Những năm đầu đời của trẻ rất quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ. Trong những năm này, đặc biệt từ 3 – 5 năm đầu tiên, cha mẹ có cơ hội quý giá để tác động và định hướng sự học hỏi của trẻ.
Những năm này thường được gọi là “những nền tảng cho tương lai”. Việc được yêu thương và chăm sóc, hình thành gắn bó chặt chẽ với cha mẹ và những người khác, và có cơ hội để khám phá và học hỏi về thế giới xung quanh trẻ, giúp trẻ có thể phát triển sự tự tin, kỹ năng ứng phó và những mối quan hệ tích cực với những người khác. Những trải nghiệm này cũng hỗ trợ cho quá trình học hỏi của trẻ ở trường học.
Là một người cha/người mẹ, bạn đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của trẻ. Gia đình là nơi đầu tiên trẻ gắn bó và bằng cách quan sát bạn, trẻ học hỏi để phản ứng với thế giới xung quanh. Trẻ học hỏi từ cách mọi người đối xử với trẻ và từ những gì trẻ nhìn thấy, nghe thấy và trải nghiệm ngay khi trẻ chào đời.
Những bước quan trọng trong sự phát triển của trẻ sơ sinh
Mỗi trẻ sơ sinh đều có những đặc điểm khác nhau nhưng đều trải qua một số bước quan trọng trong sự tăng trưởng và phát triển ở hầu hết trẻ nhỏ.
Vào khoảng 6-7 tuần
Trẻ mỉm cười với bạn khi bạn mỉm cười với trẻ.
Vào khoảng 2 tháng
Giữ đầu trẻ thẳng khi bạn bế thẳng lưng trẻ.
Nâng đầu của trẻ khi trẻ đang nằm sấp
Vào khoảng 3 tháng
Trẻ thích thú chơi với những đồ chơi tạo nên tiếng động và cầm trống lắc trong một thời gian ngắn.
Vào khoảng 4 tháng
Trẻ có thể lẫy nhưng có thể mất một vài tháng hoặc lâu hơn trước khi trẻ có thể lật ngửa trở lại
Vào khoảng 6 tháng
Trẻ bắt đầu mọc răng. Trẻ thường mọc tất cả răng sữa vào khoảng 3 tuổi
Vào khoảng 7 tháng
Trẻ biết ngồi và có thể bắt đầu bò.
Vào khoảng 9 tháng
Trẻ đứng chập chững. Một số trẻ cần thời gian lâu hơn và có thể sẽ là 2-3 tháng trước khi trẻ có thể đứng mà không cần sự hỗ trợ và sau đó hơn một vài tuần trẻ có thể tự bước đi.
Vào khoảng 12 tháng
Nói “ngôn ngữ của trẻ nhỏ” và có thể phát âm một hoặc hai từ rõ ràng.
Nếu con bạn không làm được những điều này hoặc rất chậm nói, đừng vội kết luận rằng đó là điều tồi tệ. Hãy trò chuyện với bác sĩ để đảm bảo mọi việc đều diễn ra thuận lợi đối với sự phát triển của trẻ nhỏ.
Trẻ nhỏ và giấc ngủ
Quản lý giấc ngủ cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là một trong những mối bận tâm thường thấy các bậc phụ huynh từ những nền văn hóa và nền tảng gia đình khác nhau. Một số trẻ ngủ cùng cha mẹ. Một số trẻ nhỏ có phòng ngủ riêng, nhưng trẻ sơ sinh nên ngủ ở trong cũi hoặc nôi đẩy có mui bên cạnh cha mẹ.
Không có câu trả lời dễ dàng nào dành cho cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ để có những thói quen ngủ lành mạnh, ngoại trừ việc trẻ nên được an toàn và thư giãn nhất có thể.
Một số lời khuyên hữu ích:
- Nhu cầu ngủ khác nhau giữa trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ và sẽ thay đổi khi trẻ lớn lên. Bạn cần phải thích nghi với những sự thay đổi này.
- Hình thành thói quen hằng ngày có thể giúp trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thư giãn và ổn định giấc ngủ. Thói quen này có thể bao gồm những hoạt động tắm cho trẻ, chia sẻ một câu chuyện hoặc trao cho trẻ một nụ hôn hoặc một cái ôm chúc ngủ ngon.
- Không để trẻ khóc trong thời gian dài hoặc trở nên buồn rầu. Trẻ sơ sinh nên được an ủi để cảm thấy an toàn và đảm bảo.
- Trẻ sơ sinh nên luôn luôn được đặt nằm ngửa từ khi chào đời, không bao giờ đặt trẻ nằm sấp hoặc nằm nghiêng. Đặt trẻ nằm giữa, chân sát phía dưới cùng của cũi. Chỉ nên đắp chăn mền ngang vai của trẻ. Bằng cách nào đó, khi đầu trẻ sơ sinh bị che phủ, hơi thở của trẻ sẽ bị chặn lại, hoặc trẻ cảm thấy quá nóng có thể dẫn đến đột tử.
- Không nên che đầu và mặt trẻ trong khi ngủ (không để chăn, gối, len cừu hoặc đồ chơi mềm vào chỗ ngủ của trẻ). Trẻ sơ sinh không cần gối ngủ.
Hãy nhớ rằng trẻ sơ sinh không thể tự dịch chuyển đến một vị trí an toàn. Ví dụ: nếu chăn mền che phủ đầu trẻ hoặc đồ chơi hay thú nuôi có kích cỡ lớn làm trẻ ngạt thở. Vì lý do đó, tốt hơn hết là không để trẻ ngủ một mình trong phòng với thú nuôi.
- Tránh để trẻ hít phải khỏi thuốc trước và sau khi chào đời.
- Tìm một chỗ ngủ an toàn cả ban đêm lẫn ban ngày (cũi an toàn, nệm an toàn, chăn mền an toàn). Lựa chọn cũi, giường đáp ứng tiêu chuẩn. Tránh mặc quần áo có dây dài, ruy băng (nếu có dải dây gắn sẵn vào quần áo thì hãy đảm bảo ngắn hơn 10 cm).
- Để trẻ ngủ trong cũi hoặc nôi đẩy có mui của trẻ bên cạnh giường ngủ của cha mẹ từ 6 đến 12 tháng đầu đời. Những bằng chứng chỉ ra rằng khi trẻ ngủ chung giường với cha mẹ có thể gia tăng nguy cơ mắc hội chứng đột tử ở trẻ (SIDS) và những tai nạn chết người khi đang ngủ. Vì vậy, trẻ sơ sinh nên nằm ngủ ở trong cũi bên cạnh giường ngủ của cha mẹ đối với trẻ từ 6 đến 12 tháng tuổi.
Sự phát triển từ trẻ sơ sinh đến trẻ nhỏ
Từ 1 đến 3 tuổi là giai đoạn thường được gọi là giai đoạn “biết đi” trong quá trình phát triển của trẻ và đây là giai đoạn phát triển và thay đổi nhanh chóng. Giai đoạn này cũng là khoảng thời gian thử thách dành cho cha mẹ khi trẻ từ trạng thái dựa dẫm hoàn toàn vào cha mẹ chuyển sang trạng thái muốn tự lập hơn khi là những đứa trẻ vừa mới biết đi. Trẻ vừa mới biết đi thường hiếu động và tò mò và muốn tự đưa ra quyết định
Trẻ mới biết đi còn quá nhỏ để bộc lộ mong muốn và những cảm xúc của trẻ vì vậy trẻ thường thể hiện ra bên ngoài tâm trạng thất vọng thông qua hành vi – ví dụ: la hét, khóc, tức giận. Hành động này đôi khi có thể làm cha mẹ cảm thấy khó khăn hoặc xấu hổ nhưng nếu nổi cáu hoặc trừng phạt trẻ nhỏ sẽ không hiệu quả bởi vì trẻ còn quá nhỏ để hiểu về hành vi của bản thân mình.
Sự bướng bỉnh, giận dữ và mong muốn tự lập là tất cả những yếu tố của sự phát triển bình thường và cần đến sự kiên nhẫn và thấu hiểu của bạn.
Bởi vì trẻ nhỏ rất hiếu động, tò mò và tràn đầy năng lượng, cho nên cha mẹ phải đảm bảo rằng trẻ được bảo vệ an toàn. Những cú ngã, vết bỏng, nuốt phải chất độc hại hoặc các đồ vật có thể gây ngạt thở, chết đuối và những tai nạn nghiêm trọng khác có thể tránh được thông qua sự thận trọng và chăm sóc.
Hướng dẫn trẻ sử dụng nhà vệ sinh
Giữa 2-3 tuổi, hầu hết trẻ cũng sẽ “được hướng dẫn sử dụng nhà vệ sinh”. Điều này có nghĩa là, trẻ sẽ sẵn sàng ngưng sử dụng tã và học hỏi cách để kiểm soát ruột và bàng quang của mình. Đây cũng là giai đoạn quan trọng trong sự phát triển của trẻ, đòi hỏi sự kiên nhẫn và khích lệ từ cha mẹ. Chuẩn bị chờ đợi cho đến khi trẻ sẵn sàng. Không đặt quá nhiều áp lực cho trẻ và không lo lắng về những tai nạn thường xảy ra trong những tuần đầu tiên.
Đảm bảo sức khỏe tốt cho trẻ
Hãy để trẻ nghỉ ngơi nhiều, ăn thực phẩm lành mạnh, được tiêm chủng phòng ngừa những căn bệnh có thể gây hại cho trẻ, và tận hưởng những hoạt động thú vị và phát triển kỹ năng cho trẻ, là điều quan trọng đối với sức khỏe và hạnh phúc của trẻ.
Giữ vệ sinh tốt cũng rất quan trọng. Khích lệ trẻ rửa tay sạch sẽ sau khi ăn và chữa lành những vết cắt và trầy xước bằng kem sát trùng hoặc thuốc xức ngoài da để ngăn ngừa nhiễm trùng. Hầu hết trẻ nhỏ thích tắm mỗi ngày nhưng phải đảm bảo rằng bạn ở cùng với trẻ khi tắm và không bao giờ để trẻ một mình mà không giám sát. Đảm bảo rằng nước tắm không quá nóng và tránh sử dụng xà phòng và dầu gội đầu chứa hóa chất độc hại. Ở hiệu thuốc và siêu thị có bán sữa tắm và những sản phẩm khác dành riêng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Giúp trẻ học hỏi thông qua vui chơi
Trẻ em học hỏi bằng cách xem Ti Vi, lắng nghe và đặc biệt là hành động. Thông qua việc tham gia những hoạt động hằng ngày trẻ có thể phát triển thể chất và tinh thần và cũng học hỏi về thế giới xung quanh.
Hoạt động thể chất có thể giúp trẻ phát triển những thế mạnh của mình và cân bằng những kỹ năng này. Làm thủ công và làm những thứ từ chính bàn tay của trẻ có thể giúp trẻ phát triển những kỹ năng vận động khỏe mạnh cũng như mang lại cho trẻ cảm giác thành công và tự hào.
Có nhiều hoạt động có thể giúp trẻ nhỏ thể hiện tính sáng tạo và tưởng tượng của trẻ. Những hoạt động này gồm có đọc và kể chuyện, hát và nhảy, nghe nhạc, chơi với những khối gạch xếp hình và những đồ chơi có tình giáo dục khác, chơi câu đó, những trò chơi khám phá ngoài trời và những hoạt động khác. Những hoạt động này cũng có thể là những câu chuyện, trò chơi và hoạt động từ truyền thống văn hóa của bạn mà bạn có thể chia sẻ với trẻ.
Lưu ý gì khi cho trẻ xem Ti Vi
Những chương trình Ti Vi nhất định rất phổ biến với trẻ và hỗ trợ trẻ học tập. Tuy nhiên, xem Ti Vi quá nhiều hoặc xem phim hoặc những chương trình không phù hợp có thể gây hại cho trẻ. Trẻ càng dành nhiều thời gian xem Ti Vi thì trẻ càng có ít thời gian vui chơi, hòa đồng với những đứa trẻ khác và trở nên năng động – tất cả những yếu tố này rất quan trọng cho sự phát triển và sức khỏe của trẻ.
Sự phát triển xã hội và hiểu biết văn hóa
Cách thức để trẻ xem xét, gắn kết và hòa nhập với những đứa trẻ và người lớn khác chịu ảnh hưởng lớn từ cha mẹ và những người chăm sóc cho trẻ - ví dụ: ông bà, họ hàng. Trẻ học hỏi từ quá trình quan sát và lắng nghe. Khi trẻ quan sát cha mẹ thân thiện,chu đáo và chăm sóc tới mọi người và/hoặc lịch sự với những người khác, trẻ có thể hành động tương tự.
Bạn đừng quên tự chăm sóc bản thân
Nuôi dạy và chăm sóc con cái đem lại sự thỏa mãn và nhiều điều thú vị cho cha mẹ, nhưng công việc này đôi khi cũng có thể làm cha mẹ cảm thấy mệt mỏi ở một thời điểm nào đó. Nếu bạn cảm thấy bạn không thể ứng phó được, đừng ngần ngại hỏi sự giúp đỡ từ người bạn đời của bạn, những thành viên trong gia đình và bạn bè.
Nếu bạn đang mệt mỏi, căng thẳng và không chăm sóc cho sức khỏe và hạnh phúc của mình, tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến việc nuôi dạy con cái của bạn và mối quan hệ của bạn với trẻ. Vì vậy, hãy chăm sóc bản thân thật tốt và đừng ngại yêu cầu sự giúp đỡ nếu bạn cần đến.