nguyên nhân thường vì trẻ không nhận được lời động viên khuyến khích kịp thời từ cô giáo, từ bố mẹ hoặc cảm thấy môi trường học xa lạ, khó hòa nhập, không có bạn; khi về nhà, trẻ phải học quá nhiều, khóc mếu vì không hoàn thành bài tập, sợ cô mắng không dám đi học. Ở lớp, trẻ viết xấu, tẩy xoá bị cô phạt, thậm chí đánh vào tay... Cứ như vậy, mỗi khi nghĩ đến việc học, trẻ bắt đầu thấy sợ, nếu bị cô giáo mắng hoặc nhận xét nghiêm khắc, trẻ càng thất vọng, không tự tin vào bản thân.
Để giúp trẻ, giáo viên và cha mẹ không nên quá kỳ vọng hay tỏ ra thất vọng về khả năng của trẻ, tránh chê bai, trách phạt trẻ hoặc nhận xét tiêu cực kiểu như "Sao con dốt thế", "Lười học quá"... Những câu nói đó sẽ làm trẻ mất đi hứng thú học tập. Nhà trường không nên buộc giáo viên và học sinh trong học kỳ đầu của lớp 1 phải tuân thủ các yêu cầu vở sạch chữ đẹp, vì điều này thực sự không tốt cho trẻ. Người lớn cần nhẹ nhàng động viên, cổ vũ, không chê bai trẻ trong bất kỳ tình huống nào. Các kết quả nghiên cứu đều cho thấy, khi trẻ vui vẻ, thoải mái, kết quả học tập sẽ tốt hơn nhiều. Trường học hiệu quả, lớp học hiệu quả là làm sao để trẻ luôn cảm nhận được "mỗi ngày đến trường là một ngày vui".
Hầu hết trẻ em bình thường về trí tuệ đến tuổi vào lớp 1 đều hứng thú đi học và có thể học tốt. Song, nuôi dưỡng hứng thú này thế nào để chuyển thành hứng thú nhận thức (biểu hiện ở sự ham học, tự giác học) ở trẻ là một việc khó. Phương pháp "chơi mà học" của lớp mẫu giáo được các chuyên gia khuyến cáo giáo viên và phụ huynh nên tiếp tục áp dụng để nuôi dưỡng hứng thú học tập của trẻ lớp 1.