Để đảm bảo con có tâm lý tốt nhất và có thể thích nghi với môi trường mẫu giáo, bố mẹ nhớ không hỏi 10 câu hỏi sau.
1. Ở lớp có ai bắt nạt con không?
Hoặc "Hôm nay ai đánh/ cấu con phải không?"
Bố mẹ thường xuyên lo lắng con mình bị bắt nạt sẽ hỏi câu này. Tuy nhiên những từ như "bắt nạt" sẽ khiến trẻ lập tức đứng ở vị trí đối lập với các bạn của mình. Khi trẻ mới đi mẫu giáo, việc thiếu kinh nghiệm tương tác có thể dẫn đến mâu thuẫn, tranh chấp. Hay ngay cả việc chơi đùa, tranh giành trò chơi cũng có thể khiến các con có mâu thuẫn, nhưng chúng không hề có ác cảm với nhau. Vì vậy hãy cho con có không gian riêng và tự giải quyết các vấn đề của mình.
2. Hôm nay đi học con có khóc không?
Nhiều trẻ trong giai đoạn đầu mới đi học thường có thói quen khóc khi tới trường. Tuy nhiên đừng vì thế mà bố mẹ luôn hỏi con hôm nay có khóc không.
Khi vừa đi học mẫu giáo, trẻ chưa thích nghi ngay với môi trường mới, do đó trẻ sẽ dùng cách khóc để giải tỏa tâm lý hoặc phản kháng. Nhưng thực tế, ngay khi bố mẹ đi về, trẻ sẽ ngoan ngoãn vào lớp và nín khóc ngay. Vì vậy, nếu về bố mẹ hỏi chuyện khóc, con sẽ nhớ ra và cảm thấy tủi thân.Thay vì vậy, bố mẹ chỉ nên hỏi con những câu hỏi tích cực hoặc động viên con.
3. Cô giáo có mắng/đánh con không?
Khi mới đi mẫu giáo, do chưa thích nghi, trẻ thường xuyên có biểu hiện không vui vẻ. Nhưng vì con chưa biết nói ra hết, nên bố mẹ thường có nhiều suy đoán khác nhau. Không ít mẹ có thể suy đoán và hỏi có phải con bị cô giáo mắng, phê bình không.
Thực tế khi các con mới bước vào môi trường tập thể, có nhiều quy tắc mới, cô giáo sẽ điều chỉnh dựa trên sự thích ứng của con. Khi phụ huynh hỏi như vậy, trẻ sẽ dễ biến việc ấy thành cái cớ cho mọi việc, hoặc khiến con bị áp lực, trở nên thiếu tự tin. Thay vì vậy, bố mẹ nên khuyến khích con thường xuyên tiếp xúc với cô giáo.
4. Hôm nay con có ngoan không?
Khi con mới đi học, gia đình cũng rất tò mò về sinh hoạt của con ở trường, đồng thời lại lo con nghịch ngợm. Vì vậy, rất nhiều bậc phụ huynh hay hỏi: "Hôm nay con có ngoan không, có nghịch gì không?".
Những câu hỏi tổng quát như vậy khiến trẻ không biết trả lời thế nào. Hãy hỏi con những câu hỏi cụ thể hơn, đồng thời mang tính tích cực hơn, ví dụ: "Hôm nay con đi học có vui không?", "Hôm nay có điều gì làm con vui không?".
5. Con có bị bạn giành mất đồ chơi không?
Mới đi học, cô giáo và các bạn vẫn là người lạ đối với con, từ chỗ quen biết và trở thành bạn bè cũng cần một khoảng thời gian nhất định. Chưa kể quá trình phát triển cho tới tính cách của từng đứa trẻ khác nhau, vì vậy bố mẹ nên hỗ trợ con làm quen với các bạn. Thay vì những câu hỏi thiếu tích cực khiến con có định kiến với bạn, bố mẹ nên hướng cho con việc chia sẻ với bạn, ví dụ hỏi "Con có quen được bạn nào không?", "Ở lớp con có bạn nào?".
6. Hôm nay con được học gì ở trường?
Hoặc "Cô có gọi con trả lời câu hỏi không?", "Hôm nay con được học bài hát gì?".
Với trẻ, việc trả lời rõ ràng những câu hỏi như vậy vẫn quá khó. Vì vậy bạn đừng quá thách thức năng lực tổ chức ngôn ngữ của trẻ, không gây áp lực cho con, dễ tạo ra sự mệt mỏi về tinh thần.
7. "Cô giáo có quý con không?", "Con có được cô giáo khen không?
Nhiều bố mẹ ngoài quan tâm tới khả năng thích nghi của con mình với môi trường mới, đồng thời cũng lo lắng việc con mình có được cô yêu quý, quan tâm không nên thường hỏi trẻ như vậy.
Tuy nhiên, trẻ vẫn khó hiểu được khái niệm "quý", làm thế nào để xác định được là cô có quý hay không. Điều này thực tế còn cho thấy bố mẹ chưa đủ tin tưởng cô giáo. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng không nên quá đề cao việc con được cô giáo khen hay những vấn đề về thành tích, cũng như ở nhà không khen ngợi con trẻ quá đà. Điều này dễ dẫn đến việc sau này trẻ dễ mắc bệnh thành tích, làm nhiều việc không xuất phát từ bản thân mà chỉ với mục đích được khen ngợi.
8. Hôm nay ở trường con ăn gì? Con có được ăn no không?
Khi mới cho con đi học, bố mẹ thường lo lắng nhiều điều như liệu con có được ăn uống đầy đủ, con đi vệ sinh ướt quần áo cô có biết để thay kịp thời.
Với những trẻ mới đi học, bố mẹ cũng không nên cầu toàn quá mọi việc. Bởi lúc này đang là giai đoạn thích nghi với môi trường mới của con, chuyện ăn, chuyện ngủ, chuyện sinh hoạt của con có thể bị xáo trộn, ảnh hưởng phần nào. Nhưng tình trạng này sẽ không kéo dài quá lâu, nên bố mẹ không nên quá lo lắng.
9. Con có thích trường học không? Con có thích đi nhà trẻ không?
Bố mẹ luôn lo lắng con có sợ việc đi học không nên rất hay hỏi con câu hỏi này. Thực tế, khi mới bắt đầu đi học, thông thường các con đều có tâm lý sợ hãi hoặc căm ghét trường học do chưa quen. Nếu hỏi câu hỏi trên, con dễ có câu trả lời tiêu cực, sẽ có ấn tượng xấu với trường lớp. Vì vậy bố mẹ nên giới thiệu những điều tích cực, vui vẻ về trường để con sớm thích nghi.
10. Con yêu quý cô giáo nào? Cô nào hay chơi với con?
Một trong những điều bố mẹ lo lắng khi con mới đi học mẫu giáo là mối quan hệ giữa con và cô giáo có tốt hay không? Bố mẹ cần hiểu tâm lý của trẻ khi mới đi học, chắc chắn trẻ sẽ không yêu quý cô giáo nào cả. Vì trẻ chưa quen và chưa thích nghi ngay được. Trong mắt trẻ, cô giáo vẫn là người lạ. Nếu bố mẹ cứ hỏi câu hỏi này dồn dập, trẻ sẽ nghĩ rằng cô giáo là người khiến trẻ phải rời xa bố mẹ, bắt trẻ phải ở bên cô cả ngày, như thế trẻ càng không muốn tiếp xúc với cô giáo.