- 1. Biến bữa ăn của trẻ thành bữa tiệc của sắc màu
Trẻ em thường cảm thấy vô cùng thích thú đối với những thứ có nhiều màu sắc. Người lớn có thể "lợi dụng" điều này để giúp trẻ cảm thấy hứng thú hơn với việc ăn cơm. Ví dụ, cha mẹ có thể mua các loại bát, đĩa, thìa có hình con vật, hình bông hoa nhiều màu sắc. Khi đã thu hút được sự chú ý của trẻ vào những vật dụng ngộ nghĩnh và lạ lẫm như vậy, trẻ sẽ ngoan ngoãn ngồi ăn.
Tuy nhiên, người lớn cần phải chú ý khi chọn lựa các vật dụng cho bé. Ví dụ, thìa dành cho bé không được quá to, bát và đĩa nên có trọng lượng vừa phải và phải an toàn cho sức khỏe của bé.
- 2. Tạo ra không khí vui vẻ cho bữa ăn của bé
Khi cho trẻ ăn, người lớn tránh việc quát tháo hoặc làm bé sợ. Hãy tạo ra không khí vui vẻ như khiến bé cười hoặc mọi người cùng ngồi ăn với bé. Khi thấy mọi người xung quanh mình ăn uống vui vẻ và cười nói, trẻ sẽ tập trung vào bữa ăn.
Cha mẹ nên tránh để bé phân tán sự chú ý vào việc khác vì như vậy, bé sẽ không chịu ăn và cũng không tốt cho sự tiêu hóa thức ăn. Có nhiều cha mẹ vì muốn "dụ" con ăn nên đã cho trẻ đi bộ xung quanh xóm, bật tivi hoặc để một rổ đồ chơi ngay trước mặt trẻ. Cách làm đó sẽ khiến trẻ không tập trung vào việc ăn và thường cảm thấy khó chịu khi bị ép phải ăn.
- 3. Khuyến khích để trẻ tự ăn
Khi trẻ bắt đầu được 1 tuổi, người lớn nên tập cho bé thói quen tự ăn. Lúc này, trẻ đã có thể tự cầm thìa và lấy những thứ mà mình muốn ăn. Người lớn có thể trợ giúp để trẻ ăn được dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, vì bé vẫn còn nhỏ và khi ăn có thể làm đổ hay vung vãi đồ ăn, người lớn không nên cáu giận hoặc quát mắng. Trái lại, hãy vui vẻ và khuyến khích động viên để trẻ cảm thấy rằng mình đang được giúp đỡ.
Tập cho trẻ thói quen tự ăn ngay từ nhỏ, khi trẻ lớn, cha mẹ sẽ không mất nhiều thời gian để cho trẻ ăn. Hơn nữa, thói quen tự ăn cũng giúp trẻ phát triển và phối hợp linh hoạt các hoạt động của tay và mắt.