Chiều ngày 10/9, cháu Phạm Văn Thuận (9 tuổi, huyện Buôn Đôn) đang chơi với các bạn trước nhà với nhóm bạn. Một người đàn ông khoảng 30 tuổi đi xe máy dừng lại hỏi địa chỉ cách đó khoảng 2km với lời hứa sẽ cho 20.000 đồng nếu cháu lên xe chỉ đường. Nhưng chiều tối vẫn chưa thấy Thuận trở về. Đây là một trong chiêu trò để bắt cóc trẻ em hiện nay.
Trước tình trạng này, người lớn cần dạy những kỹ năng cần thiết để trẻ có thể ứng phó tốt khi gặp người lạ
Dưới đây là những gợi ý cho các bậc phụ huynh:
1. Tạo ra các tình huống: Bạn hãy cùng trẻ giả định các tình huống thường gặp và dạy trẻ cách ứng phó. Chẳng hạn:
- Khi bạn đến đón trẻ không đúng giờ, cùng lúc đó lại có người lạ mặt hỏi trẻ muốn đi nhờ xe, hoặc ai đó quen biết nhờ trẻ làm những việc kỳ lạ, không rõ ràng thì trẻ hãy: Gọi điện cho bạn để xác nhận thông tin về người lạ. Và từ chối giúp đỡ người đó dưới bất cứ hình thức nào nếu không có sự đồng ý của bạn.
- Nếu bị lạc trong một siêu thị hay một cửa hàng thì trẻ nên: Tìm những người lớn xung quanh đáng tin mặc đồng phục như bảo vệ, thu ngân… để nhờ giúp đỡ.
- Người lạ cho kẹo/đồ chơi/tiền để nhờ trẻ làm một điều gì đó (chỉ đường, đi nhờ xe …) thì nhắc nên từ chối: ‘Chưa được sự đồng ý cua mẹ cháu, cháu sẽ không nhận/không làm đâu’…
2. Nơi nào và gặp ai là an toàn: Hãy cho trẻ biết những nơi an toàn cho trẻ là nơi như: đồn cảnh sát, trung tâm mua sắm đông người, chú bảo vệ, thầy cô giáo... và sau đó hãy gọi ngay cho người nhà.
3. Nhắc con ghi nhớ một số số điện thoại cầ thiết: Đó là số điện thoại của bạn, người trong gia đình và các số cấp cứu khẩn cấp khác phòng khi nguy cấp. Việc này sẽ giúp trẻ tự tin hơn khi gặp một trường hợp nguy hiểm.
4. Giáo dục giới tính: Dạy trẻ hiểu rõ cơ thể của mình là điều cần thiết, giúp trẻ nhận thức được nơi nào trên cơ thể là cấm xâm phạm, trẻ sẽ tự bảo vệ những khu vực cá nhân hoặc nếu có ai đụng chạm sẽ biết cách né tránh và báo cho bạn.
5. Giúp trẻ hiểu về bản năng: Trẻ em thậm chí nhạy cảm hơn so với người lớn, và sẽ là một ý tưởng tuyệt vời để dạy trẻ chú ý đến bản năng của chúng. Điều quan trọng là cho con bạn biết rằng trẻ sẽ không bao giờ bị chỉ trích khi đưa ra yêu cầu giúp đỡ.
6. Hét to khi gặp nguy hiểm: Đó là khi bị người lạ tiếp xúc, xâm phạm cơ thể hoặc đưa đi đâu đó không đúng ý. Đó là một cách phản ứng lại để gọi sự chú ý và giúp đỡ của mọi người xung quanh hiệu quả.
7. Tạo mật mã riêng: Là một cách áp dụng an toàn khi bạn không đến đón trẻ đúng giờ. Hãy tạo một mật mã cho trẻ nhận biết người an toàn được phép lại gần. Nếu không đúng mật mã như đã dặn thì bảo trẻ hãy tránh xa người đó ngay lập tức.
8. Hãy kể cho trẻ những câu chuyện, những tai nạn nhìn thấy, nghe thấy trên các phương tiện truyền thông đều có thể biến thành bài học. Giúp trẻ hiểu trong tình huống đó nên làm gì, vì sao bị như thế.
9. Cho trẻ được trải nghiệm: Cách dạy trực quan rất hiệu quả, tức là khi có sự trải nghiệm sẽ phải tự rút ra bài học. Tuy nhiên, bạn cần giám sát và chủ động đảm bảo an toàn cho trẻ khi áp dụng, không để cho trẻ tự trải nghiệm bởi có thể để lại hậu quả lớn.
10. Cha mẹ tuyệt đối không cho trẻ đeo trang sức đến trường: Thay vào đó, hãy làm cho trẻ thẻ đeo ghi rõ họ tên, địa chỉ nhà, số điện thoại của bạn và người thân phòng trường hợp trẻ đi lạc hoặc bị tai nạn cần trợ giúp gấp. Bên cạnh đó, cần tập cho trẻ thói quen tan học chờ bạn đến đón ở vị trí cố định và thống nhất thời gian. Trong trường hợp bất khả kháng, cần nhờ người đón giúp thì phải thông báo trước cho trẻ đặc điểm nhận dạng, họ tên, cần có cả mật khẩu quy định để nhận diện đúng người bố mẹ nhờ.
11. Dạy những kỹ năng sinh tồn cơ bản: Học võ để bảo vệ bản thân, học bơi để biết đối phó khi không may bị rơi xuống nước, học cách giao tiếp để trẻ có nhiều kinh nghiệm khi tiếp xúc với người lạ… là những kỹ năng cơ bản để trẻ tự bảo vệ mình khi không có bạn ở bên.
Dạy trẻ biết tự bảo vệ mình là việc rất quan trọng nên bạn phải bắt tay ngay, thực hiện luôn từ khi trẻ còn nhỏ, đừng chờ đến khi mọi sự xảy ra rồi mới cuống cuồng lo lắng. Để dạy được con, cần kiên nhẫn từng ngày và kỳ công chứ không chỉ dặn dò suông.