Gần như tất cả các bé đều trải qua những cơn sốt. Sốt nghĩa là nhiệt độ cơ thể cao hơn bình thường. Nó là dấu hiệu chỉ ra rằng hệ miễn dịch của cơ thể đang hoạt động để chống lại những căn bệnh trong cơ thể. Sốt cũng có thể là những phản ứng của cơ thể sau khi tiêm vắc-xin phòng bệnh.
Khi nào cần đưa trẻ đến bác sỹ
- Nếu trẻ bị sốt sau khi tiêm vắc-xin, sau 2-3 ngày trẻ sẽ trở lại bình thường. Bạn chỉ cần quan tâm theo giõi nhiệt độ cơ thể và bình tĩnh kiểm soát cơn sốt của trẻ ở nhà.
- Khi trẻ bị sốt không phải sau khi tiêm vắc-xin, bạn nên đưa trẻ đến bác sỹ để tìm ra nguyên nhân. Những căn bệnh nguy hiểm ở trẻ thường không phổ biến. Tuy nhiên, nếu trẻ từ 2 tháng tuổi trở xuống, có vấn đề với hệ miễn dịch, hoặc những vấn đề đặc biệt khác về sức khoẻ, bạn nên đưa trẻ đến bác sỹ ngay lập tức vì có thể bệnh sẽ nguy kịch hơn rất nhanh.
- Cho dù với lý do gì, nếu bất kỳ một dấu hiệu nào dưới đây xuất hiện, bạn nên đưa trẻ đến bác sỹ ngay. Những dấu hiệu gồm: Sốt triền miên, nhiệt độ cơ thể từ 40 độ trở lên, ăn không tốt, hoặc lên cơn co giật.
Chăm sóc trẻ sốt tại nhà
Ngoài việc tuân theo những phương pháp và quy định điều trị của bác sỹ, biết cách kiểm soát cơn sốt ở trẻ cũng là một điều rất quan trọng.
A. Theo dõi nhiệt độ cơ thể trẻ
Nhiệt độ cơ thể bình thường của trẻ thay đổi theo độ tuổi, hoạt động, điều kiện sức khoẻ, thời gian trong ngày và tuỳ thuộc vào việc đo nhiệt độ ở từng bộ phận trên cơ thể.
* Đo nhiệt độ ở trực tràng
- Đây là phương pháp được xem là chính xác hơn cả để đo nhiệt độ của trẻ.
- Có thể dùng nhiệt kế thuỷ ngân hoặc nhiệt kế điện tử.
- Nếu nhiệt kế chỉ 37,5 độ thì được xem là bình thường.
* Phương pháp đo tai giữa
- Phương pháp này đo nhiệt độ từ màng tai. Độ nóng được đo bằng thiết bị cảm ứng hồng ngoại của nhiệt kế đo tai được đặt cách ống tai một khoảng cách nhỏ.
- Phương pháp này dễ và nhanh, có thể sử dụng cho trẻ hay om sòm hoặc đang khó chịu. Tuy nhiên cảm biến phải được đặt đúng vị trí trong ống tai để lấy được nhiệt độ chính xác. Cách này cũng không thích hợp nếu ống tai của bé có nhiều rỉ tai và các chất lưu.
B. Giảm thân nhiệt cho trẻ
1. Sử dụng thuốc được kê đơn
Khi nhiệt độ trực tràng chỉ trên 38 độ và trẻ cảm thấy khó chịu, bạn có thể cân nhắc đến việc sử dụng thuốc hạ sốt đã được kê đơn cho trẻ. Chỉ sử dụng thuốc khi trẻ bị sốt trong khoảng 4-6 tiếng giữa mỗi lần uống thuốc. Hãy kiểm tra nhãn thuốc cẩn thận, chú ý các chỉ dẫn, và đảm bảo rằng liều thuốc và thời gian không quá độ bởi quá liều thuốc có thể rất nguy hiểm cho trẻ.
2. Mặc đồ thoải mái cho trẻ
Hãy mặc cho bé các đồ nhẹ nhàng để tránh làm bé quá nóng. Các đồ cotton là tốt nhất vì chúng có thể thấm mồ hôi. Hãy thay những đồ ẩm ướt hoặc những bộ đồ khô ráp sẽ làm bé cảm thấy dễ chịu hơn.
3. Giữ phòng ốc thông thoáng
Giữ phòng ốc thông thoáng và mát mẻ giúp làm giảm nhiệt độ cơ thể. Bạn có thể mở cửa sổ, mở điều hoà nhiệt độ, hoặc mở quạt.
4. Lau chùi cho bé bằng nước ấm
Khi trẻ có nhiệt độ trực tràng trên 40 độ, đã từng bị sốt co giật hoặc không thể uống thuốc, lau chùi cho trẻ bằng nước ấm có thể giúp làm giảm sốt. Đặt trẻ ngồi trong một bồn tắm nước ấm và dùng khăn mềm dấp nước lên người bé trong khoảng 5-10 phút. Đừng dùng nước lạnh vì điều này chỉ làm tăng thêm nhiệt độ cơ thể của trẻ. Nếu nước bị lạnh đi hoặc trẻ bắt đầu run rẩy, hãy nhấc trẻ ra khỏi nước ngay.
C. Bổ sung nước cho cơ thể bé
Việc đổ mồ hôi trong quá trình bị sốt giúp làm giảm nhiệt độ cơ thể. Tuy nhiên, nó cũng sẽ dẫn tới việc mất nước của cơ thể trẻ. Cố gắng cho trẻ uống thêm nhiều nước để bổ sung lượng đã mất đi. Đối với những trẻ nuôi bằng sữa mẹ, đơn giản chỉ cần tăng thời lượng cho trẻ bú vì sữa mẹ có chứa rất nhiều nước.
Uống nhiều chất lỏng
Khi một đứa trẻ bị sốt với một nhiệt độ cao thì khi ấy chúng cần nhiều chất lỏng hơn bình thường vì sốt sẽ làm cho những đứa trẻ nhà bạn bị đổ mồ hôi rất nhiều.
Hãy chắc chắn rằng bạn nên cho con bạn uống nhiều chất lỏng - khoảng một vài thìa mỗi phút, nếu cần thiết. Miễn là trẻ của bạn uống nhiều chất lỏng, điều này sẽ không vấn đề gì nếu trẻ ăn rất ít trong một vài ngày bị bệnh.
D. Cho bé nghỉ ngơi đầy đủ
Khi bị sốt, trẻ sẽ cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ, hãy để trẻ nghỉ ngơi. Bị sốt cũng sẽ làm giảm các hoạt động tiêu hoá của dạ dày, vì thế hãy cố gắng tránh cho bé ăn những đồ ăn khó tiêu hoá, không có lý do nào để giảm bữa ăn thường ngày khi bé không từ chối ăn.
Chăm sóc bé bị sốt có thể là công việc mệt mỏi và khắt khe. Vì thế, hãy chuẩn bị tinh thần và chia sẻ việc chăm sóc trẻ với mọi thành viên khác trong gia đình. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hay thắc mắc nào liên quan đến trẻ sốt, hãy thử nói chuyện với ai đó có kinh nghiệm hoặc những người tư vấn chăm sóc sức khoẻ cá nhân.
Những ngộ nhân cần tránh khi chăm sóc trẻ bị sốt:
Mới đây, BV Nhi Đồng 1 (TP.HCM) đã phải mở một buổi sinh hoạt chuyên đề về "Cách phát hiện và chăm sóc trẻ sốt, sốt xuất huyết tại nhà" nhằm mục đích giúp các bậc phụ huynh biết cách chăm sóc khi con em mình bị sốt, nhất là trong thời điểm sốt xuất huyết đang hoành hành.
Nhiều bậc phụ huynh có mặt tại buổi sinh hoạt đã không khỏi ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng, mình đã ngộ nhận khi chăm sóc trẻ bị sốt bằng nhiều cách thức không đúng mà hậu quả là, có thể gây nguy kịch tính mạng của trẻ. Phóng viên TS đã ghi lại hướng dẫn của với TS. BS Nguyễn Thanh Hùng - Phó Giám đốc bệnh viện tại buổi sinh hoạt nói trên.
Paracetamol và nước ấm là đủ
Trước hết, những điều cần làm để hạ sốt cho trẻ tại nhà là uống thuốc hạ sốt, khuyến khích ăn uống, theo dõi các dấu hiệu trở nặng để đưa trẻ đi cấp cứu kịp thời (ói mửa nhiều dù chỉ một lần, đau bụng, bứt rứt, mệt, lạnh tay chân, tím, vả mồ hồi, xuất huyết...) và tái khám đúng hẹn.
Phụ huynh không được tự ý mua thuốc Aspirin hay các thuốc kháng viêm nonsteroids. Các loại thuốc này có thể khiến trẻ bị xuất huyết tiêu hóa.
Thuốc an toàn nhất để hạ sốt cho các cháu là Paracetamol. Cứ 4 - 6 giờ một lần, các bậc phụ huynh nên cho trẻ uống từ 10 - 15mg Paracetamol/ mỗi kg cân nặng. Thứ hai, lau mát cho trẻ. Trẻ dưới 6 tuổi khi sốt cao thường hay dọa làm kinh (co giật).
"Khi trẻ sốt cao và đang làm kinh, người nhà tuyệt đối không được nặn bất cứ một thứ gì, ví dụ như vài giọt chanh, vào trong miệng trẻ. Điều đó có thể khiến trẻ bị sặc và gây tử vong," BS. Hùng cảnh báo.
Điều cần làm là pha nước ấm, tương tự như pha nước tắm cho trẻ (để cùi chỏ tay của người lớn vào chậu nước, nếu thấy nước âm ấm là được).
Sau đó, dùng năm cái khăn, 2 khăn đắp vào nách và 2 khăn đắp vào bẹn, khăn còn lại nhúng nước lau khắp cơ thể trẻ. Đối với các khăn đắp cố định ở nách và bẹn, sau 5 - 10 phút lấy ra nhúng lại vào nước ấm, vắt ráo và đắp liên tục vào bẹn và nách.
Giải nhiệt bằng rượu, nước đá: Nên chăng?
Có một thói quen mà người già hay sử dụng khi làm mát cho trẻ là đổ vào nước ấm một chút rượu hay cồn (alchol). Việc kết hợp này có thể làm mát trẻ rất nhanh, thậm chí mát lạnh do sự bốc hơi. Tuy nhiên, điều đó vô cùng nguy hiểm.
Rượu hay cồn khi bốc hơi có thể khiến trẻ bị ngộ độc. Chưa kể, hiện nay ở một số nơi, rượu đế chưa chắc đã an toàn. Người ta bỏ thêm một số các chất như thuốc diệt sâu rầy, khiến cho rượu trong vắt. Do đó tuyệt đối không được đổ rượu, cồn vào nước khi lau cho trẻ.
Kinh nghiệm cho thấy lấy chanh xoa cho trẻ sẽ khiến trẻ hạ sốt. Đây là một điều không nên làm. Chanh có chứa một độ axít loãng làm bỏng hay hư da trẻ.
Khi trẻ sốt vào nửa đêm, không có nước bình thuỷ. Các bậc cha mẹ phải làm sao? Người lớn có thể lấy nước máy bình thường vẫn sử dụng hàng ngày để lau cho trẻ.
Nhiều bậc phụ huynh thắc mắc, khi trẻ sốt thì phải dùng quạt, nước đá để sức nóng tỏa ra nhanh. Đúng hay sai? Sử dụng nước đá có thể khiến trẻ càng ớn lạnh và run dữ. Càng run chừng nào, cơ thể càng sinh nhiệt và sốt cao chừng ấy, chưa kể đá lạnh có thể khiến trẻ bị sưng phổi.
Khi trẻ sốt cao co giật, cha mẹ nên đặt trẻ nằm nghiêng một bên, lấy khăn gấp lại, nhét vào miệng đề phòng trẻ cắn lưỡi. Sau đó đưa trẻ đến các cơ sở gần nhất, sơ cấp cứu rồi tìm nguyên nhân bệnh.
Khi trẻ sốt, cởi bớt quần áo cho thoáng mát để sức nóng toả ra. Chỗ trẻ nằm nghỉ ngơi phải thông thoáng.
"Nhiều bậc cha mẹ, thấy con sốt cao, rờ tay chân thấy lạnh ngắt. Đó là do nhiệt độ cao khiến trẻ ớn lạnh. Không được quấn trẻ quá nhiều. Quấn trẻ trong chăn nhiều quá, sức nóng không có đường ra được, chỉ còn một con đường thoát là dồn lên não và có thể làm kinh,"BS. Hùng nói.
Cạo gió, cắt lể: Cấm!
Nhiều người còn cho rằng, khi trẻ làm kinh phải cắt lể để nặn hết máu độc ra. Khi chuyển trẻ đến bệnh viện, trong trường hợp sốt xuất huyết, do rối loạn đông máu, việc cầm máu rất khó khăn. Toàn bộ cơ thể bị rỉ máu. Cấm cạo gió cắt lể khi trẻ sốt, bác sĩ không thể theo dõi được chỗ nào xuất huyết do bệnh, chỗ nào do cạo gió.
Không cho trẻ bị sốt truyền các loại dịch không đúng, có thể khiến trẻ sốc dịch truyền và tử vong.
Về vấn đề dinh dưỡng, phải khuyến khích trẻ ăn uống bình thường, bú sữa mẹ. Cho trẻ uống nhiều nước như uống nước dừa, sữa, nước trái cây.
Ngoài nước ra, các loại nước này còn bổ sung thêm năng lượng, chất bổ, vitamin... Trẻ 15 tuổi, khi bị sốt, có thể uống 5 - 6l nước mỗi ngày là chuyện bình thường. Nhưng phải cho trẻ ăn no trước, rồi mới cho trẻ uống nước.
"Nhiều cha mẹ hỏi tôi có thể cho trẻ uống cà phê sữa không. Như vậy là không được. Tuy không phải cấm nhưng hạn chế với các loại đồ ăn thức uống có màu nâu, đỏ hay đen như coca, cháo huyết.... Các nhân viên y tế rất khó theo dõi vì không biết trẻ ói hay đi cầu ra máu hay đó là thức ăn đồ uống," BS. Hùng khuyên.
(St)