Khi học tạo hình, trẻ em có cơ hội độc lập tìm hiểu, khám phá, quan sát và nghiên cứu các đồ vật, sự vật quanh mình. Từ đó có sự hiểu – biết, xây dựng cho riêng mình hệ thống kiến thức về các đối tượng này. Trẻ cũng có thể nhận ra những nét độc đáo, sức hấp dẫn của từng đối tượng mà mình miêu tả, quan sát. Hoạt động này còn là phương tiện để trẻ thể hiện những ấn tượng, hiểu biết và ý muốn của mình về thế giới xung quanh. Quá trình này lặp lại càng nhiều, vốn hiểu biết của các bạn nhỏ càng “giàu có”.
Ngoài ra tạo hình cũng được xem là một bộ môn nghệ thuật mà trẻ được sử dụng nhiều chất liệu khác nhau, thể hiện “tác phẩm” một cách trọn vẹn nhất. Để thông thạo bộ môn này đòi hỏi những đôi tay nhỏ bé phải khéo léo từng bước; kết hợp bộ não, mắt, tay…linh hoạt, nhuần nhuyễn. Trẻ cũng có thể vẽ 1 bức tranh trời mưa bằng bút sáp, nhưng cũng có thể cắt dán hiện tượng thời tiết này bằng giấy màu… quá trình này đòi hỏi bé phải tỉ mỉ xé dán đám mây, hạt mưa… sao cho “nghệ” nhất. Chính nhờ sự kiên nhẫn và tỉ mỉ này cũng tập cho trẻ mầm non sự chịu khó, tập trung trong những giờ học sau này. Vẽ là kỹ năng tạo hình đầu tiên mà hầu như trẻ em nào cũng được tiếp cận. Chính cha mẹ là người hướng dẫn đầu tiên cho con về kỹ năng tạo hình này. Vẽ bao gồm 4 thể loại: vẽ theo mẫu, vẽ trang trí, vẽ theo đề tài, vẽ theo ý thích. Tùy theo lứa tuổi và khả năng thích ứng của con, cha mẹ có thể lựa chọn hình thức phù hợp.
Vẽ theo mẫu được hiểu là quá trình con trẻ nhìn mẫu vẽ lại bằng suy nghĩ, cảm thụ chứ không sao chép rập khuôn. Vẽ trang trí là sắp xếp các họa tiết như nét, hình, mảng màu sắc tạo nên sản phẩm hoàn chỉnh. Vẽ theo đề tài cho phép trẻ em kết hợp nhiều sự vật khác nhau trong một bối cảnh, không gian nhất định. Vẽ theo ý thích cho phép trẻ mầm non được thỏa sức thể hiện sự yêu thích của mình với thế giới xung quanh, lựa chọn, tái hiện và sáng tạo nó trong tác phẩm.
Kỹ năng tạo hình này giúp cho trẻ mầm non được trau dồi khả năng sáng tạo, tưởng tượng; sự quan sát; trí nhớ về sự vật quanh mình.
MỘT SỐ HÌNH ẢNH CỦA CÁC CON